Mới 4-5 tuổi, Hoàng Nguyên (sinh năm 1998) đã nhận thấy mình không thích chơi búp bê như các bạn. Cậu mê vận động, muốn chơi siêu nhân.
Nhà đã có anh trai, bố mẹ chiều con gái út, thường cho Nguyên mặc váy, làm tóc điệu đà. Hồi đó, mọi người xung quanh vẫn khen “xinh như thế sau này lớn lên thi hoa hậu, làm người mẫu”.
"Nếu là con gái, khi nhận được nhiều lời khen như vậy, mình sẽ cảm thấy rất hãnh diện, song mình chỉ cảm thấy xấu hổ", Nguyên nói với Zing.
Dù sớm phát hiện mình có xu hướng giới tính nam, Nguyên vẫn không dám nói ra vì sợ phá vỡ sự hoàn hảo của gia đình trong mắt mọi người. Năm 16 tuổi, biến cố ập đến, cậu quyết định come out để được sống thật với chính mình.
Dù chưa chính thức đổi tên trên giấy tờ, nhiều năm qua, mọi người đã quen với cái tên Hoàng Nguyên. Cậu tiết lộ cái tên này được chọn dựa theo nhân vật trong cuốn sách về cộng đồng LGBT. |
Bị tẩy chay vì tỏ tình với bạn nữ
Lên cấp 2, Nguyên để ý tới một bạn nữ cùng lớp và quyết định thổ lộ tình cảm. Kết quả, cậu bị cả trường kỳ thị, tẩy chay. Mỗi ngày đến lớp, Nguyên cảm thấy áp lực đè nặng khi bị các bạn bàn tán, chỉ trỏ mà không dám nói với bố mẹ.
Thời điểm đó, Internet chưa phổ biến, thông tin về LGBT còn ít. Nguyên nghĩ mình là người đồng tính.
Những năm tháng dậy thì, cơ thể và tâm lý thay đổi, những bức bối về giới tính trong Nguyên càng lộ rõ hơn.
Lần cuối cùng Nguyên mặc váy để chụp ảnh với gia đình. |
“Mỗi tháng tới kỳ kinh nguyệt, mình stress vô cùng, cứ nghĩ tại sao mình lại phải chịu điều này. Mình rất thích chơi thể thao, mỗi khi đi bơi chỉ muốn cởi trần. Càng tìm hiểu sâu, mình xác định bản thân là người chuyển giới vì mình hoàn toàn không hài lòng với cơ thể”, Nguyên nhớ lại.
Dù phát hiện con người thật của mình, Nguyên không dám nói với ai, tiếp tục sống với vỏ bọc nữ giới.
“Mình sợ nói ra là sự sỉ nhục dành cho gia đình”, cậu lý giải.
Trong mắt mọi người, gia đình Nguyên được cho là hoàn hảo khi bố mẹ đẹp, con cái học hành giỏi giang. Cậu sợ việc mình come out sẽ phá vỡ điều đó.
Vài lần, Nguyên thử mở chương trình liên quan tới cộng đồng LGBT cho mẹ và anh trai xem. Không như cậu mong đợi, mẹ nói: “Nhà nào vô phúc mới có đứa con như này”. Còn anh trai, hơn Nguyên 6 tuổi, cũng tỏ rõ sự kỳ thị, có thái độ tiêu cực.
“Mọi thứ rất mông lung, mình dằn vặt mãi chuyện có nên nói ra hay không. Sau cùng, vì sợ đánh mất thể diện của gia đình, mình vẫn mặc đồ nữ tính, để tóc con gái để sống theo mong muốn của mọi người”.
Sợ bị gia đình chối bỏ
Cuối năm lớp 10, gia đình Nguyên xảy ra biến cố. Cậu quyết định nói với ông nội việc mình là người chuyển giới.
“Nhiều người thắc mắc tại sao mình lại nói chuyện đó với ông nội - một người cách biệt thế hệ quá xa. Thực tế, ông là người sống rất hiện đại, nhiều tư tưởng có khi bố mẹ mình chưa tiếp thu được thì ông đã có”, Nguyên nói.
Khoảnh khắc đầu tiên cháu nội come out, ông của Nguyên chỉ khóc, lo xã hội khó chấp nhận. Ông dặn Nguyên đã xác định bản thân như thế thì hãy sống thật tốt.
Biết mẹ đang chịu nhiều áp lực ở thời điểm đó, Nguyên nhờ ông nội nói chuyện với mẹ ngay trước thời điểm cậu thi đại học.
“Mình đã phải chuẩn bị sẵn tâm lý về nhiều tình huống có thể xảy ra”.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Nguyên theo học khoa Kỹ thuật chế biến ở một trường cao đẳng. Cậu làm đầu bếp 3 năm nay. |
Đầu tiên, mẹ chỉ khóc, bảo Nguyên vào viện khám vì nghĩ con trầm cảm, có tư tưởng lệch lạc.
Nhưng chính bác sĩ đã giải thích và đưa cho mẹ hồ sơ, tài liệu, kiến thức về LGBT.
“Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Tưởng tượng con như cây đũa, chị không thể bẻ nó theo ý mình muốn. Cố ép quá nó sẽ gãy”, bác sĩ nói.
Nguyên hiểu cảm xúc của mẹ khi sinh ra con gái, nuôi 18 năm, rồi bỗng phải chấp nhận con không như những gì mình nghĩ. Tương tự, bố và anh trai Nguyên cũng khó lòng chấp nhận sự thật.
Có thời điểm, Nguyên cảm thấy như bị kỳ thị trong chính gia đình mình. Cậu tránh các bữa ăn chung, có khi cả năm chỉ nói chuyện với anh trai vài lần.
Dù không hy vọng nhiều, Nguyên hiểu rằng mình cần cho gia đình thời gian để thích nghi, đồng thời bản thân phải chấp nhận mọi điều xảy tới.
“Thời gian đầu, có rất nhiều khó khăn. Bình thường, mỗi khi đi làm về, mẹ mình vẫn quen gọi là 'con gái ơi'. Về sau, mẹ phải tập quen dần với việc chỉ gọi là 'con ơi'”, Nguyên nhớ lại.
Khoảng 2 năm sau khi Nguyên come out, mọi thứ trở nên ổn định hơn.
Có lần, hai mẹ con ngồi tâm sự, mẹ Nguyên nói: “Con là con của bố mẹ, làm sao mà không biết được. Từ nhỏ, con đã có những khác biệt, mọi người cũng nói con nam tính, mạnh khỏe quá. Bố mẹ ngầm nhận ra nhưng không dám thừa nhận, cố gắng gạt hết đi, cho là con cá tính”.
Sau khi tham gia nhiều hội thảo, chương trình tập huấn kiến thức trong cộng đồng phụ huynh có con là LGBT - PFLAG, mẹ Nguyên thấu hiểu và đứng ra bảo vệ con trước sự kỳ thị từ người xung quanh. |
Năm 2017, mẹ con Nguyên tham gia quay hình cho một chiến dịch về LGBT. Mẹ đã tranh thủ dịp này để công khai việc con mình là người chuyển giới với họ hàng.
Sau khi video lên sóng và được chia sẻ nhiều, người thân bên ngoại xuống nhà động viên, nói với Nguyên rằng dù ngoài kia thế nào thì vẫn có gia đình. Trong khi đó, bên nội không có phản ứng tích cực như vậy.
Suốt thời gian đó, trước mọi sự kỳ thị, ông nội và mẹ luôn đứng ra bảo vệ cậu.
Người chuyển giới nam dường như bị lãng quên
Sau 3 năm tìm hiểu, từ tháng 8/2019, Nguyên quyết định tiêm hormone nam. Trước đó, cậu phải kiểm tra sức khỏe tổng quát để đảm bảo cơ thể và tâm lý ở điều kiện tốt.
“Không phải ai cũng đủ sức khỏe, chi phí để duy trì bởi một khi tiêm là xác định cả đời, trừ lúc phải dừng để chữa bệnh khác hay có vấn đề về sức khỏe. Nếu tiêm không đều, dừng rồi tiêm trở lại sẽ khiến cơ thể bị nhờn thuốc, tác dụng không như ban đầu”, Nguyên lý giải.
Nguyên hiện tiêm 3 tuần/mũi, chi phí khoảng 150.000-200.000 đồng/lần. Chi phí này cậu tự chi trả.
Theo tìm hiểu của Nguyên, việc tiêm hormone có thể gây ảnh hưởng đến gan và thận, ví như men gan tăng cao. Người có bệnh hô hấp, tim cũng nên tham khảo bác sĩ trước khi tiêm.
Trong một năm đầu, cứ sau 3 tháng, Nguyên sẽ đi kiểm tra lượng hormone trong cơ thể để điều chỉnh liều lượng tiêm, loại thuốc.
Nguyên hiện có bạn gái, cũng thuộc cộng đồng LBGT. Ở mối tình đầu tiên, Nguyên từng bị gia đình người yêu phát hiện, nhắn tin đe dọa, đến tận nhà phản đối gay gắt. Đó là lần đầu tiên cậu thấy mẹ phản ứng quyết liệt để bảo vệ con. |
Sau mũi tiêm thứ 3, Nguyên dừng kinh nguyệt. Sau mũi thứ 7-8, giọng cậu trở nên trầm hơn, lông phát triển, cằm góc cạnh, mặt mụn, da dầu hơn, giống như dậy thì lần 2.
Có thời điểm Nguyên tăng tới 10 kg trong một tháng. Lượng mỡ trên cơ thể phân bổ lại, dồn nhiều về bụng, vòng 3, cơ bắp phát triển, nên cậu dành thời gian đi tập gym, chơi thể thao để săn chắc hơn.
Không ít người chuyển giới nam sau khi tiêm hormone một thời gian đã có kinh nguyệt trở lại, phải vào viện kiểm tra. Ngoài ra, việc tiêm hormone còn có tác dụng phụ là ảnh hưởng tới buồng trứng.
