Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sắp dừng hẳn việc xét xử lưu động?

Tháng 7/2018 sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng quan điểm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao là không tổ chức phiên tòa lưu động nữa.

Ngày 31/1, TAND Tối cao tổ chức họp báo đầu năm dưới sự chủ trì của Chánh án Nguyễn Hòa Bình. Vấn đề thu hút sự quan tâm là việc TAND Tối cao đánh giá thẳng thắn về mặt được và chưa được của việc xử án lưu động trong thời gian qua.

Tốn 70 tỷ đồng mỗi năm

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng mặt tích cực của xử lưu động là có tác dụng tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phòng ngừa tội phạm, nhất là vùng sâu, vùng xa.

“Những nơi không có truyền thông, báo, đài đến nhiều thì phiên tòa lưu động có tác dụng rất lớn, nhất là những năm chiến tranh và sau chiến tranh” - ông Bình nói. Có điều là theo ông, tác dụng nói trên đã giảm dần trong bối cảnh báo chí, truyền thông ngày càng phát triển, đặc biệt ngành tòa án đã thực hiện việc công khai bản án trên mạng Internet.

Đánh giá về những hạn chế, ông Bình cho rằng việc tổ chức các phiên tòa lưu động rất tốn kém. “Chưa kể ngân sách các địa phương hỗ trợ cho phiên tòa lưu động thì riêng ngân sách của ngành tòa án mỗi năm phải chi 70 tỷ đồng để xử lưu động. Nếu chúng ta dành 70 tỷ đồng này chi cho những việc khác thì sẽ mang lại tác dụng lớn hơn” - ông Bình nhấn mạnh.

Cạnh đó, việc bảo vệ phiên tòa xử lưu động cũng gặp nhiều khó khăn khi phải đưa cả bị cáo, bị hại, người làm chứng... ra nơi công cộng. Phiên tòa lưu động cũng không đảm bảo tính nghiêm túc trong khi đây là yêu cầu mà quốc gia nào cũng đặt ra đối với mọi phiên tòa.

bo xet xu luu dong anh 1
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình (đứng) chủ trì buổi họp báo. 

Tuy nhiên, theo ông Bình, hạn chế lớn nhất là phiên tòa lưu động không đảm bảo quyền con người. Một người khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật tòa án thì chưa phải là tội phạm.

Việc họ bị đưa về nơi cư trú xét xử có phần nào ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của các bị cáo, đặc biệt là người thân, vợ con, gia đình họ. Không ít vụ án khi xét xử lưu động, các cháu là con bị cáo đã bỏ nhà đi hoặc có nhiều quyết định đáng tiếc khác.

“Từ hạn chế như vậy, chúng tôi đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), xin tổng kết việc xét xử các phiên tòa lưu động. Tháng 7 năm nay, TAND Tối cao sẽ báo cáo UBTVQH nhưng quan điểm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao là không tổ chức phiên tòa lưu động nữa” - ông Bình nói.

Thẩm phán xử “"đại án" phải tuyển chọn

Liên quan đến công tác chuẩn bị xét xử các đại án trong năm 2018, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay tất cả vụ án thuộc diện được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo, ngành tòa án đã hình thành được HĐXX (cả sơ thẩm và phúc thẩm). Dù phiên tòa sơ thẩm chưa diễn ra nhưng HĐXX phúc thẩm cũng đã được hình thành.

“Đó là những thẩm phán có kinh nghiệm và sự tín nhiệm cả về năng lực, hiểu biết, phẩm chất... Tôi đã có trong tay danh sách tất cả HĐXX các vụ án lớn” - Chánh án Bình nói. Ông Bình cũng cho biết TAND Tối cao đã yêu cầu các thẩm phán chủ động phối hợp với VKS nghiên cứu một cách chủ động, độc lập theo đúng quy định. Song song với đó, TAND Tối cao cũng yêu cầu các HĐXX này nghiên cứu kỹ, lưu ý các điểm mới của TTHS 2015, đặc biệt lưu ý việc duy trì một phiên tòa có tranh tụng.

bo xet xu luu dong anh 2
Người dân tham dự một phiên tòa lưu động.

“Trước ngày khai mạc phiên tòa xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, chúng tôi còn đến TAND TP Hà Nội kiểm tra việc bố trí phòng xét xử. Trong điều kiện chúng ta chưa trang bị gì, việc bố trí, sắp xếp chưa đúng Thông tư 01 lắm nhưng vẫn chấp nhận được” - ông Bình nói và đánh giá các phiên tòa lớn có nhiều thành công.

Về việc thay đổi trang phục thẩm phán và bố trí phòng xét xử, ông Bình cho hay TAND Tối cao đã đề xuất và được Chính phủ đồng ý cho triển khai dự án trang bị bàn ghế, loa đài, hệ thống âm thanh trong phòng xét xử. Dự án này hiện đã triển khai bước một, năm 2018 hoàn thành việc trang bị bàn ghế cho toàn bộ tòa án cấp tỉnh, TP.

Nếu kịp thì nửa cuối năm 2018 sẽ hoàn thành việc triển khai bước một. Việc trang bị cho 700 TAND cấp huyện sẽ được triển khai vào các năm 2019-2020. Trước mắt, toàn bộ bàn ghế hiện có (ở cấp tỉnh) được tận dụng chuyển về cấp huyện.

Với việc triển khai mô hình xét xử thân thiện, ông Bình cho biết đối với cấp tỉnh có thể làm ngay nhưng cấp huyện còn khó khăn vì hầu hết chỉ có một phòng xét xử chung các loại án.

“Giải pháp trước mắt là anh em ngồi chật lại, thu xếp phòng làm việc nhường cho HĐXX. Căn cơ hơn thì sẽ xây dựng đề án đề nghị QH, Chính phủ thông qua, xây dựng bổ sung thêm các phòng xét xử thân thiện, vì 40% án giải quyết hiện nay là hôn nhân gia đình” - ông Bình nói.

Sắp bồi thường cho người bị oan mấy chục năm

Liên quan đến vụ việc của ông Trần Văn Thêm (Bắc Ninh) bị làm oan, đến nay chưa giải quyết việc bồi thường, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay đây là vụ do TAND Tối cao phát hiện ra sai phạm. Vụ án đã được dừng từ lâu nhưng chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan tiến hành tố tụng, kéo dài thân phận bị can của ông Thêm mấy chục năm.

Theo chánh án, ông thấy đây là vụ vi phạm nghiêm trọng nên chỉ đạo làm ngay và cũng đã trực tiếp gặp ông Thêm. Việc xin lỗi đã làm nhưng việc bồi thường thì vướng vì quy định của Bộ Tài chính về chứng từ, hóa đơn khá phức tạp.

Chánh án Bình cho biết lúc đầu tiếp xúc với lãnh đạo TAND Tối cao, ông Thêm nói không cần bồi thường, chỉ cần được giải oan. Sau này luật sư của ông Thêm đưa ra các yêu cầu bồi thường.

Vì thế ông Bình chỉ đạo tinh thần là vận dụng tất cả quy định có lợi nhất cho người bị làm oan. Bởi thực tế ông Thêm không thể tích trữ từng hóa đơn, chứng từ trong mỗi lần tàu xe đi kiện. Đến nay việc thỏa thuận bồi thường trong vụ án này đã hoàn tất, hồ sơ đang được báo cáo Bộ Tài chính.

Đã có quy chế kiểm tra ngành TAND

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chánh văn phòng TAND Tối cao, cho biết năm 2017 đã xây dựng quy chế kiểm tra trong ngành TAND quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND.

Cơ quan này đã tổ chức tám đoàn kiểm tra về hoạt động công vụ, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tại một số TAND cấp tỉnh. Trong đó đoàn tập trung kiểm tra những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực như việc tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái cán bộ, công khai tài chính...

http://plo.vn/phap-luat/sap-dung-han-viec-xet-xu-luu-dong-754053.html

Theo Đức Minh/Pháp Luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm