- Trường xét tổng điểm kiểm tra hết năm các môn Toán, Tiếng Việt (lớp 1-5); Khoa học, Lịch sử và Địa lý (lớp 4, 5), Tiếng Anh (lớp 3-5). Những học sinh đạt 167 điểm trở lên được thi tuyển. Điều đó có nghĩa các em cần đạt 10 điểm ở tối thiểu 14 môn, 3 môn còn lại đạt 9 mới có thể tham gia vòng tiếp theo.
- Để đăng ký dự thi, học sinh phải có điểm kiểm tra Toán và Tiếng Việt cuối năm lớp 5 từ 9 điểm mỗi môn trở lên.
Đó là một trong những yêu cầu đối với thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 6 tại các trường chuyên Hà Nội - Amsterdam và chuyên Trần Đại Nghĩa những năm gần đây. Thế nhưng, vượt qua những yêu cầu này, những học sinh lớp 5 phải tiếp tục bước vào vòng thi tuyển với tỷ lệ chọi gắt gao.
Có thể thấy, đỗ vào lớp 6 trường chuyên cũng đồng nghĩa với việc nhiều học sinh phải bước vào “cuộc đua" với sự chuẩn bị bài bản, có lộ trình trong nhiều năm.
Thế nhưng, chính “cuộc đua” này đã dẫn đến những câu chuyện “5 năm con không có nghỉ hè, mẹ bật khóc khi trường Ams dừng tuyển lớp 6”; “mẹ mất ngủ bởi con đã học tăng cường Toán, tiếng Anh suốt 5 năm tiểu học”.
Nhưng sao phụ huynh lại khóc? Đằng sau sự hụt hẫng, thất vọng của phụ huynh khi nghe tin Bộ GD&ĐT yêu cầu dừng tuyển sinh hệ THCS trong trường THPT chuyên là gì?
Phản ứng vì lợi ích của trẻ hay của phụ huynh?
Trao đổi với Tri thức - Znews, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên môn Hóa ở Hà Nội, đánh giá phản ứng trên của phụ huynh là điều dễ hiểu bởi họ đã dành nhiều công sức để chuẩn bị cho con. Khi không đạt được như kỳ vọng, đương nhiên họ sẽ cảm thấy thất vọng.
Những phụ huynh có phản ứng thái quá như vậy có thể chỉ là một nhóm nhỏ, không đại diện cho tất cả phụ huynh có dự định đăng ký cho con thi vào hệ THCS của các trường chuyên.
Tuy nhiên, thầy Ngọc đánh giá đằng sau những phản ứng này là câu chuyện kỳ vọng, áp lực không phù hợp của phụ huynh đối với trẻ.
Theo thầy Ngọc, phụ huynh đặt nhiều kỳ vọng vào con trẻ, mong muốn con được học trong môi trường tốt là chuyện bình thường trong văn hóa Á Đông. Tâm lý này khó có thể xóa bỏ, nhất là trong xã hội hiện đại, khi mỗi gia đình chỉ có 1-2 con và việc đầu tư cho giáo dục rất lớn. Khi các gia đình đầu tư nhiều cho việc học của con cái, tất nhiên, phụ huynh cũng sẽ đặt ra kỳ vọng lớn.
“Tuy nhiên, phụ huynh phải hiểu mỗi đứa trẻ có năng lực khác nhau, phải nhìn khả năng của con để có sự đầu tư phù hợp. Môi trường tốt cho con là môi trường phù hợp với năng lực để con phát triển. Chứ không phải phụ huynh chọn trường và ép con học, gồng quá sức để đỗ. Điều đó không phải vì lợi ích của đứa trẻ mà chỉ để đáp ứng mong muốn của cha mẹ", thầy Ngọc phân tích.
Trước băn khoăn của nhiều người về việc phương án tuyển sinh vào hệ THCS của các trường THPT chuyên đang đang góp phần tăng áp lực cho trẻ, thầy Ngọc cho rằng điều này không hoàn toàn đúng.
