Sự lây lan nhanh chóng của corona chỉ trong chưa đầy một tháng khiến nhiều người nhớ đến đại dịch SARS 17 năm trước. Khi SARS bùng nổ, nó gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc tiêu thụ động vật hoang dã, giết thịt thú rừng.
Dù vậy, từ đó cho đến nay, tình trạng này vẫn chưa có nhiều thay đổi tích cực. Các nhà khoa học cho biết virus corona - dịch bệnh mới nhất của Trung Quốc là minh chứng rõ nhất cho tình trạng ăn thịt động vật hoang dã thực tế vẫn lan rộng, thậm chí có nguy cơ tăng cao, mang đến nhiều tiềm ẩn nguy hại cho sức khỏe.
Chợ Huanan (Vũ Hán) nơi vẫn bị tình nghi là tâm chấn khởi phát dịch corona. Ảnh: SCMP. |
Trước đây, SARS được tìm thấy bắt nguồn virus từ dơi và cầy hương. 2019-nCoV hay virus corona đang được cho là có nguồn gốc từ rắn, dơi - những động vật bị giết thịt để làm thực phẩm. Phát hiện cuối cùng vẫn chưa được công bố, nhưng các quan chức y tế Trung Quốc tin rằng không thể loại bỏ khả năng này, nhất là khi số người bệnh ghé thăm chợ Huanan khá nhiều, AFP nhận định.
Thịt thú rừng cùng với sự xâm lấn của con người vào môi trường hoang dã đang đưa chúng ta tiếp xúc gần hơn với các loại virus trong động vật. Ông Peter Daszak, Chủ tịch EcoHealth Alliance, một tổ chức phi chính phủ toàn cầu về phòng chống bệnh truyền nhiễm đánh giá tình trạng này khiến con người dễ bị lây nhiễm bệnh từ động vật hơn.
Dự án Virome toàn cầu ước tính có 1,7 triệu virus chưa được phát hiện trong thú rừng. Gần 50% trong số đó gây nguy hiểm cho con người. Ông Daszak cho biết, mỗi năm con người phải đối mặt với ít nhất 5 mầm bệnh mới truyền từ động vật sang người.
"Đại dịch sẽ trở thành điều bình thường"
Đây chính là lời cảnh tỉnh của Daszak. “Chúng ta càng có nhiều mối liên hệ với động vật hoang dã, sẽ càng có nhiều virus”, ông nói. Thực tế virus là một phần không thể thiếu của môi trường tự nhiên. Không phải tất cả chúng đều là thứ khủng khiếp, kinh dị. Nhưng dựa trên các hồ sơ theo dõi gần đây, các loại virus lây từ động vật sang người đều là những ca rất nghiêm trọng. Cụ thể như SARS, Ebola có nguồn gốc từ dơi. Trong khi HIV có nguồn gốc từ linh trưởng châu Phi.
Ngày nay, hơn 60% bệnh truyền nhiễm mới bùng phát đều lây từ động vật sang người, các nhà khoa học cho biết. Ngay cả trong các món ăn quen thuộc của công dân toàn cầu đều có gia cầm, gia súc. Có những mầm bệnh chúng ta đã thích nghi qua hàng thiên niên kỷ và tiếp tục chấp nhận phương án giết thịt loại động vật từng gây mầm bệnh. Điển hình như cúm gà, bệnh bò điên.
"Vì lợi ích tương lai của các loài vật hoang dã và vì sức khỏe của con người, chúng ta cần giảm lượng tiêu thụ thú rừng”, nhà bảo tồn sinh vật học và động vật tại Đại học East Anglia (Anh), Diana Bell, người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu SARS, Ebola và các mầm bệnh khác cho biết.
Không phải 100% các loại thịt hoang dã được tiêu thụ đều nguy hiểm. Bởi hầu hết virus đều chết sau khi vật chủ bị giết. Nhưng mầm bệnh có thể nhảy sang người trong quá trình bắt, vận chuyển, giết mổ. Đặc biệt, mầm bệnh càng có khả năng lây lan nếu vệ sinh kém hoặc không sử dụng thiết bị bảo vệ.
Ngày 23/1, một trung tâm tiêu thụ động vật quý hiếm tại Quảng Đông (Trung Quốc) đã dừng việc buôn bán thú hoang dã. Những lời hứa được đưa ra tương tự sau khi SARS bùng phát. Dù vậy, các nhà bảo tồn cho rằng không thể ngăn chặn 100% bởi lợi ích thương mại và kẽ hở trong luật pháp Trung Quốc.
Khó chấm dứt một thói quen lâu đời
Từ thời cổ đại, những sản vật quý hiếm đã trở thành món ngon, đồ bổ, có lợi cho sức khỏe theo quan niệm của người Trung Quốc. Theo truyền thống quốc gia này, một chủ nhà sẽ “nở mày nở mặt” hơn nếu phục vụ khách quý bằng những sản vật quý hiếm trên trời dưới biển khó kiếm.
Động vật hoang dã được bán nhiều tại chợ hải sản Huanan (Vũ Hán, Trung Quốc). Ảnh: Getty. |
Yang Zhanqiu, một nhà sinh vật học chuyên nghiên cứu những loài vật gây bệnh tại Đại học Vũ Hán, cho biết nhu cầu về thú hoang của người Trung Quốc hiện đại được củng cố bởi lòng tin văn hóa, họ không còn lo ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. "Mọi người sẽ nghĩ hoang dã là tự nhiên, tự nhiên là an toàn", ông Yang nói.
“Ai cũng muốn được ăn đồ ngon, đồ bổ. Có cung có cầu, thị trường động vật hoang dã không thể dập tắt”, Daszak nói. “Rất khó để chấm dứt một thói quen, hoạt động có ý nghĩa văn hóa hơn 5.000 năm”.
Dù vậy, ông Daszak tin rằng trong vòng 50 năm tới, thói quen này sẽ chỉ còn là quá khứ. Bởi thế hệ trẻ ngày nay đã nhìn nhận đúng hơn về điều đó qua các chiến dịch bảo vệ động vật hoang dã.
“Vấn đề của ngày nay là chúng ta đang sống trong thế giới phẳng, kết nối toàn cầu. Bất kỳ đại dịch nào ở một quốc gia cũng có thể lan rộng toàn thế giới chỉ trong ba tuần”, ông Daszak nói.
Việt hóa: Thiên Nhan. |