Lúc còn làm marketing cho một đối tác của YouTube tại VN, tôi được đào tạo rằng một trong những thể loại mà Google và YouTube khuyên các đối tác của mình nên đầu tư vào nội dung của các video là nhạc, hài, trẻ em và thú cưng, vì đó là những nội dung thành công, có lượt xem (view) và lượng đăng ký theo dõi (subscribe) cao trên YouTube.
Tiêu chí về nội dung để được tìm kiếm (search) và nhanh chóng chia sẻ khắp nơi (share link) là gần gũi, thân thiện (informal, casual, friendly) lạ lùng và điên điên một tí (crazy, hiểu theo nghĩa khác với môtip nội dung thường thấy trên truyền hình và các phương tiện giải trí truyền thống, càng khác biệt càng tốt), nội dung phải có cốt truyện và câu chuyện đó có nội dung hay, cực đỉnh rơi nước mắt hoặc cực cười té ghế. Đại khái vậy! Dĩ nhiên có vô số tiêu chí và quy định khác nữa từ YouTube.
Khán giả “cười đủ kiểu” với các clip của Lệ Rơi. Lệ Rơi có thể kiếm tiền trên YouTube từ những clip hội đủ các tiêu chí của đại gia Google? |
Đủ chuẩn để câu khách!
Dựa trên những tiêu chí của YouTube thì việc Lệ Rơi thành công là chuyện rất dễ hiểu! Vì các clip của anh hầu như hội đủ các tiêu chí của đại gia Google. Video của Lệ Rơi có gần gũi không? Quá gần gũi! Chàng thậm chí còn không mặc áo, thích gì nói nấy, nói hồn nhiên từ đáy lòng, nói ngôn ngữ thuần túy địa phương... Hài hước không? Cái này thì tùy gu, nhưng theo dòng thời sự của các bình luận (comment) và người theo dõi thì “cười té ghế”, “cười lộn ruột”, “cười chịu không nổi”... nói chung là đủ các kiểu cười.
Có âm nhạc không? Hát mà không gọi là âm nhạc thì gọi là gì? Có câu chuyện không? Có quá đi chứ, Lệ Rơi thường xuyên tâm sự về mình khiến bao nhiêu lượt người ngóng theo. Có yếu tố lạ lùng và điên điên không? Có nhiều là đằng khác! Lệ Rơi hát dở, xấu trai, phát âm sai, hát sai nhạc điệu, trang phục... bán nude, khác hoàn toàn với hình tượng ca sĩ được mặc định là phải đẹp trai/đẹp gái, hát hay, phát âm luyến láy, thời trang tận răng.
Thật lòng mà nói, nếu xét độ thành công dựa trên lượt xem thì các video của Lệ Rơi chưa phải là gì ghê gớm. Vài trăm ngàn lượt xem cho một video thì chả thấm vào đâu so với các video đạt vài triệu lượt xem. Và những lượt xem này đa số đến từ thị trường VN, nếu có đến với thị trường quốc tế chăng thì có lẽ chỉ gói gọn trong một nhóm nhỏ nào đó của cộng đồng người Việt hải ngoại. Vì sao? Vì các clip này thuần túy tiếng Việt, không có phụ đề tiếng Anh, các tiêu chí ăn khách trong video của Lệ Rơi sẽ không có tác động gì cả đến người nước ngoài.
Tuy nhiên, thành công nằm ở chỗ các lượt xem của Lệ Rơi hầu như là lượt xem tự nhiên (organic view - nghĩa là tự thân nội dung video này thu hút người xem mà không cần qua các hệ thống kết nối của YouTube hay phương thức tiếp thị số nào cả).
Có tài mới đi đường dài
Nếu Lệ Rơi chỉ đơn thuần dừng lại ở chuyện giải trí cá nhân riêng thì coi như chuyện vui vẻ cả làng. YouTube là mạng xã hội chia sẻ video mở, ai cũng có quyền tải lên đó những gì mình thích (dĩ nhiên phải tuân thủ các điều lệ của YouTube, nếu không một ngày đẹp trời các video của bạn biến mất, rồi tài khoản YouTube không hoạt động nữa thì có nghĩa bạn đã phạm luật gì đấy và hệ thống YouTube tự động xóa). Ngoài ra, ai cũng có quyền được tự do giải trí, thể hiện bản thân, miễn sao không ảnh hưởng đến chính trị, chẳng phương hại đến người khác.
