Cơ thể sản phụ đã trải qua rất nhiều thay đổi khi mang thai và sẽ tự điều chỉnh lại trong sáu tuần sau khi sinh con. Tuy nhiên trong quá trình hồi phục, ngay từ những giờ đầu sau sinh, sức khỏe của người mẹ có thể phải đối mặt với những nguy cơ băng huyết, nhiễm khuẩn, thậm chí là nhiễm khuẩn huyết, uốn ván hoặc đơn giản hơn là có thai ngoài ý muốn. Những nguy cơ trên mang lại khá nhiều lo lắng và phiền phức cho sản phụ.
Ra máu bất thường sau sinh
Trong khoảng thời gian hai, ba tuần sau khi sinh cơ thể sản phụ có một quá trình loại bỏ các chất nhầy dư thừa, mô nhau thai và máu còn sót lại trong âm đạo, tử cung tương tự như chu kỳ kinh nguyệt nhưng với số lượng nhiều hơn. Đây là một hiện tượng hoàn toàn tự nhiên và được gọi là sản dịch sau sinh. Sản dịch xuất hiện bất kể bạn sinh con bằng phương pháp tự nhiên hay bằng cách sinh mổ.
Sản dịch thường bắt đầu vài giờ ngay sau khi sinh và kéo dài trong hai hoặc ba tuần tiếp theo sau đó. Cá biệt, ở một số phụ nữ, sản dịch có thể kéo dài tới năm, sáu tuần. Mầu sắc của của sản dịch từ đỏ đến hồng rồi nhạt mầu dần, số lượng cũng sẽ giảm từ nhiều đến ít và hết hẳn.
Tuy nhiên, nếu có một trong những triệu chứng như: Ra máu một cách bất thường và rất nhiều; Ra máu đỏ tươi, nhiều ngày sau khi sinh; Ra máu đóng cục lớn; Cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng; Nhịp tim nhanh một cách bất thường hoặc trở nên không đều, cần cảnh giác với tình trạng băng huyết sau khi sinh.
Điều này xảy ra do tử cung không co lại được (đờ tử cung, do sót nhau…) hoặc tổn thương mạch máu dẫn đến xuất huyết ồ ạt. Đây là một triệu chứng khá nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong, vì vậy nếu thấy bất cứ một triệu chứng bất thường nào về sản dịch (cảm thấy sản dịch kéo dài, nhiều và ra máu đỏ một cách bất thường) cần được theo dõi thật cẩn thận, cần đến ngay các cơ sở y tế để được cấp cứu điều trị với những biện pháp làm sạch buồng tử cung, thuốc co hồi tử cung, thậm chí phải truyền máu hoặc phải can thiệp ngoại khoa.
Sốt sau sinh là biểu hiện của nhiễm trùng cần phải đi khám. |
Nhiễm khuẩn sau sinh
Nhiễm khuẩn sau sinh là nhiễm khuẩn xuất phát từ bộ phận sinh dục tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo, tử cung phần phụ thậm chí là viêm phúc mạc vùng tiểu khung do những tổn thương khi sinh nở, thực hiện các thủ thuật không đảm bảo vô khuẩn, chuyển dạ kéo dài, ối vỡ sớm, sót nhau, màng nhau, bế sản dịch hoặc do vệ sinh không tốt.