Theo thầy, cho dù ở phương thức tuyển sinh nào, một khi phụ huynh có “khao khát" đạt mục tiêu vào trường, họ sẽ tìm mọi cách để đạt được các tiêu chí do trường đặt ra.
“Nếu xét học bạ, trẻ sẽ lại đạt 100% điểm 10. Nếu thi tuyển, nhiều trẻ vẫn phải học thêm, luyện thi. Như vậy, trong môi trường cạnh tranh lớn, tuyển sinh theo cách nào thì học sinh cũng sẽ có áp lực. Chủ yếu, áp lực này lại đến từ phía gia đình. Điều cần thay đổi là các phụ huynh cần nhìn nhận khả năng của con đến đâu để điều tiết. Về phía các trường cần đảm bảo các phương án tuyển sinh khách quan, công bằng", thầy Ngọc nhìn nhận.
Học sinh hệ THCS, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Trường Ams. |
Đồng quan điểm, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân, cũng đánh giá việc duy trì hệ THCS trong các trường THPT chuyên đã tạo một áp lực rất lớn cho phụ huynh và học sinh. Nhưng trên hết, chính phụ huynh đang đặt quá nhiều kỳ vọng lên vai đứa trẻ tiểu học.
Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân cho rằng những học sinh “học ngày học đêm", “5 năm không có nghỉ hè" chủ yếu là bị điều phối bởi kỳ vọng, khát khao của cha mẹ bởi ở độ tuổi tiểu học, các em chưa đủ nhận thức thể tự định hướng có học chuyên hay không.
Bên cạnh đó, những đứa trẻ có tố chất, tài năng thực sự thì không cần học, luyện thi với cường độ cao để đỗ. Cha mẹ đặt các em vào môi trường học tập “khắc nghiệt" như vậy là đang đánh cắp tuổi thơ, ép con phải chạy đua quá sớm.
“Vài nghìn học sinh dự thi chỉ để lấy vài trăm em! Mức độ cạnh tranh quá lớn, kỳ vọng của phụ huynh lại quá nhiều khiến học trò phải lao vào ‘cuộc đua' của người lớn. Cuối cùng, những phản ứng, sự hụt hẫng cũng xuất phát từ phía phụ huynh, từ nỗi thất vọng vì mong muốn không được đáp ứng. Đó là tâm lý của người lớn thay vì học sinh", thầy Phú đánh giá.
Sao phải khóc khi kiến thức và lựa chọn vẫn còn?
Thầy Phú và thầy Ngọc đều cho rằng việc Bộ GD&ĐT tạo yêu cầu dừng tuyển sinh hệ THCS trong trường chuyên là quyết định đúng đắn, tuân thủ quy định của pháp luật và vì quyền lợi của trẻ em.
Theo thầy Phú, việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, tạo nguồn cho trường THPT chuyên là nhiệm vụ của tất cả trường THCS chứ không phải chỉ là nhiệm vụ của riêng hệ THCS trong trường chuyên hay trường chất lượng cao.
Chính vì vậy, phụ huynh cần có cái nhìn thực chất, không nên vì không được thi, vì chữ “trường chuyên" mà “khóc lóc, mất ăn mất ngủ" bởi nếu đã đầu tư cho con, học ở trường nào, phụ huynh cũng có thể đầu tư được. Trẻ vẫn có thể phát triển tốt nếu không học trường chuyên.
Bên cạnh đó, dù có thi vào lớp 6 trường chuyên hay không, kiến thức các em ôn luyện, trau dồi 5 năm sẽ không bị mất đi, các em vẫn còn nhiều môi trường khác để phát huy. Đó mới là điều cốt lõi và quan trọng nhất.
Tuy nhiên, để không mất quyền lợi của học sinh và đáp ứng nhu cầu xã hội, thầy Phú đề xuất hệ THCS trong các trường THPT chuyên có thể tách ra thành trường THCS độc lập, giao về các Phòng GD&ĐT quản lý. Việc thay đổi này cũng sẽ tạo sự công bằng cho tất cả trường THCS trên toàn quốc.
