Người trẻ TP.HCM có nhiều thay đổi để thích nghi với công việc tốt hơn sau giãn cách.
Dịch bệnh Covid-19 gây ra nhiều ảnh hưởng với cuộc sống, một trong số đó là chuyển đổi hình thức làm việc.
Tuy làm việc tại nhà có một số khó khăn, nhiều người đã tìm ra hướng đi mới trong công việc.
Dưới đây là 5 điều mà người trẻ tại TP.HCM rút ra sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội.
Những khoảng lặng sẽ giúp ta phát triển
Trọng Nhân - Scientific Research Staff
Tôi làm nghiên cứu nên thường phải đi khảo sát và công tác để thu thập dữ liệu. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các dự án của tôi đều phải tạm hoãn và chuyển sang làm việc tại nhà từ đầu tháng 5.
Không may mắn, tôi bị nhiễm bệnh và được điều trị tại một khu cách ly. Điều này gây ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe và công việc cá nhân.
Cũng vì dịch bệnh nên tôi phải đột ngột thay đổi đề tài của mình. Để đảm bảo tiến độ bài viết, tôi đã nhờ sự hỗ trợ của các ban ngành liên quan giúp thu thập dữ liệu.
Bên cạnh đó, tôi cũng lựa chọn phương pháp nghiên cứu mới, phù hợp hơn với tình hình thực tế. Bài viết này của tôi đã hoàn thành và được đăng tải trên báo quốc tế.
Sau điều này, tôi nhận ra công việc sẽ giảm bớt phần khó khăn nếu biết ứng biến và thay đổi linh hoạt. Ngoài ra, chúng ta nên có những khoảng lặng để tự nhìn nhận lại bản thân và tìm cho mình hướng đi mới trong tương lai.
Không thể tiến xa nếu đứng một mình
Thanh Hương - Content Creator
Tôi bắt đầu công việc mới vào giữa dịch khi TP.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội. Suốt 3 tháng qua, tôi chỉ trao đổi online, chưa gặp trực tiếp sếp của mình hay đến công ty lần nào.
Điều đó khiến tôi mất khá nhiều thời gian hòa nhập ở môi trường mới. Là người làm sáng tạo và thường xuyên phải brainstorm với team, có lúc, tôi cảm thấy khó kết nối, lạc lõng và ít nhiều mất phương hướng.
Để khắc phục, tôi tập chủ động nói chuyện với đồng nghiệp nhiều hơn, nhờ họ hướng dẫn, chia sẻ, đồng thời quan sát cách các thành viên xử lý nhiệm vụ để quen dần.
Trước đây, tôi thích làm việc độc lập, nhưng từ khi thực sự “độc lập” trên trực tuyến, tôi mới nhận ra tầm quan trọng của mối quan hệ gắn bó giữa những người đồng công.
Tôi nghĩ khi trở lại văn phòng, bản thân sẽ mạnh dạn hơn trong việc duy trì kết nối và thân thiết với mọi người. Trốn trong vỏ ốc của mình có thể dễ chịu. Nhưng đôi khi, bước ra vùng an toàn sẽ cho mình nhiều cơ hội giúp nâng cao kết quả làm việc.
Chủ động nắm bắt cơ hội
Huỳnh Anh - Content Marketing
Tôi cảm thấy may mắn vì trong thời gian giãn cách, công việc vẫn tương đối ổn định. Tuy nhiên, khi làm việc tại nhà, tôi khó nắm bắt và theo kịp tiến độ của mọi người.
Chính điều này đã khiến tôi mất tự tin trong công việc và không dám đứng ra nhận các nhiệm vụ mới mà chỉ làm theo những gì được hướng dẫn.
Để khắc phục điều này, tôi dành thêm thời gian tìm hiểu về các dự án mới và rèn luyện các kỹ năng liên quan. Nhờ vậy, tôi cũng dạn dĩ hơn và sẵn sàng tiếp nhận những đầu việc khác nhau.
Tôi nghĩ để có thể phát triển, tôi cần chủ động nắm bắt cơ hội và mạnh dạn thử sức với các lĩnh vực khác nhau khi làm việc.
Giao tiếp hiệu quả cần quá trình rèn luyện
Quang Huy - Performance Marketing
Tôi nghĩ khó khăn lớn nhất khi giãn cách là mọi công việc đều chỉ có thể xử lý online. Mỗi khi có thông báo gửi cả team, sếp lại nhắn những tin rất dài vào nhóm và tag mọi người.
Để không bỏ lỡ, tôi hầu như mở máy tính, cầm điện thoại 24/7. Bất kể lúc nào nhóm chat công ty có tin, tôi lại vào xem và mất tập trung cho những ưu tiên khác: Xử lý công việc quan trọng của hôm đó, dành thời gian cho cá nhân,...
Dĩ nhiên, tôi không thể duy trì tình trạng đó quá lâu. Qua tháng thứ 2, thứ 3 work from home, tôi dần dành thời gian cố định để kiểm tra tin nhắn, như buổi sáng sớm hoặc trước và sau giờ nghỉ trưa.
Không cần cầm máy liên tục, nhưng mỗi lần đọc, tôi cố gắng diễn giải ý của sếp/đồng nghiệp theo cách hiểu của mình, gạch đầu dòng những thắc mắc, sau đó xác nhận lại với họ để đảm bảo mình hiểu đúng.
Tương tự với khi tôi trả lời ai đó. Khi mọi người chủ yếu giao tiếp qua mặt chữ, tôi biết mình càng phải rõ ràng trong từng vấn đề, hạn chế "nghĩ gì nói đó" và có minh họa cụ thể.
Phải luôn sẵn sàng cho thay đổi
Anh Thơ - Business Development Executive
Trước dịch, tôi là tuýp người mong muốn ở trong những môi trường an toàn mà mình có thể kiểm soát. Tuy nhiên, 4 tháng qua đã kéo tôi ra khỏi suy nghĩ đó.
Làm việc tại một nền tảng giao hàng, tính chất công việc của tôi là tiếp xúc trực tiếp với các chủ quán ăn, nhà hàng và các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Thời điểm TP.HCM giãn cách, họ là một trong những đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng. Do đó, với mỗi chỉ thị của thành phố, tôi và đồng nghiệp đều phải cố gắng theo dõi, hỗ trợ công ty cũng như đối tác thích nghi một cách nhanh nhất.
"Không biết ngày mai sẽ thế nào" là điều chúng tôi thường nói với nhau. Ngoài ra, vì chỉ có thể gọi điện thoại hay nhắn tin cho khách hàng, một số vấn đề đôi khi cũng bị hiểu sai, dẫn đến các tình huống khó xử.
Tôi học được rằng nếu không muốn bị "lỗi nhịp" hay tụt lại phía sau, bản thân mình phải là người linh hoạt, biết tận dụng giá trị và quyền hạn của mình để nâng cao hiệu quả công việc.
Bằng cách chuẩn bị cả kế hoạch chi tiết lẫn dự phòng cho công việc hàng ngày, tôi hạn chế được sự bị động và tận hưởng điều mình có thể làm nhiều hơn.