Tuy nhiên, hiện nay Lệ Rơi sẽ phải xoáy theo vòng xoáy của sự nổi tiếng và đồng tiền, chính đây mới là vận mệnh của anh. Truyền thông tung hô, nổi tiếng thì hẳn rồi. Có tờ báo còn mời anh giao lưu trực tuyến như một nhân vật “đang lên” của thế giới phẳng. Còn tiền? Lệ Rơi vừa được mời ghi âm ca khúc để bán nhạc chờ, thậm chí có nơi còn lên kế hoạch tổ chức live show cho anh chàng và cuối cùng Lệ Rơi có thể kiếm tiền trên YouTube.
Theo một nguồn tin riêng từ đối tác của YouTube tại VN, Lệ Rơi đang liên hệ với họ để kết nối vào hệ thống. Nếu hợp đồng được ký kết thì lượt view chắc chắn sẽ tăng lên gấp nhiều lần do đối tác có hệ thống và các phương thức truyền thông tiếp thị số (digital marketing), điều đó đồng nghĩa với tiền sẽ đến với Lệ Rơi. Hiện nay, các quảng cáo của Google (đang sở hữu YouTube) bắt đầu xuất hiện rất nhiều trong các video của Lệ Rơi. Đối tác này cho biết hai bên đang tiến hành một số thủ tục và cho đến thời điểm hôm nay là chưa ký. Họ có vài cân nhắc. Người quản lý bộ phận kinh doanh bản quyền của đối tác của YouTube tại VN phân tích: “Hiện tượng lạ kiểu như vậy chỉ ăn một thời gian ngắn chủ yếu vì tò mò, chứ thực chất người xem cũng sẽ rất mau chán. Để kiếm tiền trên YouTube, để được thật sự yêu mến và theo dõi lâu dài trên YouTube thì nội dung vẫn phải chất lượng, đối tượng phải thật sự có tài năng mới có thể đi đường dài”.
Thật vậy, với bản tính tò mò tự nhiên và luôn đòi hỏi cái mới của người dùng trên môi trường YouTube thì những hiện tượng lạ kiểu như Lệ Rơi, sau một thời gian rồi người ta sẽ ngán, hoặc chính đương sự cũng rụng dần, rồi sẽ rơi vào quên lãng trước bão thông tin trong thời đại kỷ nguyên số và truyền thông xã hội. Rồi sẽ có một Lệ Rớt, Lệ Tuôn hay Lệ Khô mới tinh nào đó xuất hiện. Và chuyện gì đến sẽ đến, Lệ Rơi sẽ trở về với vườn ổi của mình, nhưng lúc đó có thể anh không còn vô tư yêu đời như những ngày đầu nghêu ngao hát chỉ để cho vui. Lúc đó, không chừng anh sẽ viết một status gì đó kiểu như “đắng lòng thế giới thị phi...”
Kiếm tiền trên YouTube: sẽ nở rộ
Về nguyên tắc, YouTube là một mạng xã hội chia sẻ video dành cho tất cả mọi người, ai cũng có thể kiếm tiền từ YouTube, một người dùng bình thường (user) hoặc những người có đầu tư sáng tạo nội dung video (creator) sở hữu chính thức một video nào đó và muốn kiếm tiền trên YouTube là đều có cơ hội. Tuy nhiên, hiện nay YouTube chưa chính thức có mặt tại thị trường VN, chế độ kiếm tiền cho cá nhân chưa thật sự mở, nên nếu các user/creator muốn kiếm tiền sẽ phải kết nối vào hệ thống của các đối tác (YouTube’s partner) tại VN. Cơ hội kiếm tiền cho tất cả mọi người là ngang nhau, chứ không phải chỉ dành cho người chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp. Vấn đề còn lại là video bạn có hay hay không, có thu hút được nhiều lượt xem không, có ảnh hưởng đến cộng đồng mạng hay không?
Hiện nay tại VN có rất nhiều user và creator đang kiếm tiền thông qua các đối tác của YouTube, từ đình đám như BB&BG, DAMTV, Duy Khiếm Ngố... cho đến các giới ca sĩ underground, có cả các bé thiếu nhi như Bào Ngư, bé Phan Hiếu Kiên... Có những người trước thời kỳ YouTube thì ít ai biết, nhưng kể từ khi kiếm tiền trên YouTube thì trở thành cái tên rất nổi trong cộng đồng mạng như Toàn Shinoda. YouTube đã có mặt tại Thái Lan, việc đặt chân đến VN chỉ còn là vấn đề thời gian. Dự báo trong vài năm tới, hình thức kiếm tiền từ nội dung video qua YouTube nói riêng và qua các mạng xã hội chia sẻ video nói chung sẽ còn nở rộ.