“Trước khi tiêm, mình được tư vấn trữ đông trứng để sau này có con, vì việc tiêm hormone làm chất lượng trứng giảm. Về lâu dài, người tiêm cũng có thể mắc một số bệnh như u nang buồng trứng. Mọi người chia sẻ sau khi tiêm hormone khoảng 5-6 năm nên cắt bỏ tử cung, buồng trứng”, Nguyên nói.
Hiện tại, Nguyên chưa tiến hành bất cứ can thiệp y tế nào. Cậu xác định trong tương lai sẽ nhận con nuôi hoặc lấy trứng của mình thụ tinh nhân tạo và đưa vào cơ thể vợ.
Ở hiện tại, Nguyên chưa nghĩ đến chuyện phẫu thuật chuyển giới. |
Hiện tại, quy trình phẫu thuật chuyển giới trên thế giới rất phát triển, đặc biệt ở Thái Lan. Nếu thực hiện ở bệnh viện hàng đầu xứ Chùa Vàng, chi phí phẫu thuật dao động 100-200 triệu đồng, chưa kể tiền ăn uống, hậu phẫu. Bệnh viện sau đó còn hỗ trợ giấy tờ để đổi tên, giới tính.
Tuy vậy, ở Việt Nam, chưa có luật cho phép đổi giới tính trên giấy tờ. Bởi vậy, Nguyên chưa nghĩ đến việc phẫu thuật.
Lựa chọn sống đúng giới tính, cậu còn từng gặp khó khăn trong công việc. Trong một lần đi tuyển dụng, khi biết Nguyên là người chuyển giới, hai người phỏng vấn của cửa hàng bánh ngọt - nơi cậu xin việc - rất bất ngờ.
Sau đó, nam bếp trưởng nói to 3 lần rằng: “À con gái chuyển giới thành đàn ông à”. Dù sốc, Nguyên vẫn bình tĩnh nói rằng vấn đề cá nhân không ảnh hưởng tới công việc.
“Họ có giải thích nhưng mình không nghe gì nữa, chỉ nghĩ ngay tới việc sẽ không bao giờ trở lại nơi đó hay sử dụng sản phẩm của họ. Sau lần đó, mình quyết định làm ở nhà, dành thời gian cho gia đình và học để nâng cao tay nghề”.
Hiện tại, người chuyển giới từ nam sang nữ được biết tới nhiều hơn nhớ các gương mặt nổi tiếng như Hoa hậu Hương Giang, ca sĩ Lâm Khánh Chi. Ngược lại, người chuyển giới nữ sang nam dường như bị lãng quên. Bởi vậy, Nguyên muốn thay đổi suy nghĩ của mọi người.
Nguyên hy vọng mọi người biết tới sự tồn tại của người chuyển giới nam và đối xử công bằng như với người chuyển giới nữ. |
Nhận nuôi con của anh trai
Sau 6 năm come out, Nguyên nói ở hiện tại, cậu không bận tâm tới suy nghĩ của mọi người mà tập trung vào việc chứng minh bản thân có thể tạo ra những giá trị gì, cống hiến thế nào cho xã hội.
"Mình từng biết một số người chuyển giới come out đã bị gia đình đánh đập, từ mặt, đuổi ra khỏi nhà, thậm chí đưa vào bệnh viện tâm thần để chữa, thậm chí thuê người cưỡng hiếp", Nguyên kể, tự cảm thấy mình còn may mắnvvì được gia đình chấp nhận.
Cách đây 2 năm, con của anh trai Nguyên - bé Mộc Miên - ra đời. Cô bé giúp mối quan hệ giữa cậu và anh trai, cũng như gia đình được hàn gắn, ngày càng tốt lên. Nguyên coi cô bé là con, xưng bố. Bé Mộc Miên đã trở thành niềm vui của cậu.
“Mình làm mọi thứ tốt nhất cho con bé, coi như con mình. Nhờ bé, gia đình mình cũng vui vẻ hơn. Gần đây, khi bố đang gặp gỡ bạn bè ở nhà, mình đi tới, bố nói với họ: 'Thằng thứ hai nhà tôi'”, Nguyên mỉm cười.
Nhìn lại hành trình của mình, Nguyên biết ơn ông nội vì đã vực dậy, ôm cậu vào lòng, bảo vệ cháu trước tất cả khó khăn. Nguyên biết ơn bản thân vì đã không bỏ cuộc, vượt qua những lần tự tử hụt để biết trân trọng cuộc sống. Cậu cũng cảm ơn gia đình vì đã đón nhận con người thật của mình.
“Mình muốn câu chuyện của mình có thể truyền cảm hứng cho mọi người. Nếu có cơ hội tham gia cuộc thi, xuất hiện trên truyền thông, mình muốn mọi người biết đến sự tồn tại của người chuyển giới nam. Với những ai chưa ai come out, mình khuyên mọi người nên bình tĩnh vì phản ứng tiêu cực là dễ thấy. Cha mẹ cho chúng ta sự sống nhưng sống tiếp như thế nào là lựa chọn của bản thân”, Nguyên nói.