Để có mặt trước cửa Hội trường Thống Nhất vào 7h30 sáng 20/3, con cháu phải đưa bà Nguyễn Mộc Lương (ngụ thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) đi từ 20h hôm trước.
Quãng đường gần 300 km ngồi xe đò đối với người phụ nữ 81 tuổi rất mỏi mệt, nhưng được bà tả là "đáng lắm, mệt nữa cũng đáng", vì đây là cơ hội để bà được nói lời chào với người anh, người bạn từ thuở thiếu thời - nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Lúc nào cũng quan tâm đồng đội, anh em
Bà Lương là một trong những người dân có mặt sớm nhất tại số 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, để thắp hương tiễn đưa nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong ngày quốc tang đầu tiên
Theo lời của bà Lương, năm 1956, bà được gặp ông Sáu Khải khi tập kết ra Bắc. Quãng thời gian gian khổ nhưng nhiều kỷ niệm đáng nhớ, đã gắn kết những người bạn đồng niên, như vợ chồng bà Lương với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
"Tôi với ông nhà lấy nhau, ngày đó nghèo làm gì có lễ lạt như bây giờ, chỉ có 1 mâm bánh kẹo, hoa quả gọi là thông báo với bạn bè. Chính ông Khải đã nhường cái áo đẹp nhất cho chồng tôi mặc ngày cưới", bà Lương nhớ lại.
Ngày đó, trước khi cô học trò miền Nam Mộc Lương và bạn trai tổ chức đám cưới trên trận địa, cô được anh Sáu gọi ra dặn dò: "Hai đứa thương nhau đúng thời điểm đất nước khó khăn, lấy nhau về vài bữa có khi lại xa nhau đi chiến đấu, nhưng đừng vì thế mà nản lòng".
Bà Nguyễn Mộc Lương là một trong những người đầu tiên đến viếng nguyên Thủ tướng sáng 20/3 tại Hội trường Thống Nhất. Ảnh: Ngân Giang |
"Cuộc chiến chưa biết bao giờ kết thúc, dù phải đặt chuyện đất nước lên trên hết, nhưng hai đứa cũng phải yêu thương và trân trọng nhau. Quyết định gắn bó với nhau là đúng, chỉ khi có chồng, có vợ con người ta mới trưởng thành lên", anh Sáu Khải nói thêm với cô Mộc Lương ngày ấy.
Đám cưới được tổ chức vào ban đêm, thắp đèn dầu vì sợ máy bay oanh tạc. Dưới khẩu hiệu "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ" và sự chứng kiến của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, đồng đội, bà Mộc Lương nên duyên vợ chồng với anh Nguyên Hữu Thiện.
Mâm cỗ cưới ngày khó khăn có 2 đĩa bánh kẹo, bình trà xanh, 2 hộp ngô rang. Anh Sáu góp thêm cho đôi tân lang tân nương 2 gói thuốc lá. Thấy chú rể chưa có áo mới cho ngày vui, ông Sáu Khải gọi ngay anh Thiện vào, mở chiếc rương, lấy ra một tấm áo bộ đội sạch sẽ, rồi nói: "Cho mi, mặc áo mới để gặp may mắn".
Sau nhiều năm xa cách vì chiến tranh, tới năm 1976, bà Lương và ông Thiện gặp lại nhau, khi này họ đã có 3 người con. Hai ông bà về quê ở Bạc Liêu sinh sống.
"Thời gian gần anh Sáu tuy ít nhưng lại là thời điểm quan trọng của mệnh nước. Bác ấy dù bận rộn nhiều việc nhưng lúc nào cũng quan tâm tới đồng đội, anh em. Vợ chồng tôi không phải là những người duy nhất được bác ấy chứng hôn. Nay bác đi rồi, tôi đưa các con tới chào vĩnh biệt người", bà Mộc Lương nói.
Biết ông Sáu qua đời từ vài ngày trước tại Củ Chi, nhưng sức khỏe yếu, bà phải chờ tới khi linh cữu được di quan tới Hội trường Thống Nhất mới đến viếng được.
Đêm qua, sau 6 tiếng ngồi xe, con cháu đưa bà tới nghỉ tạm tại khách sạn trên đường Lý Tự Trọng. Đúng 7h30, bà Lương có mặt trong đoàn người xếp hàng vào chào vĩnh biệt nguyên Thủ tướng.
Mong ông an nghỉ miền cực lạc
Cũng có mặt trước Hội trường Thống Nhất từ rất sớm là vợ chồng ông Nguyễn Trung Tín (ngụ tại quận 9, TP.HCM). Ông bà là bạn cũ, đàn em của Sáu Khải.
"Ngày đó bác Sáu là Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch của TP.HCM, tôi là Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch của tỉnh Long An. Lúc ổng làm Phó chủ tịch thành phố, tôi cũng làm Phó chủ tịch tỉnh Long An. Dù ít hơn 6-7 tuổi, nhưng vợ chồng tôi có nhiều cơ hội gần gũi với ông Sáu. Thân tình lắm", ông Tín kể lại.
Vợ chồng ông Tín đến từ sớm, xếp hàng vào viếng ông Sáu Khải tại Hội trường Thống Nhất. Ảnh: Ngân Giang. |
Sáng nay, 7h, hai ông bà cùng nhau đến thắp nén hương viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Hai người đứng nghiêm trang, lặng lẽ trong đoàn người đang xếp hàng chờ vào trong Hội trường Thống Nhất giữa cái nắng 38 độ của mùa khô Sài Gòn.
"Những người cùng thời đã đi cả rồi, buồn lắm, thương tiếc lắm. Mong ông an nghỉ nơi miền cực lạc", bà Nguyễn Thị Mai, vợ ông trầm ngâm.
Cùng với bà Lương, ông Tín, bà Mai, có nhiều đoàn viếng là các cựu chiến binh, các cụ cao niên sinh sống cùng thời với nguyên Thủ tướng ở các tỉnh đến từ khá sớm, xếp hàng chờ tới lượt vào thắp hương.
Ngoài ra, có nhiều đoàn học sinh được nhà trường đưa tới Hội trường Thống nhất viếng nguyên Thủ tướng.
Từ 8h sáng 20/3, các cơ quan, đoàn thể, cá nhân có thể viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại Hội trường Thống Nhất. Người vào viếng được yêu cầu kiểm tra tư trang bằng máy soi chiếu điện tử, không sử dụng điện thoại di động.
Người dân xếp hàng vào viếng nguyên Thủ tướng vào sáng 20/3. Ảnh: Lê Quân. |
Các đoàn vào viếng theo thứ tự đăng ký. Ban tổ chức tang lễ sắp xếp khu ngồi chờ có mái che, phục vụ nước uống, đồ ăn nhẹ và nhân viên hỗ trợ người già, trẻ em tới viếng.
Quốc tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải diễn ra từ ngày 20/3 đến hết ngày 21/3. Lễ truy điệu được tổ chức trọng thể lúc 7h30 ngày 22/3 tại Hội trường Thống Nhất.
Sau đó, lễ an táng được tổ chức lúc 11h cùng ngày tại quê nhà nguyên Thủ tướng tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Cùng thời gian này, tại Trung tâm hội nghị quốc tế số 11 Lê Hồng Phong (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng diễn ra lễ viếng, lễ truy điệu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.