Sau "Nụ hôn thần chết" là "Giải cứu thần chết"
Sau thành công của “Nụ hôn thần chết”, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đang chuẩn bị làm phần hai “Giải cứu thần chết”, chiếu vào dịp Tết 2009.
- "Nụ hôn thần chết" phần một nhận được rất nhiều lời khen, kéo được rất đông khán giả đến rạp. Vậy từ góc độ của người đạo diễn, anh cảm thấy đã và chưa làm được gì ở bộ phim này?
- Tôi hoàn toàn vừa lòng với Nụ hôn thần chết phần một, bởi tôi không phải người luôn day dứt những gì mình đã làm và bởi tôi biết chẳng thể làm lại được điều gì. Chỉ có điều, tôi nghĩ mình còn làm được tốt hơn nếu có điều kiện hơn.
Phần hai được đầu tư kỹ thuật cũng như kinh phí nhiều hơn. Đó là một cơ hội và tôi nắm lấy nó.
Dũng "Khùng" với "chân dài" Thanh Hằng. (Ảnh: Tạ Nguyên Hiệp) |
- Lý do nào để anh bắt tay vào làm phần hai với cái tên “Giải cứu thần chết”?
- Thường thì phần hai của các phim được coi là thành công sẽ thất bại hơn phần một. Nó là sự ăn theo. Ai cũng nói như vậy.Cho nên tôi cần được “giải cứu” khỏi quan niệm đó. Và tôi biết rằng để làm được điều đó chỉ có tự mình vượt qua chính mình thôi. Từ đó tôi nghĩ ra ý tưởng phim tên là Giải cứu thần chết.
Theo tôi, cái chính là làm sao ăn theo được và xứng đáng.
- Nội dung kịch bản phần hai như thế nào?
- Nếu ở phần một, cô gái với số phận đen đủi đối diện với cái chết và may mắn gặp được thần chết yêu thương và cứu giúp, thì phần hai, nhân vật chính phải đối diện với lòng tự ti của mình, luôn nghĩ mình là kẻ sinh ra là để thất bại chẳng làm được gì. Cô cũng gặp thần chết song chẳng may mắn gì vì anh thần chết này còn “í ẹ” hơn cô. Nhưng nhờ vậy cô phát hiện ra mình không quá tệ như mình nghĩ, trong lúc giúp đỡ thần chết hoàn thành nhiệm vụ để được trở về thế giới của anh ta.
- Các diễn viên chính trong phần hai là những ai?
- Hai nhân vật chính sẽ ở tuổi 17 nhưng diễn viên thì không nhất thiết đúng với tuổi đó. Chỉ có hai lý do khi tôi chọn diễn viên, đó là cảm tính cho tôi biết diễn viên đó chính là nhân vật tôi tưởng tượng và họ đồng ý tập trung 100% vào vai diễn.
- Tại sao vai thần chết của anh luôn là nam mà không phải nữ?
- À. Bạn đã phát hiện cái mà tôi cũng không để ý lắm. Chắc có lẽ nếu khi tôi là diễn viên chính thì chắc thần chết sẽ là nữ. Nhưng tôi nghĩ phụ nữ hay mơ mộng hơn. Họ luôn muốn có người đàn ông đặc biệt tìm đến làm thay đổi cuộc đời họ, còn đàn ông thì thích mình là anh hùng và muốn bảo vệ người đẹp.
Dũng "Khùng" và nhà quay phim Trinh Hoan. (Ảnh: Tạ Nguyên Hiệp) |
- Theo anh, điểm hấp dẫn thu hút của bộ phim là gì?
- Người ta muốn xem phần hai có gì khác hơn phần một và có hay hơn không. Còn tôi thì phải làm điều đó cho bằng được.
- Những pha hành động, cảnh âm ty… sẽ được anh thực hiện ra sao ở phần hai này?
- Sẽ chẳng có cảnh âm ty địa ngục như phần một. Còn hành động thì cũng theo kiểu Dũng "Khùng". Tôi xin tiết lộ trước là sẽ có cảnh một cô gái nhỏ xíu chơi bóng rổ xuất chúng và một màn âm nhạc hoành tráng. Một màn thần chết sẽ đẩy xe đạp chứ không phải xe đò. Và vài màn cần được giữ bí mật.
