Bộ GD&ĐT mong các phụ huynh, thầy cô giáo cùng lưu ý triển khai khi có văn bản hướng dẫn học tập trực tuyến tại nhà.
Trước đó, ngay sau khi có thông tin một học sinh ở Hà Nội bị điện giật tử vong khi đang ở nhà học trực tuyến, Bộ GD&ĐT đã trao đổi với Sở GD&ĐT Hà Nội để nắm bắt sự việc.
Sáng 10/6, em H.H.D. (Thanh Xuân, Hà Nội) bị điện giật tử vong khi chuẩn bị học trực tuyến. Ảnh: VTC. |
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, em học sinh hiện theo học tại trường Tiểu học Thái Thịnh thuộc quận Đống Đa. Nguyên nhân ban đầu được xác định do em dùng vật dụng bằng sắt chọc vào ổ cắm điện trong nhà nên bị điện giật dẫn tới tử vong.
Theo Bộ GD&ĐT, đây là sự việc rất buồn và đáng tiếc đối với gia đình em học sinh, với nhà trường và với ngành giáo dục.
"Qua đây, các bậc phụ huynh và thầy cô giáo cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nhắc nhở, dạy cho các em học sinh một số kỹ năng cơ bản, đặc biệt là hướng dẫn và hỗ trợ học sinh tiểu học trong quá trình sử dụng các thiết bị học tập cũng như thiết bị trong gia đình, đảm bảo an toàn, tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc", Bộ GD&ĐT cho hay.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhìn nhận vụ tai nạn thương tâm này là cảnh báo đau xót về nguy cơ tai nạn trẻ phải đối mặt, nhất là trong bối cảnh dạy và học trực tuyến hiện nay.
Ông cho rằng nếu không có giải pháp phòng ngừa, các vụ việc tương tự có thể xảy ra. Ông Nam lưu ý trẻ em phải đối mặt nhiều nguy cơ tai nạn không mong muốn khi học online do phải sử dụng các thiết bị điện, điện tử như máy tính, điện thoại thông minh...
Ngoài nguy cơ bị điện giật, trẻ còn đối mặt những nguy cơ khác như cháy nổ thiết bị, ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần do căng thẳng, hạn chế giao lưu với bạn bè... Đặc biệt, các em chưa được trang bị kỹ năng phòng tránh cũng như xử lý tình huống khẩn cấp.
Vì thế, ông hy vọng các bậc phụ huynh tìm hiểu kiến thức về thiết bị điện, giải pháp phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ. Họ có thể lắp thêm thiết bị tự ngắt dòng điện khi có sự cố gây chập cháy và cùng học, đồng hành với con trong các tiết học trực tuyến.
Bên cạnh đó, theo ông Đặng Hoa Nam, thầy cô cũng cần trang bị thêm kiến thức về điện, điện tử để hướng dẫn, cảnh báo các em trước mỗi giờ học. Phụ huynh, giáo viên giảng dạy nên dành thời gian kiểm tra các thiết bị quanh trẻ trong giờ học trực tuyến và hướng dẫn trẻ tự bảo vệ bản thân.
Ông thông tin thêm sắp tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp các cơ quan chuyên môn ban hành tiêu chuẩn an toàn về thiết bị học trực tuyến.
Theo báo cáo từ trường Tiểu học Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội), em H.H.D. là học sinh lớp 5, tử vong vào lúc 7h30 sáng 10/9. Lúc đó, mẹ em đi làm, bố ra ngoài có việc riêng. D. ở nhà cùng em gái học lớp 3.
Sáng 10/6, lớp em vào phòng học trực tuyến lúc 7h50 để điểm danh. Tuy nhiên, do đường truyền, cô giáo chủ nhiệm và một số học sinh không vào được phòng học trực tuyến.
Sau khi hết tiết 2 môn Tin học (khoảng 9h15), cô giáo chủ nhiệm vào phòng học trực tuyến nhưng không thấy học sinh nên đã gọi điện cho phụ huynh và không liên lạc được.
Khoảng 11h, phụ huynh lớp 5B có người biết sự việc, báo với giáo viên chủ nhiệm là em D. đã mất, người nhà đến phường báo tử. Cô giáo liên hệ với bác của em D. và biết thông tin trên.