Nhiễm khuẩn tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo, cổ tử cung: nguyên nhân do rách hoặc cắt tầng sinh môn mà không khâu hoặc khâu không đúng kĩ thuật, không đảm bảo vô khuẩn, quên gạc trong âm đạo. Với biểu hiện toàn thân mệt mỏi, sốt 38o-38o5, tại chỗ vết thương sưng, nóng, đỏ, đau trong khi sản dịch ra bình thường, không hôi. Nhiễm khuẩn âm hộ, tầng sinh môn cần được vệ sinh tại chỗ rửa thuốc tím, hoặc các dung dịch sát trùng khác. Nếu phù nề nhiều chỗ khâu nên cắt chỉ sớm và dùng kháng sinh toàn thân theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Nhiễm khuẩn tử cung sau sinh: Có thể gặp ở nhiều mức độ khác nhau như viêm niêm mạc tử cung, viêm cơ tử cung, viêm toàn bộ tử cung. Tình trạng này có thể bắt nguồn từ nguyên nhân nhiễm khuẩn ối, sót nhau màng nhau, chuyển dạ kéo dài, các thủ thuật bóc nhau kiểm soát tử cung, phẫu thuật lấy thai không vô khuẩn, bế sản dịch, sót gạc sau khi mổ. Nhiễm khuẩn tử cung thường được biểu hiện sau sinh 3-4 ngày, sản phụ da xanh xao, mệt mỏi sốt cao, sản dịch hôi, đôi khi lẫn mủ, máu màu socola, tử cung co hồi chậm, đau vùng hạ vị nếu đã viêm đến lớp cơ tử cung. Khi gặp nhiễm khuẩn tử cung sau sinh cần tiếp tục làm thuốc vùng sinh dục ngoài và điều trị tích cực tại các cơ sở Y tế chuyên khoa.
Viêm phúc mạc tiểu khung sau sinh: Thường do nhiễm khuẩn tử cung sau đẻ, điều trị nội khoa không kết quả, nhiễm khuẩn lan ra xung quanh tử cung (Vòi trứng, buồng trứng, dây chằng rộng), hoặc bị tổn thương từ tử cung do cuộc đẻ gây máu tụ ở dây chằng rộng dẫn đến viêm phúc mạc tiểu khung. Thời gian xuất hiện nhiễm khuẩn thường muộn, vào tuần thứ hai sau sinh, với những biểu hiện nhiễm trùng, nhiễm độc mệt mỏi xanh xao vẻ mặt hốc hác, sốt tăng dần 38o-40oC, rét run, mạch nhanh, đau bụng âm ỉ hoặc có hội chứng lỵ, sản dịch mùi hôi, vùng bụng dưới rốn và hai hố chậu đau. Thăm trong đến tuần thứ 2 thấy cổ tử cung vẫn mở, các túi cùng đau, sản dịch theo tay thấy mùi hôi. Viêm phúc mạc tiểu khung sau sinh phải được điều trị rất tích cực tại bệnh viện với kháng sinh liều cao phối hợp tránh dẫn đến viêm phúc mạc toàn bộ hay tình trạng nhiễm khuẩn huyết rất nguy hiểm.
Nhiễm khuẩn huyết: Là hình thái nhiễm trùng nặng nhất sau đẻ, sau nạo phá thai lớn thường do nhiễm tụ cầu vàng tan huyết và vi trùng đường ruột qua các tổn thương cơ quan sinh dục. Nhiễm khuẩn huyết thường biểu hiện vào tuần thứ nhất hoặc thứ hai sau sinh, hoặc sau mổ lấy thai. Có hội chứng nhiễm trùng (sốt cao liên tục 39-40o, sốt có rét run) nhiễm độc (và mặt hốc hác, môi khô, lưỡi bẩn). Nhịp thở nhanh nông, mạch nhanh nhỏ, vã mồ hôi. Thể trạng suy sụp nhanh, huyết áp giảm có khi hôn mê. Hội chứng tan huyết (da xanh, thiếu máu, hồng cầu, huyết sắc tố giảm). Hội chứng rối loạn điện giải, nhiễm toan và Hội chứng nhiễm khuẩn hậu sản (tử cung co hồi chậm, sản dịch có mùi hôi, lẫn nhiều mủ). Trường hợp nặng có thể xuất hiện những ổ apxe nhỏ ở phổi, thận, não, tim và viêm phúc mạc toàn thể. Nhiễm khuẩn huyết là tình trạng bệnh rất nặng, tỷ lệ tử vong cao hoặc để lại nhiều di chứng nếu qua khỏi.
Để dự phòng các nhiễm khuẩn sau sinh nói chung cũng như nhiễm khuẩn huyết nói riêng cần lưu ý trong lúc mang thai, phải phát hiện và điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn sinh dục trước sinh. Trong lúc chuyển dạ, tránh chuyển dạ kéo dài, đảm bảo điều kiện vô khuẩn khi đỡ đẻ, thăm khám và khi tiến hành các thủ thuật, phẫu thuật sản khoa. Trong thời kỳ hậu sản, vệ sinh bộ phận sinh dục, tránh các ổ nhiễm khuẩn, điều trị tình trạng thiếu máu, suy dinh dưỡng.
Nhiễm khuẩn uốn ván: Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính có tỷ lệ tử vong cao do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra. Khi mắc bệnh uốn ván tỷ lệ tử vong rất cao, khoảng từ 25 - 90%. Đặc biệt là uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh, tỷ lệ tử vong là trên 95%. Bệnh uốn ván xuất hiện rải rác ở các vùng nông thôn, ở các nước không có Chương trình tiêm chủng mở rộng thì bệnh ở trẻ sơ sinh và người trẻ tuổi chiếm tỷ lệ cao.
Trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani có trong đất, cát bụi, phân trâu bò ngựa và gia cầm, cống rãnh, dụng cụ phẫu thuật không đảm bảo vô khuẩn… Nha bào uốn ván có thể tồn tại nhiều năm trong một số môi trường và kháng với nhiều loại thuốc khử khuẩn, không bị tiêu diệt khi đun sôi 20 phút. Bệnh uốn ván thường xảy ra sau một tổn thương cấp tính như vết chích da, vết rách da, vết trầy da, bỏng, viêm tai giữa, phẫu thuật, sảy thai, sinh đẻ... Vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào các vết thương, phát triển thành ổ nhiễm khuẩn trong điều kiện yếm khí, với thời kỳ ủ bệnh khoảng 4 – 21 ngày sau đó giải phóng ngoại độc tố vào máu và tấn công vào các bản vận động thần kinh – cơ, làm cho người bệnh bị co cứng cơ và trên nền cứng đó xuất hiện các cơn co giật. Bệnh gây tử vong do suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật và ngừng tim.
Nếu thấy có bất thường nào về sản dịch sau sinh cần phải được theo dõi cẩn thận. |
Kế hoạch hóa gia đình sau sinh
Có một câu hỏi được đặt ra là sau sinh bao lâu thì có thể quan hệ tình dục trở lại. Như chúng ta đã biết, sinh nở là một cuộc “vượt cạn” với nhiều mức độ khó khăn khác nhau. Cơ quan sinh sản ít nhiều bị tổn thương. Vẫn biết rằng sau sinh sức khỏe sản phụ dần được hồi phục nhưng vẫn còn đó thiên chức nuôi con bằng sữa mẹ dành cho người phụ nữ. Quan hệ tình dục sau sinh chỉ nên được bắt đầu khi cơ quan sinh sản đã được hồi phục hoàn toàn. Thời gian cần thiết cho quá trình này là khoảng 6 tuần.
Đặc biệt không nên quan hệ tình dục khi chưa hết sản dịch vì trong giai đoạn này rất dễ bị nhiễm vi khuẩn, virut, ký sinh trùng và nấm. Những tổn thương ở âm hộ tầng sinh môn chưa được hồi phục hoàn toàn sẽ gây nhiễm khuẩn và đau đớn ảnh hưởng đến cảm xúc tình dục sau này.
Những trường hợp sinh mổ cần được kiểm tra đảm bảo sự hồi phục của tử cung và vết mổ thành bụng trước khi có quan hệ tình dục trở lại. Để đảm bảo sức khỏe sinh sản cho người phụ nữ, việc kế khoạch hóa gia đình sau sinh cần được đặc biệt chú ý. Về lý thuyết, sáu tuần sau sinh là thời gian cơ quan sinh sản có thể hồi phục hoàn toàn và có khả năng mang thai. Vì vậy để đảm bảo sức khỏe sinh sản cho người mẹ, cần áp dụng các biện pháp tránh thai phù hợp với từng đối tượng có thể là dùng bao cao su, dụng cụ tử cung (vòng tránh thai), thuốc uống tránh thai đơn thuần (đối tượng cho con bú)…
Khái niệm “mẹ tròn con vuông” chỉ được trọn vẹn khi sức khỏe sản phụ hồi phục hoàn toàn sau sinh.