Trên hành trình 1.620km, chúng tôi có hai đêm dừng chân ở Đà Lạt. Với nhiều phượt thủ trong đoàn, Đà Lạt không còn xa lạ. Nhiều người tự hỏi, chúng tôi sẽ làm gì với từng ấy thời gian bởi bất kỳ ai ít nhất cũng một lần từng lang thang những góc phố thân quen, những hàng quà vặt, những khu chợ đêm hay lãng đãng quán cafe ven hồ Xuân Hương. Ấy vậy nhưng, hai đêm ở Đà Lạt lại trôi qua rất nhanh, nhiều nuối tiếc.
Dừng chân đêm đầu tiên khi đã thấm lạnh vì mệt và đói, căn nhà trọ chúng tôi thuê đối diện ngay khu chợ đêm Đà Lạt, đủ gần để sau khi kịp rũ bỏ lớp quần áo ướt đẫm hơi nước, hơi sương khi vượt đèo Prenn tất cả cùng nhau quây quần bên bữa tối với chút men rượu, nồi lẩu nghi ngút khói. Tiệc tàn, vài thành viên trong đoàn vì mệt chọn về phòng nghỉ ngơi dưỡng sức trong khi một số khác tìm cho mình góc quen của Đà Lạt nhâm nhi ly sữa đậu nành nóng, ăn thêm vài món quà vặt hay đơn giản dạo chợ đêm ngắm nhìn thành phố thật lâu hơn, trong đêm. Giấc ngủ chìm sâu thật ngọt ngào.
Khung cảnh tấp nập ở chợ đêm Đà Lạt. |
Tỉnh giấc thật sớm khi phố xá lác đác vài hàng quán mở, nai nịt tư trang gọn gàng, chúng tôi tiến về thị trấn Lạc Dương với mục tiêu chinh phục Lang Biang. Đỉnh núi gắn liền với câu chuyện tình yêu huyền thoại của đôi trai gái được truyền miệng từ đời này qua đời khác khiến cả đoàn phấn chấn hơn. Nhiều người trong số chúng tôi đã từng ghé chân nơi đây và chinh phục thắng cảnh tuyệt đẹp, cách thành phố Đà Lạt chỉ 30 km. Tuy nhiên, lần này, thay vì chọn chinh phục đỉnh thấp nhất mà mọi du khách vẫn thường ghé thăm chúng tôi quyết đỉnh cao nhất trong hệ thống ba đỉnh núi nơi đây, nằm ở độ cao 2.167m so với mực nước biển.
Đón chúng tôi ngay dưới chân Lang Biang là Chiel - người dẫn đoàn người địa phương. Chiel 24 tuổi, một anh chàng nông dân chính hiệu miền cao nguyên. Trước đó, anh từng học chuyên ngành trung cấp thú y nhưng cơ duyên của 5 năm về trước khiến anh chuyển hướng trở thành hướng dẫn viên du lịch.
Dáng người dong dỏng, những bước chân thoăn thoắt, Chiel vừa đi vừa hướng dẫn chúng tôi rất tận tình khiến cả đoàn đều hứng thú với những câu chuyện của anh. Chiel tỏ ra thành thạo cung đường này trong lòng bàn tay và anh vanh vách kể các câu chuyện về Lang Biang, về dân tộc mình một cách say sưa và thuần thục suốt gần 2 tiếng đồng hồ đi đường. Chiel nói, nếu muốn chinh phục cả 3 đỉnh của Lang Biang phải mất 1 đêm ngủ trên núi, nhưng thú vị.
Bữa ăn ấm cúng ở nhà Chiel với các món dân dã. |
Đêm trước, Lang Biang vừa trải qua cơn mưa. Trời sạch, mây quang. Cánh rừng thông cổ thụ càng thêm phần thơ mộng, reo vui lẫn trong tiếng gió, những ánh nắng xuyên qua tán thông, đổ trên nền đất đỏ. Đoạn đường đầu tiên với những câu chuyện rôm rả của Chiel mang đến cảm giác háo hức và thư thái.
