Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sau tai nạn làm học sinh tử vong, trường học chặt cây lâu năm

Sau sự cố tại trường THCS Bạch Đằng, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) phải đốn hạ 6-7 cây lâu năm không đạt chuẩn.

Sáng 26/5, cây phượng vĩ trong trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP.HCM, bật gốc, đổ xuống khiến một học sinh tử vong, nhiều em khác bị thương. Sự cố thương tâm này đặt ra câu hỏi về vấn đề chăm sóc cây xanh, đảm bảo an toàn trong trường học.

truong hoc chat cay lau nam anh 1

Trường THPT Marie Curie, quận 3, có nhiều cây cổ thụ, thậm chí trên dưới 100 tuổi, được chăm sóc, kiểm tra hàng năm để đảm bảo an toàn cho học sinh. Ảnh: Nguyễn Sương.

Cắt nhánh, tỉa cành hàng năm

Bà Nguyễn Thị Quế Vân, Phó hiệu trưởng trường THPT Marie Curie (quận 3, TP.HCM), cho biết trường thành lập năm 1918, có 29 cây, trong đó, 10 cây trên dưới 100 năm. Trường quan tâm, thực hiện thường xuyên công tác bảo vệ an toàn cho học sinh.

Hàng năm, trường ký hợp đồng với các công ty chuyên nghiệp để được tư vấn về tình hình cây xanh, cắt nhánh, hạ độ cao, bảo vệ cây. Họ kiểm tra hai lần/năm và tỉa cành một lần mỗi năm, đặc biệt trước mùa mưa. Hàng ngày, trường có đội ngũ nhân viên chuyên chăm sóc cây.

“Nhà trường giữ gìn, chăm sóc cây cẩn thận, vì cây tạo mỹ quan, mang lại bóng mát. Việc chăm sóc đó phải phối hợp cơ quan chức năng có kinh nghiệm. Bằng mắt thường, chúng ta thấy cây xanh tốt, nhưng không biết bên trong, cây bị sâu hay mục ruỗng như thế nào”, bà Vân nói.

Phó hiệu trưởng cho biết thêm trong lần kiểm tra gần nhất, công ty cây xanh đề nghị chặt hoặc trồng, gia cố lại 4 cây sứ trong trường.

Năm ngoái, trường Marie Curie chặt một cây vì mục từ bên trong. Các năm qua, trường này đốn 4-5 cây bàng vì rễ mọc rộng, ảnh hưởng các phòng học, cây tán rộng, dễ đổ. Trường cho trồng lại cây khác tạo bóng mát và an toàn hơn.

Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Thủ Đức) cũng vừa thuê công ty cây xanh cắt nhánh, tỉa cành cây từ tuần trước.

Ông Phạm Phương Bình, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho hay đây là thông lệ hàng năm. Đầu tháng 5, Sở GD&ĐT TP.HCM có văn bản nhắc các trường tự chấm tiêu chí an toàn, trong đó có vấn đề cây xanh. Giữa tháng 5, trường nộp lại biên bản tự chấm, đồng thời cho cắt tỉa cây.

Ông thông tin thêm có hai hình thức quản lý cây xanh trong trường học. Cây được đánh số, lâu năm. Cây quan trọng thuộc danh mục bảo tồn thì có danh mục riêng, thuộc đơn vị quản lý của quận, thành phố.

Hàng năm, trường thuê công ty cây xanh kiểm tra, đánh giá, hỗ trợ cắt tỉa cây cao, tán rộng, không đảm bảo an toàn.

“Họ lấy giá dịch vụ chứ không phải hỗ trợ miễn phí. Trường phải trả khoản phí tương đối lớn. Vì thế, với những cây nhỏ, nhà trường giao cho nhân viên để kiểm tra, cắt tỉa nhánh nhỏ hàng tháng”, ông Bình chia sẻ.

truong hoc chat cay lau nam anh 2

Một số chuyên gia đề nghị cần có cơ quan chuyên môn kiểm tra toàn diện cây xanh trong trường học trước khi đưa ra phương án xử lý. Ảnh: Phụ huynh cung cấp.

Cần cơ quan chuyên môn kiểm tra toàn diện

Theo ông Bình, hiện nay, các trường đã hoàn thành việc kiểm tra, cắt, tỉa nhưng mới ở độ một. Sự việc tại trường THCS Bạch Đằng cho thấy nhiều trường chưa đánh giá hết mức độ vấn đề. Theo chỉ đạo của sở, các trường đang rà soát.

Tương tự, bà Trương Thị Lệ Hà, Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5, TP.HCM), cho biết trường đã cắt tỉa xong các cây. Sáng 27/5, nhân viên công ty cây xanh cùng Sở Xây dựng TP.HCM xuống trường, kiểm tra lại.

Kết quả khảo sát cho thấy trường có 6-7 cây không đạt chuẩn. Bà nói thêm những cây này hiện xanh tốt nhưng để đảm bảo an toàn cho học sinh, trường cần đốn hạ, thay cây khác.

“Nhiều người mong muốn bảo tồn cây lâu năm. Cây xanh là một phần gắn với trường, phải thay, tôi rất đau lòng. Nhưng để xảy ra sự cố không an toàn cho học sinh càng đau lòng hơn", bà Lệ Hà chia sẻ.

Ông Phạm Phương Bình cũng cho rằng đa phần trường học đều tồn tại vấn đề về cây xanh. Tại nhiều trường, việc trồng cây do công ty xây dựng thực hiện khi xây trường, thường mang ý nghĩa "lấp cho đầy", chưa chú ý kỹ thuật trồng.

“Họ đào hố chưa sâu. Một số nơi chọn cây lớn, nhiều tuổi để mau phát tán nhưng bộ rễ còn hạn chế”, ông nói.

Liên quan vấn đề cây xanh trong trường học, bà Nguyễn Thị Quế Vân, Phó hiệu trưởng trường THPT Marie Curie, hy vọng có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành để hỗ trợ trường học chăm sóc cây kiểng.

Trường THPT Marie Curie là di tích kiến trúc cấp thành phố. Việc sửa chữa đều phải xin phép cơ quan chức năng, song cây xanh không được đánh số. Khi hỏi, công ty cây xanh cho biết cây trong trường do trường quản lý.

Hàng năm, trường thường xuyên nhận công văn từ ban, ngành về bảo đảm an toàn trong trường học. UBND quận 3 cũng đưa ra bộ tiêu chí đánh giá, có nội dung về cây xanh. Trường tự chấm điểm, quận phúc tra, cấp giấy chứng nhận về an toàn trường học.

Trường có phân công người phụ trách công tác này. Tuy nhiên, theo bà Vân, trường không có chuyên môn về cây nên chỉ nhìn bằng mắt thường, không phát hiện các vấn đề như sâu, hư hỏng.

“Có người thường xuyên, kiểm tra, hỗ trợ thì quá tốt. Đương nhiên, trường cũng chủ động, không chờ sự phối hợp từ bên ngoài. Tôi thấy trường có khoảng xanh lớn, cây cổ thụ đẹp nhưng rất lo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên chủ động trong công việc hơn”, Phó hiệu trưởng trường THPT Marie Curie nói.

PGS.TS Đinh Quang Diệp, ĐH Nông Lâm TP.HCM, cũng cho rằng cần có cơ quan chuyên môn kiểm tra toàn diện, xem xét cách xử lý cây xanh trong trường học, không nên xử lý cực đoan.

“Việc đốn hạ cây phải có công ty giám định, nên làm gì, không thể vì sự cố mà đổ thừa cho cây phượng”, ông nêu quan điểm.

Theo ông Diệp, cây phượng trồng trong trường bình thường. Vấn đề nằm ở chỗ trồng như thế nào. Trường nên chọn cây nhỏ, cao khoảng 3-3,5 m, đường kính khoảng 10 cm, nuôi trong vườn ươm đàng hoàng và không nên làm bồn chật chội.

Việc tỉa cành phải do công ty cây xanh tư vấn, thực hiện. Như trường hợp cây phượng ở trường Bạch Đằng, phần rễ và phần trên không tương thích.

Ông giải thích rễ quá ít, nhỏ, trong khi tán quá rộng. Bộ rễ không phát triển dẫn đến thân trong mục ruỗng. Chuyện gãy đổ chắc chắn xảy ra.

“Tiêu chí cây trồng trong trường là hệ rễ khỏe, tán rộng, không có bộ phận độc như trái, gai, ảnh hưởng con người. Bên trồng phải nghiên cứu cây nào đạt yêu cầu. Phượng là cây rễ ngắn, trồng cẩn thận, giữ cho bộ rễ cây phát triển tốt thì an toàn”, ông nhận định.

Chặt cây phượng còn lại trong tai nạn khiến học sinh tử vong Sáng 27/5, cây phượng còn lại trong khuôn viên trường THCS Bạch Đằng đã được đốn hạ. Một số cây lớn khác được cắt tỉa nhánh.

Trong buổi họp báo thông tin về về vụ tai nạn tại trường THCS Bạch Đằng, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, khẳng định hàng năm, sở luôn có 2 văn bản chỉ đạo lãnh đạo các trường về đảm bảo an toàn trường học và các đơn vị đều thực hiện tốt.

Tuy nhiên, theo ông, việc quản lý, cắt tỉa cây liên quan nhiều cơ quan. Muốn đốn cây phải xin phép, cơ quan chức năng đến thẩm định, hiệu trưởng không được tự quyết.

Cùng ngày 26/5, sở ra thông báo khẩn về việc tiếp tục tăng cường công tác đảm bảo an toàn trường học, phòng, chống tai nạn thương tích trong nhà trường, nhắc đến việc kiểm tra, cắt tỉa cành, chăm sóc cây xanh.

Sở GD&ĐT TP.HCM ra thông báo khẩn sau vụ cây đổ làm chết học sinh

Sở GD&ĐT TP.HCM ra thông báo khẩn về việc tiếp tục tăng cường công tác đảm bảo an toàn trường học, phòng, chống tai nạn thương tích trong nhà trường.

Minh Nhật - Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm