Đó là câu hỏi mang tính thực tiễn rất lớn. Chiếc thẻ đỏ của Cristiano Ronaldo, dù đúng hay sai, cũng đã tạo ra những lùm xùm cực lớn xung quanh nó, và trực tiếp đặt ra câu hỏi nên hay không sử dụng VAR tại Champions League.
Nếu UEFA đưa VAR vào cuộc chơi danh giá nhất lục địa già, mọi thứ có thể sẽ sáng tỏ.
Ronaldo bị oan?
“Giật tóc ư? Chúng tôi là cầu thủ, không phải phụ nữ”, Emre Can lên tiếng sau khi được hỏi về chiếc thẻ đỏ của Ronaldo. “Giật tóc” cũng là hành động khả dĩ nhất để trọng tài có thể khép Ronaldo vào lỗi đủ lớn để dính thẻ đỏ sau va chạm với Murillo.
Trong pha tranh chấp trước đó, CR7 đã không hề chạm vào hậu vệ Valencia nhưng Murillo này đã chủ động ngã lăn ra, và đó dĩ nhiên là pha ăn vạ.
Ronaldo bị oan? Ảnh: Shuttlerstock. |
Ronaldo có thể đã bị gài bẫy? Đúng. Song việc trọng tài nhìn nhận sự việc để rồi cuối cùng cho Ronaldo thẻ đỏ là chuyện hoàn toàn khác. Trong bóng đá đỉnh cao, chuyện va chạm là không thể tránh khỏi.
Hành động của Ronaldo với Murillo có thực sự đáng để bị phạt thẻ đỏ hay không khi trọng tài Felix Brych chỉ vài phút sau khi đuổi Ronaldo đã chỉ phạt thẻ vàng cho Daniel Parejo sau khi tiền vệ này cao chân đạp thẳng vào mặt Joao Cancelo bên phía Juve?
Ronaldo bị oan? Dĩ nhiên không thể chắc chắn điều này. Vì sau cùng thì án phạt đã được đưa ra, và giới quan sát chỉ có thể bàn về chúng dưới góc nhìn thứ ba mà thôi.
Chỉ có duy nhất Ủy ban kỷ luật của UEFA có thể trả lời câu hỏi Ronaldo bị oan hay không, song có thể tin câu trả lời theo kiểu “vạch áo cho người xem lưng” này sẽ không bao giờ xuất hiện, dù UEFA có thừa nhận rằng sẽ xem xét lại tình huống này (thực chất hành động xem lại chỉ mang tính quy trình).
Champions League không thể sử dụng VAR vì những khó khăn trong việc di chuyển lẫn sử dụng tại các sân đấu khắp châu Âu. Ảnh: Getty Images. |
Tại sao không sử dụng VAR?
HLV trưởng Juventus, Max Allegri ngay sau khi kết thúc trận đấu đã nhấn mạnh pha bóng của Ronaldo cần VAR. Nếu công nghệ video hỗ trợ trọng tài được sử dụng, mọi chuyện có thể sẽ sáng tỏ, hoặc ít nhất là không tạo ra nhiều tranh cãi như lúc này khi quyền quyết định tình huống dựa hoàn toàn vào trọng tài chính Felix Brych.
Cần biết, ông Brych từng bị FIFA không cho cầm còi tại World Cup 2018 ngay sau vòng bảng vì những sai lầm nghiêm trọng trong trận đấu giữa Serbia và Thụy Sĩ, và bản thân trọng tài người Đức không trực tiếp chứng kiến tình huống của Ronaldo, và đã phải hỏi trợ lý để có được nhận định chuẩn xác nhất.
Chủ tịch UEFA, Aleksandr Ceferin đã khẳng định trước giờ khai màn Champions League mùa này rằng đấu trường danh giá nhất châu Âu chưa cần sử dụng VAR. Theo ông Ceferin, UEFA “vẫn nhận thấy một số bất ổn” và “tin rằng việc áp dụng đại chúng là chưa khả khi”.
Ông cũng thừa nhận rằng “việc triển khai VAR ở các giải đấu châu Âu sẽ nảy sinh các khó khăn trong lẫn ngoài sân cỏ. Bất kỳ quyết định nào về vấn đề này đều cần những đánh giá chính xác các khả năng và các nguồn lực sẵn có”.
Những quan ngại của ông Ceferin dĩ nhiên có cơ sở. VAR dù trên tên gọi là “công nghệ video hỗ trợ trọng tài”, song bản chất vẫn được vận hành bởi con người. Hình ảnh quen thuộc của World Cup 2018 là tổ trọng tài ngồi trước màn hình xem lại tình huống dưới dạng video trước khi đưa ra những can thiệp với trọng tài chính.
Việc mang công nghệ này tới với 32 sân vận động trải dài 4 nghìn cây số trên lãnh thổ châu Âu để trợ giúp công tác tổ chức các trận đấu tại vòng bảng Champions League rõ ràng là điều bất khả thi.
Nếu có VAR, những tranh cãi như pha phạm lỗi của Ramos với Salah sẽ có lời giải. Ảnh: Getty Images. |
Nhưng nhìn nhận như vậy không có nghĩa rằng Champions League không thể áp dụng VAR, và những trường hợp như Ronaldo sẽ vĩnh viễn có kết cục là tranh cãi. Những khó khăn về công tác tổ chức có thể sẽ được hạn chế khi giải đấu danh giá nhất châu Âu bước vào vòng tứ kết hoặc bán kết.
Khi đó những trận đấu sẽ chỉ gói gọn trong một vài quốc gia nhất định. Việc bố trí cơ sở hạ tầng để sử dụng VAR sẽ trở nên đơn giản hơn.
Nhiều năm trở lại đây, những pha bóng gây tranh cãi tại Champions League có xu hướng gia tăng ở những vòng knock-out. Chiến thắng của Real Madrid trước Bayern Munich ở tứ kết lượt về mùa 2016/17, trước Juventus ở tứ kết lượt về mùa 2017/18 hay pha va chạm giữa Sergio Ramos và Mohamed Salah trong trận chung kết Champions League năm ngoái là những ví dụ mà nếu có VAR, mọi thứ có thể sẽ trở nên sáng tỏ.
Tại World Cup 2018, VAR dù đã để lại không ít lùm xùm (tiền vệ Nordin Amrabat gọi công nghệ này là rác rưởi), song đó chỉ nên xem như nửa kia của cốc nước vơi.
Với VAR, đã có 17 quyết định của trọng tài được thay đổi tại World Cup 2018, nâng tỷ lệ chính xác từ 95,6% lên thành 99,35%. Champions League nên học theo điều ấy? Đồ họa: isportconnect. |
VAR, với sức mạnh của công nghệ, vẫn sẽ là hệ tham chiếu tuyệt vời để giới mộ điệu có thêm niềm tin vào sự công bằng tại Champions League, giải đấu mà trong những năm qua, không ít người đã hoài nghi về chuyện có ít nhiều sự thiên vị cho Real Madrid và Barcelona.
Ronaldo có dính thẻ đỏ hay không, Juventus có lẽ cũng vẫn sẽ thắng Valencia vì đẳng cấp quá chênh lệch như chính thuyền trưởng của "Los Che", Marcelino nhận định sau trận. Nhưng trong thể thức knock-out giữa hai đối thủ đồng cân đồng lạng, thẻ đỏ cho bất kỳ cầu thủ nào (chứ không riêng gì Ronaldo) cũng có thể thay đổi vĩnh viễn kết quả của cuộc chơi.
VAR cần được sử dụng để làm sáng tỏ trong những tình huống như thế, chứ không chỉ vì một mình Ronaldo.