Đồng quan điểm, thầy Ngọc cũng cho rằng phụ huynh Hà Nội hay TP.HCM đều có rất nhiều lựa chọn khác như các trường chất lượng cao, các trường tư thục, không nhất thiết là trường Ams hay chuyên Trần Đại Nghĩa thì con mới học giỏi, mới phát triển.
“Khi đầu tư, chuẩn bị cho con vào các hệ THCS của trường chuyên, cha mẹ phải nhìn nhận năng lực, kiến thức mà con có được trong quá trình đó mới là điều quan trọng, chứ không phải vì vài trăm suất vào lớp 6 trường Ams mất đi mà khóc lóc, phản ứng", thầy Ngọc nói.
Bộ GD&ĐT yêu cầu ngừng tuyển sinh lớp 6 tại các trường THPT chuyên là đúng quy định pháp luật. Ảnh minh họa: Thạch Thảo. |
Ủng hộ phân luồng sớm nhưng cần thay đổi
Trao đổi với Tri thức - Znews, thầy Ngọc cho rằng mỗi đứa trẻ đều có những đặc điểm riêng và để phát triển tốt nhất, các em cần được đặt vào môi trường phù hợp.
Theo thầy giáo, sau 5 năm tiểu học, các học sinh đã bắt đầu bộc lộ năng khiếu và tố chất riêng. Vì vậy, thầy Ngọc ủng hộ việc học sinh được phân luồng từ sớm, có thể ngay từ bậc THCS để các em khai phá hết tiềm năng, rút ngắn thời gian đào tạo và đào tạo có hiệu quả.
Thực tế hiện nay, dù đã có các quy định yêu cầu không tổ chức trường chuyên ở bậc THCS, các “trường THCS chuyên" vẫn tồn tại dưới hình thức trường chất lượng cao, lớp chọn theo nhu cầu của xã hội. Đây cũng có thể được coi là môi trường để các học sinh tài năng phát triển.
Tuy nhiên, hiện tại, các trường này vẫn đang tổ chức tương tự mô hình trường chuyên ở bậc THPT. Phụ huynh, học sinh dễ rơi vào vòng xoáy học để thi, thi để học và những áp lực không đáng có nếu không thực có tố chất.
Vì vậy, thầy Ngọc đề xuất các trường cần hình thành quan điểm, khái niệm mới về trường chuyên.
“Thay vì xây dựng các trường THCS chuyên, chất lượng cao, lớp chọn đào tạo chuyên sâu một số môn học nhất định, chúng ta nên xây dựng các mô hình trường chuyên đào tạo các lĩnh vực và phân luồng các em theo định hướng đó. Bên cạnh đó, nhà nước cần luật hóa các khái niệm mới một cách đầy đủ để việc phân luồng thực sự đúng đối tượng", thầy Ngọc phân tích.
Thầy Huỳnh Thanh Phú cũng cho rằng cần thay đổi cách bồi dưỡng học sinh giỏi ở bậc tiểu học, THCS. Theo đó, thay vì dồn các học sinh giỏi vào một lớp và đầu tư nguồn lực cho lớp đó, giáo viên nên quan sát, phát hiện tố chất, năng lực của học sinh để phân hóa các em.
“Những em này sẽ được phân nhóm để bồi dưỡng, tạo nguồn chất lượng cho các trường THPT chuyên, đồng thời phát huy được hết tài năng. Như vậy, không nhất thiết phải lập ra trường chuyên, lớp chọn từ bậc THCS để gây áp lực cho học sinh", thầy Phú nói.
Bên cạnh đó, hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân cũng cho rằng Bộ GD&ĐT cần định hướng rõ lại công tác bồi dưỡng, phát triển nhân tài ở các trường THPT chuyên bởi hiện nay, các trường THPT chuyên vẫn đang đào tạo học sinh theo hướng phục vụ các kỳ thi học sinh giỏi.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.