Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sau 3 ngày sốt, bé gái ở TP.HCM rơi vào nguy kịch

Nhập viện trong tình trạng sốc nặng, suy hô hấp, tổn thương gan và xuất huyết tiêu hóa, bé gái 10 tuổi nặng 50 kg đã được cứu sống sau quá trình điều trị khẩn cấp và đầy cam go.

Bệnh nhi được điều trị tích cực tại bệnh viện. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết bé H.N.G.H. (10 tuổi) khởi bệnh với triệu chứng sốt cao liên tục trong hai ngày. Đến ngày thứ ba, bé xuất hiện đau bụng, nôn ói dịch lợn cợn màu nâu, tay chân lạnh.

Người nhà lập tức đưa bé đến bệnh viện địa phương trong tình trạng nguy kịch, huyết áp tụt 80/70 mmHg, chi mát, mạch yếu. Bác sĩ chẩn đoán bé bị sốc sốt xuất huyết nặng ngày 3 và tiến hành điều trị chống sốc tích cực theo phác đồ.

Tuy nhiên, diễn tiến bệnh không thuận lợi. Bé nhanh chóng rơi vào suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa, rối loạn đông máu, tổn thương gan mức độ nặng và được chuyển viện khẩn cấp lên TP.HCM.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bé H. được xác định sốc sốt xuất huyết nặng, kèm theo tổn thương đa cơ quan và yếu tố nguy cơ là béo phì (cân nặng gấp rưỡi mức trung bình cùng độ tuổi). Các bác sĩ phải điều chỉnh phác đồ truyền dịch theo cân nặng thực tế, kết hợp truyền các dung dịch cao phân tử, albumin, thuốc vận mạch, sử dụng nhiều biện pháp theo dõi xâm lấn như đo huyết áp động mạch, áp lực tĩnh mạch trung ương và bàng quang.

Bệnh nhi cũng được hỗ trợ hô hấp tối đa thở áp lực dương liên tục, sau đó chuyển sang thở máy xâm nhập. Ngoài ra, các bác sĩ tiến hành chọc dẫn lưu dịch màng bụng để giải áp. Tình trạng rối loạn đông máu và xuất huyết tiêu hóa của bệnh nhi được kiểm soát nhờ truyền máu, huyết tương tươi, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc, bổ sung vitamin K1 và điều trị hỗ trợ chức năng gan.

Theo bác sĩ Tiến, sau gần 12 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi dần hồi phục, cai được máy thở, tỉnh táo, các chức năng gan thận trở về bình thường.

Bác sĩ Tiến cho hay trường hợp này là minh chứng rõ ràng cho thấy trẻ thừa cân béo phì khi mắc sốt xuất huyết thường có diễn tiến bệnh nặng hơn, nguy cơ biến chứng cao, điều trị khó khăn hơn rất nhiều so với trẻ có cân nặng bình thường.

Mùa mưa là thời điểm muỗi vằn, trung gian truyền virus Dengue sinh sôi mạnh. Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần chủ động phòng bệnh bằng các biện pháp như diệt muỗi, lăng quăng, cho trẻ ngủ mùng, vệ sinh môi trường sống.

Đặc biệt, nếu trẻ sốt cao liên tục trên 2 ngày và có một trong các dấu hiệu sau, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức:

  • Bứt rứt, lừ đừ, li bì, nói sảng
  • Đau bụng, nôn ói
  • Chảy máu cam, nướu, ói ra máu hoặc tiêu phân đen
  • Tay chân lạnh, không muốn ăn uống, bỏ bú

Vaccine phòng sốt xuất huyết đã có tại Việt Nam cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng hợp lý theo tư vấn của chuyên gia là yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa thừa cân béo phì ở trẻ, từ đó giảm nguy cơ diễn tiến nặng nếu mắc bệnh.

Cuốn sách Ăn gì cho khỏi thần kinh của tác giả Uma Naidoo là cẩm nang về cách lựa chọn, sử dụng và chế biến thực phẩm để hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Tác giả là một chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng tâm thần học, mang tới kiến thức dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch và đối phó với các bệnh trạng về tâm lý.

Căn bệnh khiến Vũ Cát Tường lo mắc ung thư

Mới đây, Vũ Cát Tường tiết lộ cô bị di truyền căn bệnh viêm gan siêu vi B từ ba, phải tầm soát ung thư thường xuyên. Xin hỏi đây là bệnh gì và nó nguy hiểm thế nào?

Số ca Covid-19 tăng nhẹ, Bộ Y tế khuyến cáo phòng ngừa

Trước tình hình số ca mắc trên thế giới tăng nhanh, Bộ Y tế yêu cầu theo dõi chặt diễn biến của Covid-19, tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Những virus nguy hiểm nhất từng khiến thế giới chao đảo

Marburg, Ebola, SAR-CoV-2 hay Hanta là một số loại virus nguy hiểm và có tỷ lệ sống sót rất thấp khi đã nhiễm bệnh.

Nguyễn Thuận

Bạn có thể quan tâm