Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sau Tết, mong trẻ tiểu học được đến trường dù 1-2 buổi/tuần

Một số phụ huynh cho biết con đã chán nản, mệt mỏi khi phải học online lâu ngày hoặc “thèm” cảm giác đến trường.

Sau Tết Nguyên đán, các đại học cho sinh viên đến trường. Chị Kim Dung (quận Hoàng Mai, Hà Nội) và chị Thu Hằng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sẽ trở lại với việc dạy học trực tiếp.

Tuy nhiên, con của họ tiếp tục chuỗi ngày ngồi trước màn hình khi UBND thành phố Hà Nội mới chỉ cho phép học sinh lớp 7 đến lớp 12 ở vùng xanh và vùng vàng đi học.

mong tre tieu hoc duoc den truong anh 1

Con trai chị Kim Dung từng rất hào hứng với việc học online nhưng vì kéo dài, con cảm thấy chán nản dần. Ảnh: K.D.

Gần nửa năm, mẹ dạy online, con học trực tuyến

Là giảng viên một trường đại học lớn ở Hà Nội, từ đầu tháng 5, công việc của chị Kim Dung và chị Thu Hằng gần như chuyển sang trực tuyến. Với họ, sự thay đổi này khó khăn nhưng vẫn thích nghi được vì từ năm 2020, việc dạy online đã được áp dụng dưới ảnh hưởng dịch Covid-19.

Chuyển sang dạy học trực tuyến, theo chị Kim Dung, là sự thay đổi cách tiếp cận, xây dựng bài giảng khác. Chị Thu Hằng cũng phải tìm cách để sinh viên tương tác, trao đổi, tự học nhiều hơn.

Qua một thời gian, nữ giảng viên nhận thấy sinh viên đáp ứng tốt, tinh thần tự học, tự nghiên cứu cao hơn và nhiệt tình hơn trong giờ học.

Tuy nhiên, ở vai trò người mẹ, họ gặp khó khăn hơn vì con còn nhỏ. Con trai chị Kim Dung mới học lớp 2 trong khi chị Thu Hằng chăm lo cho 2 con (con trai lớn học lớp 5 và con gái mới 5 tuổi).

Nói về năm 2021, hai bà mẹ thừa nhận họ trải qua năm nhiều thử thách và những đứa trẻ cảm thấy bí bách khi chỉ có thể ngồi trước màn hình học bài, hạn chế ra ngoài vì dịch Covid-19.

Chị Kim Dung tâm sự thời gian đầu, con trai hào hứng học online, thích nghi ổn. Nhưng dần dần, con nản. Những tháng cuối năm, con bắt đầu không tập trung trong giờ học, không hoàn thành nhiệm vụ giáo viên giao hoặc làm với tâm thế bị ép buộc dù trước đây, con thích học và luôn tự giác làm bài.

“Con uể oải, chống đối, chia sẻ không muốn ngồi trước màn hình mà muốn đến trường gặp cô và các bạn”, chị Dung nói.

Trong khi đó, trường tư thục của con trai chị Thu Hằng cố gắng hạn chế thời gian trẻ ngồi trước máy tính. Việc dạy học trực tuyến chỉ gói gọn 2 tiếng vào buổi sáng mỗi ngày. Thời gian còn lại, học sinh làm bài tập, nhiệm vụ giáo viên giao.

Dù việc học online không quá vất vả, con vẫn cảm thấy chán nản, thèm cảm giác đến trường, học tập, vui chơi cùng bạn bè, thầy cô.

Còn con gái ở độ tuổi mầm non đang nghỉ học hoàn toàn. Con vui vẻ vì được chơi với mẹ nhiều hơn. Song việc nuôi dạy con nhỏ khiến chị Thu Hằng nhiều khi rơi vào mâu thuẫn vì muốn dành thời gian để con không phải lủi thủi chơi một mình, song lại có quá nhiều công việc phải hoàn thành.

“Con thích ở nhà chơi với mẹ nhưng thời gian để mẹ chơi cùng, tương tác với con một cách hiệu quả, dạy con các kỹ năng lại chưa nhiều. Điều này khiến tôi cảm thấy bức bối”, bà mẹ 2 con tâm sự.

mong tre tieu hoc duoc den truong anh 2

Con trai chị Thu Hằng vẫn học online trong khi con gái nghỉ học hơn nửa năm nay. Ảnh: T.H.

Hỗ trợ con nhiều hơn

Nhìn lại năm Tân Sửu, chị Thu Hằng và chị Kim Dung thừa nhận đây là năm khó khăn cho cả xã hội chứ không riêng gia đình họ. Mọi người đều học cách thích nghi. Năm 2021 đầy thử thách cũng giúp họ nhận ra nhiều điều.

Với chị Thu Hằng, đó là tầm quan trọng của giáo dục trong gia đình - điều mà chị dự định tăng cường hơn trong năm Nhâm Dần, dù con được đến trường hay tiếp tục học online.

Theo chị, năm qua, những phụ huynh ỷ lại trường trong việc dạy dỗ con cái sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng nếu bố mẹ cân đối được giữa công việc bản thân và con, mọi việc đỡ xáo trộn hơn.

Chị thừa nhận bản thân hiểu được điều này nhưng việc thực hiện không dễ. Vì vậy, chị đang nỗ lực để cân bằng.

Năm mới, chị Thu Hằng sẽ lên kế hoạch, định hướng mục tiêu rõ ràng. Nếu con tiếp tục ở nhà học online, chị sẽ xác định rõ giáo dục con theo trọng tâm nào, dành thời gian cho con như thế nào để có hiệu quả.

Trường hợp con đến lớp, chị sẽ đỡ “lao tâm khổ tứ” nhưng vẫn duy trì quan điểm cần cân bằng giữa công việc và nuôi dạy con cái để tham gia nhiều hơn vào quá trình giáo dục con.

Trong khi đó, chị Kim Dung đánh giá đại dịch là cơ hội để nhìn lại cần trang bị cho con kỹ năng gì. Thời đại số, trẻ tiếp xúc mạng, thiết bị điện tử sớm. Người lớn cần dành thời gian để cùng con vượt qua ác vấn đề về mặt tâm lý.

Ngoài ra, khi trẻ tiếp cận Internet, nguồn tin đa dạng trên mạng, phụ huynh cần hướng dẫn con cách sử dụng mạng an toàn.

“Con không phải là cỗ máy mà bảo học trực tuyến là con ngồi học online được. Con cũng có nhiều tâm tư, tình cảm khi buộc phải thích nghi với cuộc sống trong đại dịch”, chị Kim Dung nói.

Vì vậy, chị sẽ sắp xếp thời gian để tâm sự, chia sẻ nhằm hiểu những bí bách, lý do con mệt mỏi, chán nản để con lấy lại hào hứng, đồng thời gia đình gắn kết hơn.

Bên cạnh đó, chị Kim Dung dự định nếu con chưa thể chuyển sang học trực tiếp, chị sẽ trao đổi với cô giáo, xin giảm bớt bài tập để con không áp lực tâm lý.

Chị nói thêm không yêu cầu con học giỏi, đạt điểm cao tất cả môn học. Con chỉ cần hiểu những vấn đề cơ bản cô giảng trên lớp. Quan trọng, con cảm thấy vui vẻ, lúc nào cũng có năng lượng, rèn tính chủ động, giữ được niềm vui trong học tập. Với những kiến thức thiếu hụt, chị tin khi trường học mở cửa, cùng với sự giúp đỡ của cô giáo, con có thể bắt kịp.

Mong chờ sự linh động để trẻ đến trường

Dù vậy, 2 phụ huynh vẫn kỳ vọng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh tiểu học có thể đến trường.

Chị Kim Dung cho rằng trẻ học online lâu dài gây ra vấn đề tâm lý cho cả trẻ lẫn người lớn. Trẻ không được ra ngoài, thiếu sự tương tác trong khi phụ huynh chịu áp lực từ công việc lẫn việc dành thời gian hỗ trợ con học và lo lắng về hiệu quả học trực tuyến.

Bên cạnh đó, khi được đến trường, con mới phát triển thêm các kỹ năng quan trọng khác.

Vì vậy, chị mong con sớm đến trường. Rủi ro ngoài kia vẫn còn nhưng chị Kim Dung xác định sống chung với dịch. Hơn nữa, chị cho rằng phụ huynh cũng ra ngoài đi làm, hoàn toàn có thể trở thành nguồn lây nhiễm.

“Tôi không nghĩ cứ giữ trẻ ở nhà là đảm bảo an toàn. Con ở nhà học online, về lâu dài, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý cả trẻ lẫn phụ huynh”, bà mẹ một con nói.

Chị thừa nhận bước đầu, việc mở cửa trường học với học sinh nhỏ tuổi, chưa tiêm vaccine sẽ rất khó. Dù vậy, chị kỳ vọng trường học có thể thử nghiệm cho trẻ đến lớp 1-2 buổi/tuần để các con thay đổi môi trường, khơi gợi lại hứng thú học tập.

Chị Kim Dung cho biết thêm trước đây, chị từng sống ở nước ngoài và cho con theo học trường tiểu học bản địa. Trong thời kỳ dịch bùng phát, trường chia lớp thành nhóm nhỏ. Phụ huynh lựa chọn có cho con đến lớp hay không.

“Thời gian con tôi học ở đó, trường không có rủi ro xảy ra. Sau này, tôi nghe kể lại trường có ca mắc Covid-19 nhưng phạm vi lây nhiễm nhỏ”, chị Dung thông tin.

Chị kỳ vọng sau Tết Nguyên đán, một số trường đủ điều kiện sẽ thực hiện theo cách này, chia nhỏ lớp để học sinh luân phiên đến trường. Giáo viên chỉ dạy nội dung cơ bản nhất rồi giao bài tập hoặc Bộ GD&ĐT có bài giảng điện tử thống nhất, trẻ tự học trước và hỏi thêm giáo viên nội dung chưa hiểu.

Ngoài ra, trẻ có bệnh nền sẽ học trực tuyến. Với trẻ sức khỏe tốt, phụ huynh tự xem xét, chọn hình thức học cho con.

Trong khi đó, chị Thu Hằng thừa nhận việc mở cửa trường học còn tùy thuộc nhiều yếu tố như tình hình dịch bệnh, mức độ rủi ro đối với từng quận, phường, thậm chí từng trường. Vì vậy, chị mong thành phố linh động việc mở cửa trường học thay vì có quy định chung cho tất cả trường học.

“Với trường có quy mô nhỏ, mỗi lớp có ít học sinh, ban giám hiệu có thể linh động chia nhỏ lớp để trẻ có thể đến trường 1-2 buổi/tuần nhằm giảm bớt thời gian học online, tăng tương tác trực tiếp với giáo viên, bạn bè”, chị Thu Hằng đề nghị.

Chậm mở cửa trường học sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ

Đến thời điểm này, đa số địa phương trên cả nước đã lên kế hoạch cho học sinh các cấp trở lại trường học trực tiếp sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm