Ngày 18/8, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ra quyết định thành lập Cao đẳng Đà Lạt trên cơ sở sáp nhập 3 trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Cao đẳng nghề Đà Lạt và Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng.
Trụ sở chính của Cao đẳng Đà Lạt được đặt tại Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (số 109 đường Yersin, phường 10). Ngoài ra, trường còn có một số cơ sở đào tạo tại số 1 Hoàng Văn Thụ (phường 4, Đà Lạt), số 53 Đào Duy Từ (phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc) và thôn Măng Lin (phường 7, Đà Lạt).
Cao đẳng Đà Lạt là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, trực thuộc UBND tỉnh Lâm Đồng, có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, quyền tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và quy định pháp luật hiện hành.
Từ giờ cho đến khi UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức sáp nhập, đổi tên theo quyết định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 3 trường nói trên chịu trách nhiệm về toàn bộ tài sản, tài chính và hoạt động của trường.
Toàn cảnh Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Ảnh: Tiền phong. |
Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt được khởi công xây dựng vào năm 1927, hoàn thành sau 8 năm bằng sức lao động của hàng nghìn phu phen người Việt. Ban đầu, trường được đặt tên là Grand Lycée Yersin. Đến năm 1976, trường được đổi tên thành Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.
Trường được xây dựng trên diện tích khoảng 8 ha, là sự phối hợp giữa kiến trúc Pháp và Thụy Sĩ - quê hương bác sĩ Yersin (người phát hiện ra Đà Lạt vào năm 1893). Thay vì những khuôn mẫu kiến trúc góc cạnh, ngôi trường độc đáo này lại phá cách theo một đường cong mềm mại, sân trường rợp bóng thông xanh và tháp chuông độc đáo.
Đây là công trình nổi bật nhất so với các công trình làm nên biểu tượng kiến trúc của Đà Lạt như nhà thờ Con gà, ga xe lửa Đà Lạt, Cục Bản đồ Đà Lạt...
Ngôi trường có nét kiến trúc độc đáo và diễm lệ bậc nhất Đông Dương này từng tiếp nhận con em của các gia đình giàu có từ nhiều nước về đây học tập.
Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt đã được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, trở thành nơi tham quan nổi tiếng với nhiều giá trị nổi bật về kiến trúc và lịch sử.