Bệnh nhân truyền hóa chất tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Duy Hiệu. |
Trước tình hình người bệnh ung thư trên thế giới và Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng, ngành y tế TP.HCM mong muốn tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành trong vùng nhằm triển khai công tác khám sàng lọc; đẩy mạnh việc hợp tác, phát triển nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác chẩn đoán, điều trị các bệnh lý ung thư thường gặp tại mỗi địa phương và hình thành “Mạng lưới phòng, chống ung thư vùng”.
Mạng lưới có ý nghĩa chăm sóc người bệnh từ lúc tầm soát sớm giai đoạn chưa có triệu chứng, phát hiện sớm các dấu hiệu nghi ung thư, chẩn đoán chính xác, kịp thời, điều trị đa mô thức hiệu quả,… cho đến chăm sóc giai đoạn cuối, điều trị giảm nhẹ tại cộng đồng.
Hội nghị đồng thuận về xây dựng và phát triển mạng lưới phòng, chống ung thư vùng Đông Nam Bộ diễn ra tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM vào ngày 8/6.
Đến tham dự Hội nghị có lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM và các sở y tế thuộc các tỉnh vùng Đông Nam bộ, ngoài ra, còn có sự tham dự của Giám đốc Sở y tế tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, cùng lãnh đạo các bệnh viện đa khoa tỉnh, lãnh đạo các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa ung bướu trên địa bàn TP.HCM.
Sở Y tế đã mời các GS, PGS là các chuyên gia trong lĩnh vực ung bướu đến dự và góp ý cho dự thảo đồng thuận, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch danh dự Hội Ung thư Việt Nam, GS.TS.BS Lê Quang Nghĩa, Ủy viên Ban Chấp hành Liên Chi hội Ung thư TP.HCM, TS.BS Lê Tuấn Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Liên Chi hội Ung thư TP.HCM, Giám đốc Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Chợ Rẫy, BSCKII Nguyễn Đình Song Huy, Ủy viên Ban Chấp hành Liên Chi hội Ung thư TP.HCM, Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Chợ Rẫy cùng các chuyên gia của Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM đã đến dự và góp ý bản dự thảo.
Hội nghị thảo luận và thống nhất Bản thỏa thuận hợp tác và phát triển giữa Ngành y tế TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ về xây dựng và phát triển mạng lưới phòng, chống ung thư quy mô vùng.
Lãnh đạo các Sở y tế vùng Đông Nam bộ cùng các GS, BS chuyên gia đầu ngành chuyên khoa Ung thư trên địa bàn TP.HCM tham dự Hội nghị đồng thuận về xây dựng và phát triển mạng lưới phòng, chống ung thư vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: Sở Y tế TP.HCM. |
Cụ thể, Hội nghị đã nhất trí cao và đồng thuận với dự thảo thỏa thuận hợp tác bao gồm 2 cấp độ:
Hợp tác cấp độ 1: Tiếp tục phát huy hiệu quả và tăng cường hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn TP.HCM nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của từng bệnh viện theo nhu cầu của mỗi địa phương.
Hợp tác cấp độ 2: Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế chăm sóc sức khoẻ người dân theo chuyên khoa ung thư, từ bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tuyến cuối đến tuyến y tế cơ sở, từ TP.HCM đến các tỉnh, thành thuộc vùng Đông Nam bộ, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, cải thiện tỷ lệ tử vong và nâng cao chất lượng sống cho người dân mắc bệnh ung thư.
Các nội dung hợp tác nhằm phát huy nguồn lực sẵn có của từng địa phương, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội nói chung và y tế nói riêng của từng địa phương, đảm bảo tuân thủ các quy định chuyên môn và phân công chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám, chữa bệnh của Bộ Y tế.
Hội nghị đã thảo luận sôi nổi có chiều sâu về sự cần thiết phải hình thành “Mạng lưới phòng, chống ung thư vùng” và đạt được sự đồng thuận cao về những nội dung chính như sau:
- Hình thành “Mạng lưới phòng, chống ung thư vùng” là cần thiết nhằm triển khai hiệu quả chiến lược phòng, chống ung thư, giúp nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng sống cho người bệnh ung thư trong khu vực.
- “Mạng lưới phòng, chống ung thư vùng” sẽ phân chia thành 3 cấp, bao gồm:
(1) Cấp chăm sóc ban đầu: tập trung vào việc đẩy mạnh hoạt động phòng ngừa ung thư trong cộng động, tuyên truyền, giáo dục sức khỏe giúp người dân từ bỏ các thói quen có hại cho sức khỏe và nhận biết các dấu hiệu “báo động” của ung thư;
(2) Cấp chăm sóc cơ bản: hướng đến việc hình thành các cơ sở khám, chữa bệnh đủ năng lực khám, chẩn đoán và điều trị đa mô thức các bệnh lý ung thư cơ bản cho người dân tại địa phương;
(3) Cấp chăm sóc chuyên sâu: tập trung đầu tư phát triển các trang thiết bị hiện đại, chuẩn hóa nguồn nhân lực chuyên khoa ung thư, đẩy mạnh phát triển các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị chuyên sâu để nâng cao hơn nữa chất lượng khám và điều trị cho người bệnh, rút ngắn khoảng cách về các kỹ thuật chuyên sâu trong điều trị ung thư với các nước trong khu vực.
Sở Y tế TP.HCM và Sở y tế các tỉnh vùng Đông Nam bộ, tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận đã ký kết giao ước thi đua Cụm thi đua Sở Y tế các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ theo chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Y tế. Ảnh: Sở Y tế TP.HCM. |
Hội nghị đồng thuận về xây dựng và phát triển mạng lưới phòng, chống ung thư vùng Đông Nam bộ là bước khởi đầu quan trọng, trên cơ sở góp ý của các chuyên gia và sự đồng thuận của các sở y tế, ngành y tế Thành phố sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện kế hoạch phát triển mạng lưới phòng, chống ung thư quy mô vùng.
Căn cứ vào kế hoạch này, mỗi sở y tế mỗi địa phương sẽ khẩn trương triển khai các hoạt động thuộc về trách nhiệm của mình với sự hỗ trợ kỹ thuật của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối và các chuyên gia ung thư, đồng thời tham mưu lãnh đạo tỉnh phê duyệt kế hoạch củng cố và phát triển mạng lưới phòng, chống ung thư đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.
Cũng tại Hội nghị này, Sở Y tế TP.HCM và sở y tế các tỉnh vùng Đông Nam bộ, tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận đã ký kết giao ước thi đua Cụm thi đua Sở Y tế các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ theo chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Để con được ốm
Cuốn sách Để con được ốm giúp các bậc phụ huynh trang bị kiến thức trong việc chăm sóc trẻ một cách khoa học. Trong sách, tác giả chỉ ra những lầm tưởng của cha mẹ khi chăm sóc con. Đó có thể là những vấn đề phổ biến, trở thành thói quen thường nhật, song thực ra là lầm tưởng tai hại với các hiện tượng sức khỏe của trẻ như: Táo bón, tắm nắng, dùng kháng sinh, chảy mũi xanh…
Những vấn đề bệnh tật cụ thể trẻ thường gặp như ho, sốt, cảm lạnh… được nêu trong sách. Với mỗi bệnh thường gặp đó, sách phân tích nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị khoa học.