Nhận học bổng toàn phần hệ ngôn ngữ tiếng Trung 1 năm tại Đại học Tây Nam, Trùng Khánh vào tháng 10/2021, Thanh Vân (sinh năm 1993, Quảng Nam) háo hức khi nghĩ tới viễn cảnh có thể trực tiếp trải nghiệm văn hóa, giao lưu bạn bè và nâng cao khả năng ngôn ngữ ở Trung Quốc.
“Thời điểm đó tình hình Covid-19 chưa ổn định nhưng mình nghe phong phanh rằng năm 2022 có thể sang trường nên chấp nhận học online thời gian đầu, không ngờ đến tận bây giờ, khi đã sắp tốt nghiệp, mình vẫn chưa một lần được chạm tay vào cánh cổng trường, không biết ngôi trường trông như thế nào”, Vân nói với Zing.
Hoàn thành bài thi cuối kỳ vào cuối tháng 6, nếu không có gì thay đổi, Vân sẽ chính thức tốt nghiệp vào 15/7. Càng về những ngày cuối của chương trình học, cô càng chán nản, hụt hẫng.
Tình trạng của Thanh Vân cũng là câu chuyện chung của nhiều lưu học sinh Việt Nam theo học tại một số trường đại học Trung Quốc.
Trái ngược với quyết định nới lỏng hạn chế và tiến tới bình thường mới của nhiều quốc gia, Trung Quốc hiện vẫn kiên trì theo đuổi chính sách Zero Covid-19, phong tỏa nhiều khu vực, xét nghiệm diện rộng và chưa cho phép du học sinh nhiều nước nhập cảnh.
Vân đối mặt viễn cảnh tốt nghiệp trong khi chưa từng đặt chân tới trường. |
“Du học” tại nhà
“Khi nghe tin đỗ học bổng, mình đã lên sẵn kế hoạch sẽ dành thời gian tham quan cuộc sống người dân địa phương, khám phá ẩm thực, văn hóa, tham gia hoạt động ngoại khóa, nói chung là tận hưởng từng phút giây của cuộc sống du học”, Vân kể.
Thế nhưng gần một năm nay, “cuộc sống du học” của cô chỉ gói gọn trong 4 bức tường nhà. Ngoài vấn đề kỹ thuật, buổi học đôi khi bị gián đoạn bởi mạng Internet kém, thiết bị điện thoại hay máy tính hư hỏng.
Phía nhà trường cho biết sau khóa học này, nếu Vân muốn đăng ký chương trình học lên cao sẽ ưu tiên xem xét hỗ trợ. Tuy nhiên, Vân từ chối học tiếp.
“Giờ mình cần một công việc ổn định cuộc sống. Thời gian qua, việc học online theo thời khóa biểu như ở trường cũng khiến mình khá khó khăn trong việc tìm việc làm thêm”.
Chung tình cảnh, Khánh Huyền (sinh năm 1993) đã chính thức tốt nghiệp chương trình thạc sĩ 2 năm, hệ tiếng Anh tại Đại học Giao thông Bắc Kinh, chuyên ngành Vận tải và chuỗi cung ứng vào cuối tháng 6 vừa qua trong tiếc nuối vì phải học 100% online.
Khánh Huyền (đứng giữa, ảnh trái) từng có thời gian ngắn học tập tại Trung Quốc vào năm 2016 và 2019. Cô hy vọng có thể trở lại quốc gia này. |
“Mình chuẩn bị xin học bổng từ cuối năm 2019, lúc Trung Quốc còn chưa bùng dịch. Sau đó, đầu năm và đầu học nào cũng rộ lên thông tin lưu học sinh có thể nhập cảnh nhưng không phải. Càng ngày, mình càng dở chương trình rồi nên đành cố học tiếp thay vì bảo lưu vì cũng đã lớn tuổi, muốn tốt nghiệp sớm, sợ tạm nghỉ thì sẽ bỏ luôn vì đã ổn định công việc”.
Thời gian qua, Huyền tranh thủ vừa học vừa làm thêm song việc cân bằng 2 thứ không hề dễ. Có hôm đi làm về mệt, phải học tiếp khiến cô khó tập trung, hay những lúc có tiết học trong giờ làm, đành chỉ mở máy lên điểm danh cho có.