Cảnh giới thiệu người làm phim sẽ “tinh” và thẩm mỹ hơn phần một rất nhiều. Tôi mong ngay từ shot đầu tiên phải gây thiện cảm với khán giả.
- “Nụ hôn thần chết” phần một rất thu hút khán giả bởi những cảnh sexy giữa Thanh Hằng và Johnny Trí Nguyễn. Vậy phần hai “Giải cứu thần chết” sẽ thế nào?
- Phim này chẳng có cảnh sexy nào cả vì tôi nghĩ mình nên tìm ra cái khác hấp dẫn không thua gì sex. Tôi nghĩ người ta không chỉ đến rạp vì những cảnh nóng. Và người làm phim thì không nhất thiết phim nào cũng có các scent gợi cảm.
Dũng "Khùng" với "bà bói" Phương Thanh. (Ảnh: Tạ Nguyên Hiệp) |
- Mô tuýp và cách thực hiện của phần hai có gì giống và khác so với phần một?
- Nụ hôn thần chết và Giải cứu thần chết. Đọc hai cái tựa thôi thì bạn cũng biết điểm giống và khác nhau rồi. Phần một xung quanh chuyện thần chết thực hiện nụ hôn. Phần hai xung quanh chuyện làm sao giải cứu được thần chết.
Vậy thì cũng là thần chết nhưng một cái thì “hôn”, một cái thì “cứu”.
- Phần một anh chọn slogan là “hài hài kiểu Dũng Khùng”, vậy slogan phần hai sẽ là gì?
- Xin đính chính slogan phần một là “yêu kiểu Dũng Khùng” hoặc "vô lý đến phát yêu".
Phần hai sẽ là “trẻ trung kiểu Dũng Khùng”.
- Phần một các anh đã có kế hoạch PR rất công phu bằng việc tổ chức tới ba cuộc thi: Thi thiết kế poster cho phim, thi viết về nụ hôn đầu đời, thi giả trang thần chết, cũng như khán giả được theo sát quá trình làm phim trên một trang web, vậy phần hai này sẽ được PR như thế nào?
- Phần hai này đã được thương hiệu phần một PR dùm một ít. Cho nên chắc tôi sẽ ít nói hơn mà tập trung làm. PR cũng giống như làm phim, người ta hấp dẫn khi lôi cuốn và gặp được bất ngờ hơn là biết trước tất cả những gì sắp diễn ra. Nên sẽ có vài điều bất ngờ không thể nói quá sớm vào lúc này được.
- Anh cho rằng “phần hai tự tin tràn trề hơn phần một”, vậy anh hy vọng phần hai sẽ hơn phần một ở những điểm gì?
- Cái hay hơn là nó trẻ trung hơn, hiện đại hơn, thực tế hơn. Và ý tưởng là "hãy tự thân vận động thay vì mơ mộng chờ đợi người khác giúp đỡ".
Mục tiêu là doanh thu sẽ tốt hơn, muốn vậy phim phải tốt hơn, để có cơ hội lần sau tôi được đầu tư làm phim tốt hơn. Tôi mong những người từng yêu thích phần một sẽ không thất vọng khi xem phần hai và phần hai sẽ thu hút khán giả chưa thật sự hài lòng hoặc chưa kịp xem phần một đến rạp và cảm thấy không tiếc tiền vé.
- Anh viết trong blog của mình là “Đúng như có lời nguyền gì đó, mỗi lúc có trục trặc về mặt tình cảm thì rõ ràng năng lực làm việc của mình lên đỉnh cao. Chắc cứ tiếp diễn hoài như vậy thì mình phải đổi nghề quá”. Tại sao lại vậy?
- Đúng thật, đã qua hai phim Hồn Trương Ba da hàng thịt và Nụ hôn thần chết, mỗi lần tôi đi làm phim là có trục trặc về tình cảm. Kịch bản Giải cứu thần chết được viết cũng ở thời điểm tương tự. Nếu cứ tiếp tục thì thật là nguy hiểm. Tôi luôn muốn thay đổi và phát triển từng phim tôi làm, nhưng tôi không hề muốn thay đổi tình cảm.
Theo Vnexpress