Một người bạn phàn nàn với tôi rằng ra trường 5 năm, bây giờ bạn bè của anh ta đã rất thành công, có người còn trở thành giám đốc công ty, định cư ở thành phố lớn. Trong khi đó, anh ấy vẫn chưa thể tìm nổi hướng đi cho mình, vẫn mệt mỏi với ''cuộc chiến'' tìm việc.
Thậm chí, trong số ấy, có người khi còn là sinh viên, kết quả học tập luôn kém hơn anh ta.
Mặc dù đã cố gắng chăm chỉ làm việc, bạn tôi vẫn bị bỏ lại quá xa trên đường đua, điều đó khiến cho anh ấy rơi vào tình trạng hoang mang, luôn nghi ngờ năng lực của bản thân.
Ở cùng một vạch xuất phát, nhưng tại sao sau 5 năm nhìn lại, người ta đã ở đỉnh cao của sự thành công. Còn bạn, dù có nỗ lực thế nào đi chăng nữa vẫn chưa thể khiến người khác công nhận khả năng của mình?
Liệu có phải cứ làm việc thật chăm chỉ rồi thành công sẽ tìm đến bạn, đó là điều không sớm thì muộn? |
Nếu bạn thực sự nghĩ rằng mọi thành công đều bắt nguồn tự sự chăm chỉ thì nên xem xét lại.
Các chuyên gia làm việc tại trung tâm tư vấn và đào tạo kế hoạch chuyên nghiệp Xiangyang ở Trung Quốc đã chỉ ra rằng cho dù bạn có kế hoạch cho sự nghiệp hoàn hảo đến mấy, nó cũng vô ích nếu bạn chỉ khăng khăng làm việc chăm chỉ.
Với 18 năm kinh nghiệm, tiếp xúc và giải quyết các vấn đề tại nơi làm việc cho hơn 80.000 khách hàng, những chuyên gia này cho biết người trẻ muốn thành công, nên thay đổi suy nghĩ và hành động của bản thân để xứng tầm với tham vọng của mình.
Đầu tiên, bạn nên xây dựng cho mình kế hoạch sự nghiệp rõ ràng và hãy luôn là người chủ động tìm kiếm cơ hội để trải nghiệm.
Những trang lý thuyết dài ngoằng bạn học được ở giảng đường đại học sẽ chẳng giúp ích gì cho tương lai nếu bạn không mạnh dạn "quẳng" nó vào thực tiễn.
Mạnh dạn bứt phá, vượt qua giới hạn bản thân để xem năng lực của mình ở đâu, con đường nào thực sự phù hợp để bản thân có thể thành công. |
Muốn "tỏa sáng", bạn đừng ngại dấn thân. Có thể kết quả của những lần mạo hiểm ấy không như bạn mong chờ, nhưng nó thực sự sẽ là tiền đề giúp bạn nhận ra năng lực và con đường phù hợp cho chính mình.
Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là tôi khuyến khích bạn hành động theo cảm tính, mù quáng lựa chọn, dễ dàng từ bỏ khi gặp khó khăn.
Thứ hai, bạn nên chắc chắn tâm lý khi lựa chọn nghề nghiệp và chủ động giải quyết mọi vấn đề.
Bạn đừng quên trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, chỉ có một thứ duy nhất không thay đổi, đó là "sự thay đổi", còn lại tất cả đều thay đổi.
Những kiến thức bạn học được ngày trước, khi vào làm việc chưa chắc nó còn phù hợp. Có thể hôm nay, cách làm này là sáng tạo nhưng ngày mai chắc gì nó đã còn đúng.
Thế nên bạn hãy nỗ lực học hỏi từ những đồng nghiệp, mở rộng vùng an toàn của mình. Đừng chỉ tập trung vào mỗi công việc trước mắt mà hãy học hỏi thêm những thứ khác.
Cùng làm việc ở một bộ phận, nhưng một người chỉ chăm chăm làm đúng nhiệm vụ của mình, tan ca đúng giờ. Còn một người vừa cố gắng làm việc vừa không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và trình độ, họ sẽ nhanh chóng được tăng lương, thăng chức. Đó chính là khoảng cách.
Thứ ba, để có được thành công, bạn không nên chỉ hoàn thành ''việc được giao'', thay vào đó hãy chủ động tìm hiểu thêm và giải quyết vấn đề một cách triệt để.
Đó chính là mẫu người được nhà tuyển dụng coi trọng và giao phó chức vụ.
Thứ tư, bạn cần có khả năng đánh giá tình hình, nắm bắt được cơ hội cho sự phát triển của bản thân. Hãy cứ mạnh dạn rời đi, nếu ở đó năng lực của bạn không được công nhận, cho dù bạn thực sự có khả năng.
Để tôi kể các bạn nghe câu chuyện về một cô gái từ bỏ công việc đã làm 5 năm để đi tìm lý tưởng của mình nhé.
Cô gái tên Li Li, người Trung Quốc, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ sư truyền thông đã vào làm cho một công ty ở Tô Châu.
Li Li làm ở đây suốt 5 năm với mức lương 1.000 USD/tháng. Trong lúc đó, bạn bè cùng phòng thời đại học của cô có mức lương 70.000 USD/năm.
Điều đáng nói, cô gái này đã cố gắng không biết mệt mỏi, cấp trên cũng đánh giá cao năng lực của cô, nhưng tuyệt nhiên họ không đề cập đến vấn đề thăng tiến cho cô. Thậm chí, mức lương của cô vẫn mãi dậm chân tại chỗ.
Muốn thành công, nếu chỉ giỏi chuyên môn và chăm chỉ làm việc thôi là chưa đủ, bạn nên chủ động tìm kiếm cơ hội trải nghiệm và không ngừng học hỏi. |
Sau vài lần nói chuyện với lãnh đạo công ty, cô không thấy triển vọng phát triển sự nghiệp của mình, vì thế cô quyết định chọn rời đi.
Sau khi từ chức, cô gái ấy đã phải khó khăn tìm một công việc mới, nhưng ở đó, cô thực sự hài lòng và phát triển được năng lực của mình.
Giờ đây, Li Li trở thành giám đốc tiếp thị của một công ty du lịch nổi tiếng ở Tô Châu.
Bạn đã làm việc được bao nhiêu năm rồi? Người bạn cùng lớp của bạn đang có một sự nghiệp vững vàng, điều gì ở họ khiến bạn nên học hỏi?
Đừng ngần ngại thay đổi suy nghĩ, hành động, lối sống của bản thân nếu điều đó là cần thiết để giúp bạn thành công.