Sáng 14/10, tiếp tục phiên họp thứ 49, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2020.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Quochoi.vn. |
Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho thấy cử tri và nhân dân ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục tổ chức kỳ thi trung học phổ thông năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp.
Các biện pháp phòng, chống dịch trong trường học được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Lễ khai giảng năm học mới được tổ chức phù hợp điều kiện của mỗi địa phương, cơ sở giáo dục.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân một số nơi bức xúc vì giá sách giáo khoa tăng cao so với năm học trước, có dấu hiệu “lợi ích nhóm”; thiếu hướng dẫn và thông tin chưa rõ ràng việc sử dụng sách giáo khoa trong các nhà trường; việc lạm thu đầu năm học vẫn tồn tại.
Do vậy, ngành giáo dục cần có hướng dẫn thống nhất danh mục sách giáo khoa chính thức, nhất là bộ sách giáo khoa lớp 1, chỉ đạo và kiểm tra việc quản lý, sử dụng sách tham khảo; có giải pháp kiên quyết hơn với việc lạm thu đầu năm học.
Cử tri, nhân dân cũng lo lắng trước tình trạng bạo lực học đường còn xảy ra ở một số nơi, cần có giải pháp hiệu quả, kịp thời để ngăn chặn.
Phát biểu sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu việc những ngày qua, dư luận bức xúc cho rằng sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh diều có nhiều “sạn”.
Đặc biệt, tại cuộc tiếp xúc cử tri của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Hải Phòng ngày 13/10, cử tri và nhân dân Hải Phòng đặt câu hỏi về việc biên soạn, thẩm định bộ sách giáo khoa này có nhiều lỗi về văn phạm, câu chữ.
“Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cần sớm vào cuộc để tìm hiểu, thẩm tra về vấn đề được dư luận, cử tri và nhân dân nêu”, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình. Ảnh: Quochoi.vn. |
Đồng tình, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết dư luận đặt câu hỏi về việc biên soạn, thẩm định bộ sách giáo khoa này ra sao, có chặt chẽ không mà để xảy ra nhiều lỗi?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng khi biên soạn sách giáo khoa, phải làm sao để trẻ em cả ba miền Bắc - Trung - Nam đều có thể hiểu được. Câu từ, cách gọi một sự vật, hiện tượng ở mỗi địa phương khác nhau nhưng khi đưa vào sách giáo khoa phải để trẻ em ở 3 miền vẫn hiểu được.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình thông tin ngày mai (15/10), ủy ban này sẽ có báo cáo gửi Thường vụ Quốc hội về vấn đề của giáo dục - đào tạo, trong đó có nội dung dư luận quan tâm về sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ sách Cánh diều.
“Cần nhìn nhận lại vấn đề sách giáo khoa, đặc biệt là khâu thẩm định chương trình và sách giáo khoa như thế nào, việc chọn lựa, thẩm định đã chặt chẽ chưa? Khi đi giám sát, chúng tôi nhận thấy Bộ GD&ĐT tạo có quy trình rất đầy đủ nhưng sao vẫn để xảy ra lỗi trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1”, ông Bình nói và cho rằng sách giáo khoa Tiếng Việt 1 có 5 bộ, trong đó bộ Cánh diều có nhiều "sạn".