Nhưng càng lên cao, đường càng lầy lội hơn. Con đường đất xuyên qua cánh rừng cổ thụ nhiều đoạn sình lầy, lá cây rụng rợp kín lối đi, nhiều đoạn bị chắn bởi những thân cây cổ thụ. Lớp đất đỏ bị xói mòn tạo nên những lối đi trơn trượt. Chúng tôi vừa đi vừa thăm dò hoặc bám vào những thân cây chằng chịt. Càng gần lên đến đỉnh núi, đường gần như dốc đứng với những bậc thang gỗ được đóng tạo thành lối đi. Nắng gần lên đến đỉnh đầu, chói chang. Hơi đất bốc lên khiến ai cũng ướt đẫm mồ hôi.
Sau gần 2 tiếng đồng hồ vừa đi vừa kể chuyện, chúng tôi đặt chân lên đỉnh Lang Biang. Giữa núi non hùng vĩ, dưới chân núi là huyện Lạc Dương, phóng tầm mắt xa hơn là thành phố Đà Lạt. Những dãy núi phía xa xa, mây vờn đỉnh tạo nên bức tranh kỳ thú. Một khung cảnh bao la rộng lớn được phóng xa trong tầm mắt khiến tất cả đều trầm trồ thán phục.
Toàn cảnh Lạc Dương và Đà Lạt nhìn từ đỉnh Lang Biang. |
Quãng đường đi xuống cả đoàn di chuyển nhanh hơn, phần vì đói sau hành trình đủ mệt và phần vì lời mời gọi hấp dẫn với bữa ăn tại chính ngôi nhà của Chiel tại bản Lát ngay dưới chân núi. Đặt chân đến ngôi nhà sàn truyền thống làm hoàn toàn bằng gỗ của anh khiến cả đoàn reo lên vì thích thú. Chị Blui Cil - chủ nhà đã tự tay chuẩn bị những món ăn dân dã như chà bông cá suối, cà tím nướng, rau má trộn, canh cà bung... Nhưng đặc biệt nhất là món cà đắng được chế biến đơn giản. Theo lời chị Blui, món này thường chỉ dành cho người trong gia đình, ít khi đem ra đãi khách, trừ khi là khách quý. Nhiều thành viên không giấu nổi sự háo hức nhưng sau đó nhanh chóng nhăn mặt không quen vì đắng. Bữa ăn trưa rôm rả với những câu chuyện không dứt.
Con đường lên Lang Biang thơ mộng giữa đồi thông. |
Nhưng sự đặc biệt còn ở sau đó với lời mời chào thưởng thức rượu cần, thịt hun khói từ chị Blui. Rượu cần do chính tay gia đình ủ, xếp dọc ngôi nhà sàn. Trong khi đó thịt hun khói đã được để sẵn trên bếp, bên dưới là bếp than hồng. Bên ché rượu cần, chị Blui kể tỉ mỉ cho chúng tôi cách làm rượu cần của người Lạch ở bản Lát, cách chọn thịt hun khói.
Lần đầu tiên chúng tôi được biết cách cắm rượu cần, mời rượu, châm nước. Trong hơi men chếnh choáng vừa nhấp môi trên ché rượu cần, chúng tôi cùng nhâm nhi những miếng thịt hun khói còn thơm mùi than hồng. Bữa tiệc càng thêm rôm rả bởi điệu khèn, tiếng hát vang lên giữa ngôi nhà sàn ấm cúng. Giờ phút ra về trở nên bịn rịn hơn bởi rượu nồng chưa cạn, tình vẫn còn vương.
Trên đường trở về Đà Lạt, không ai bảo ai tất cả đều thấy hưng phấn lạ. Đêm thứ 2 ở Đà Lạt, chúng tôi mới có nhiều thời gian hơn để quan sát thành phố về đêm: dạo một vòng chợ đêm Đà Lạt cái nhộn nhịp, tưng bừng của những hàng quán khiến tất cả càng háo hức hơn; sà xuống một quán ven đường nhâm nhi ly sữa đậu nành nóng; lang thang giữa dòng người xuống chợ mua vài chiếc túi thổ cẩm, dăm món quà vặt; hay đơn giản chỉ đi để được hít hà cái lạnh sau những ngày băng băng trên cung đường nắng gió đã cảm thấy ấm lòng.
Đà Lạt trở thành ký ức thật đẹp trong Hành trình Hạnh phúc.