Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Sau 4 năm, Singapore lần đầu mất vị trí số 1 trong xếp hạng ĐH châu Á

Đại học Bắc Kinh lần đầu tiên giành vị trí số 1. Việt Nam có 11 đại diện được xếp hạng, giữ nguyên số lượng so với năm 2022.

Đại học Quốc gia Singapore (Singapore) giành vị trí số 1 trong 4 năm liên tiếp trước đó. Ảnh: NUS.

Ngày 8/11, tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS, Anh) công bố xếp hạng đại học châu Á năm 2023. Theo đó, Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) đứng đầu với tổng điểm đánh giá 100. Đây là năm đầu tiên trường đạt được vị trí này.

Đại học Quốc gia Singapore (Singapore) rớt xuống vị trí số 2 với 97,4 điểm đánh giá. Kể từ khi tham gia xếp hạng đại học châu Á của QS vào năm 2013, đây là lần thứ 3 trường xếp hạng 2 (năm 2013, 2018 và 2023). Các năm còn lại, trường đều dẫn đầu châu Á.

Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) được đánh giá 97,3 điểm, xếp hạng 3. So với xếp hạng năm 2022, thứ hạng của trường đã có sự cải thiện. Phần danh tiếng học thuật của trường vẫn được chấm điểm tối đa.

Xep hang truong chau A anh 1

Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) xếp hạng 3 trong danh sách năm nay. Ảnh: CGTN.

Đại học Hong Kong (Hong Kong) giảm một bậc, xếp ở vị trí số 4 với 96,8 điểm đánh giá. Năm ngoái, trường đồng hạng 3 với Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore).

Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) chỉ đứng thứ 5 trong xếp hạng đại học châu Á 2023 với 96,7 điểm đánh giá. Những năm gần đây, xếp hạng của trường giảm khá nhiều, từ hạng 2 vào năm 2020 xuống hạng 5 vào năm 2023.

5 vị trí còn lại trong top 10 đại học châu Á 2022 lần lượt là: Đại học Phúc Đán (Trung Quốc); Đại học Chiết Giang (Trung Quốc); Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc (Hàn Quốc); Đại học Malaya (Malaysia); Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc).

So với xếp hạng năm 2022, vị trí của 5 trường từ hạng 6-10 đã có sự thay đổi đáng kể. Cụ thể, Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc (Hàn Quốc) quay lại top 10 sau 2 năm mất vị trí (hạng 12 vào năm 2021 và hạng 14 vào năm 2022).

Trong khi đó, Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (Trung Quốc) bị loại khỏi top 10. Năm 2022, trường này xếp hạng 9 nhưng năm nay lại đứng thứ 14.

Năm nay, Việt Nam tiếp tục có 11 trường nằm trong top. Đại học Tôn Đức Thắng hạng 138, tăng 4 bậc so với xếp hạng năm 2022. Theo sau đó là Đại học Duy Tân (145); Đại học Quốc gia Hà Nội (162); Đại học Quốc gia TP.HCM (167); Đại học Bách khoa Hà Nội (248).

Các trường còn lại lọt vào top 700 của xếp hạng, lần lượt là: Đại học Huế (351-400); Đại học Kinh tế TP.HCM (401-450); Đại học Đà Nẵng (501-550); Đại học Cần Thơ (501-600); Đại học Sư phạm Hà Nội (601-650); Đại học Công nghiệp TP.HCM (651-700).

Năm nay, danh sách của QS có sự tham gia của 760 cơ sở giáo dục đại học ở châu Á, đạt kỷ lục về số lượng trường tham gia xếp hạng.

Xếp hạng đại học châu Á của QS được đánh giá dựa trên 11 tiêu chí là: Danh tiếng học thuật (30%); danh tiếng với nhà tuyển dụng (20%); tỷ lệ giảng viên/sinh viên (10%); mạng lưới nghiên cứu quốc tế (10%); số lượng trích dẫn bài báo (10%); tỷ lệ trích dẫn bài báo/giảng viên (5%); số lượng giảng viên có bằng tiến sĩ (5%); tỷ lệ giảng viên quốc tế (2,5%); tỷ lệ sinh viên quốc tế (2,5%); tỷ lệ sinh viên trao đổi trong nước (2,5%); tỷ lệ sinh viên trao đổi nước ngoài (2,5%).

Mục Giáo dục gợi ý những tựa sách hay cho những độc giả quan tâm đến vấn đề khám phá và phát triển bản thân.

Xem thêm: Phát triển bản thân cùng sách

Xep hang truong chau A anh 2

Thái An

Bạn có thể quan tâm