Thống kê mới đây của Cục Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, kết quả phân tích hàm lượng nitrat trên bắp cải, cải xanh, su hào, cà chua, nho ở Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng, TP.HCM... đã phát hiện nhiều mẫu rau của có hàm lượng nitrat vượt mức cho phép từ 1,3-5 lần.
Một nghiên cứu khác ở Quảng Bình cũng cho kết quả tương tự. Kiểm nghiệm hàm lượng nitrat của 50 mẫu rau (gồm 40 mẫu rau cải, 10 mẫu mướp đắng) cho thấy, số mẫu rau phát hiện nhiễm dư lượng nitrat chiếm đến 36% (18/50 mẫu), trong số đó có 5 mẫu chứa dư lượng nitrat vượt quá ngưỡng cho phép. Các mẫu rau có dư lượng nitrat vượt ngưỡng an toàn đều là các mẫu rau cải, đây là các mẫu rau được khuyến cáo không nên sử dụng. Những kết quả này cho thấy thực trạng dư thừa nitrat trong rau củ quả rất đáng báo động.
Theo các nhà khoa học, trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt khi dùng quá nhiều phân bón, hoặc thuốc kích thích tăng trưởng sẽ dẫn đến dư thừa nitrat trong sản phẩm. Khi hàm lượng nitrat trong rau củ quả vượt quá ngưỡng an toàn được xem như một độc chất và sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng. GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, đã từng cảnh báo những thực phẩm chứa quá nhiều nitrat khi ăn đi vào trong dạ dày sẽ có thể trở thành chất nitrosamine. Về lâu dài, nếu cứ ăn nhiều thì nó thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày và nhiều bệnh khác.
Nói về vấn đề này GS Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam cho biết, thực phẩm bị ô nhiễm các chất hóa học hiện nay đang rất phổ biến và gây nguy hại cho sức khỏe con người. Đặc biệt trong rau củ quả đang dư thừa hàm lượng lớn chất nitrat là rất đáng ngại. Theo các nghiên cứu, nitrat trong thực phẩm vượt ngưỡng quá nhiều khi ăn phải sẽ gây ngộ độc cấp tính như khó thở, tím tái... Còn về lâu dài chất nitrat khi vào cơ thể sẽ gắn với các amin tạo ra tiền chất gây ung thư dạ dày, ruột, gan...Chính vì vậy trong sản xuất thực phẩm cần phải hạn chế tới mức thấp nhất hàm lượng nitrat.
Mới đây, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, đã cấp phép lưu hành tại Việt Nam bộ xét nghiệm nhanh dư lượng nitrat trong rau, củ, quả tươi với tên gọi máy đo an toàn thực phẩm Soeks được sản xuất tại Liên bang Nga. Chiếc máy này có thể kiểm tra dư lượng nitrat cho hơn 60 loại rau củ quả tươi. Theo GS Phan Thị Kim, trước khi cho phép lưu hành máy đo an toàn thực phẩm Soeks tại Việt Nam Hội đồng thẩm định chuyên môn gồm đại diện của Cục An toàn thực phẩm, Viện Dinh dưỡng, Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm, Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1... đã họp và kết luận: Máy đo dư lượng nitrat Soeks Nuc-019-1 xuất xứ Liên bang Nga đủ điều kiện lưu hành tại Việt Nam.
Đặc biệt, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia đã tiến hành kiểm nghiệm độ chính xác của máy Soeks. Với hai mẫu bí xanh và khoai tây, máy Soeks đã cho kết quả có hàm lượng nitrat ở bí xanh là 179 mg/kg và khoai tây là 277 mg/kg. Trong khi đó kết quả phân tích trên máy UV-VIS cho kết quả hàm lượng nitrat trong bí xanh là 191,8 mg/kg và khoai tây là: 256 mg/kg. Như vậy, kết quả phân tích hàm lượng nitrat trong 2 mẫu bí xanh và khoai tây trên thiết bị UV-VIS và máy đo Soeks có độ lệch hơn 3%.
Theo GS Phan Thị Kim, máy đo an toàn thực phẩm Soeks thật sự là phương tiện hữu ích không chỉ cho các cơ quan thanh kiểm tra thực phẩm, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm mà cho cả các bà nội trợ. Chỉ cần một động tác rất đơn giản, máy Soeks đã cho ra kết quả nhanh về dư lượng nitrat trong rau củ quả tươi để từ đó đưa ra lựa chọn rau củ an toàn.