“Học ở nhà ngoài những khó khăn như vậy, mình cũng đối mặt áp lực từ người xung quanh nữa. Năm đầu mọi người còn hiểu là vì dịch, đến năm nay, ai gặp cũng hỏi: ‘Ơ vẫn chưa đi học à?’”.
Tuy nhiên, Khánh Huyền vẫn cảm thấy may mắn hơn nhiều bạn chung cảnh ngộ khi đã tìm được công việc đúng chuyên ngành vừa tốt nghiệp tại Australia. Hiện, cô đã dần vào guồng công việc ở đất nước mới.
“Nếu sắp tới có cơ hội, mình vẫn muốn đăng ký một khóa học ngắn hạn ở Trung Quốc để giao lưu văn hóa, đến thăm Đại học Giao thông Bắc Kinh và thầy cô, bạn bè cũ. Mình từng có thời gian ngắn học tập tại quốc gia này vào năm 2016 ở tỉnh Quảng Tây và năm 2019 ở Lan Châu (tỉnh Cam Túc) nên vẫn dành nhiều sự yêu thích cho cảnh vật, ẩm thực và con người ở đây”.
Hy vọng
Nhập học vào tháng 9/2020, Hải Yến (sinh năm 2000, Hà Giang) cũng chưa từng được đặt chân đến ngôi trường Đại học Vân Nam.
Hải Yến trải qua gần 2 năm học online vì dịch Covid-19. |
“Mình học hệ 4 năm thì đã có gần 2 năm học online. Đến phía trường và trung tâm cũng không rõ chính xác thời điểm lưu học sinh có thể sang được nên mình khá nản và sốt ruột”.
Theo Yến, việc học online sẽ hạn chế trải nghiệm, không đảm bảo chất lượng như học trực tiếp. Việc không được giao tiếp tiếng Trung thường xuyên cũng khiến cô dễ quên từ, cách diễn đạt.
“Một số người thân trong gia đình khuyên mình bỏ ngang, kiếm việc đi làm luôn nhưng mình không đồng ý vì yêu thích và xác định tìm việc liên quan đến ngôn ngữ này, hy vọng 2 năm cuối có thể học trực tiếp. Mình cũng đang tìm hiểu việc học lên cao sau khi kết thúc chương trình này để có thể trải nghiệm thêm cuộc sống ở Trung Quốc”.
Được quay lại trường học cũng điều Mai Hương (sinh năm 2000, Thái Nguyên) mong mỏi. Sau thời gian 2 tháng học tiếng tại trường Đại học Vân Nam, Hương quay về Việt Nam trong kỳ nghỉ vào đúng thời điểm Trung Quốc bùng dịch cuối năm 2019 nên kẹt lại đến giờ.
Mai Hương hy vọng có thể tiếp tục chương trình học một cách trực tiếp. |
“Quần áo và nhiều đồ dùng cá nhân của mình vẫn để trong tủ ở ký túc xá từ đó đến giờ, không biết đã hỏng cả chưa. Nhưng cái đó chẳng là gì nếu so với tâm trạng sốt ruột khi cứ phải ở nhà, ‘du học’ qua màn hình máy tính của mình”.
Mệt mỏi vì áp lực từ chương trình học, Hương còn nhiều lần hoang mang trước các thông tin về việc có thể quay lại trường mà nhiều hội nhóm, du học sinh Việt truyền tai nhau trên mạng xã hội.
“Nhiều khi ra ngoài gặp người quen hỏi về chuyện du học, mình ngại trả lời vì đến chính bản thân cũng không biết khi nào mới được đi học lại. Mình may mắn luôn được gia đình động viên cố gắng. Nếu tiếp tục mông lung, có thể mình sẽ bảo lưu, đợi Trung Quốc hoàn toàn mở cửa sẽ quay lại học tiếp chương trình”.
Một số hình ảnh Hương tranh thủ ghi lại trong 2 tháng ngắn ngủi ở trường vào năm 2019. |