16h hôm nay, 2/6, khi vừa kết thúc kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1, ông Nguyễn Kim Sơn – Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Tuyển sinh, chia sẻ thông tin về kỳ thi lần đầu được tổ chức tại Việt Nam.
- Ông đánh giá thế nào về kỳ thi kiểm tra năng lực học sinh lần đầu được tổ chức này?
- Tôi cho rằng, toàn bộ quá trình chuẩn bị cho kỳ thi đã được dư luận quan tâm, thể hiện qua con số xấp xỉ 96% thí sinh tham gia. Học sinh đã tỏ ra thích ứng, nhập cuộc nhanh chóng, không bỡ ngỡ và xa lạ với hình thức mới.
Phương án thi và cách tổ chức mới đã mang lại kết quả tốt, phù hợp mục tiêu của kỳ thi tuyển sinh đại học.
- Kết thúc 8 ca thi đánh giá năng lực của đợt 1, bao nhiêu thí sinh bị kỷ luật và phải chuyển ca vì lỗi kỹ thuật, thưa ông?
- Chiều 2/6, tính đến hết ca thi thứ 8 (ở 9 cụm, 21 điểm thi), có 43.369 thí sinh tham gia làm bài, trên tổng số 45.350 người đăng ký, đạt tỷ lệ gần 96%.
9 thí sinh bị đình chỉ thi, tất cả đều vi phạm lỗi duy nhất là mang điện thoại di động vào phòng. Số thí sinh phải chuyển ca thi là 119 người, chiếm 0,27%.
Ông Nguyễn Kim Sơn - Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Quyên Quyên. |
- Vấn đề điểm thi được dư luận rất quan tâm, ông có thể chia sẻ những thông tin mới nhất?
- Theo thống kê sơ bộ về điểm thi, xét trong 4 cụm thi ở Đại học Công Nghiệp (Hà Nội), Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), Đại học Vinh (Nghệ An), Đại học Kiến trúc (Đà Nẵng) và Đại học Thái Nguyên, trong tổng số 10.337 bài thi, 72,8% đạt số điểm trên 70 (ngưỡng xét tuyển vào trường).
Theo tôi, đó là tỷ lệ hợp lý, chứng tỏ việc thiết kế bộ đề từ dễ đến khó đã sát với thí sinh. Trong 4 cụm, có hai thí sinh đạt điểm cao nhất là 125/140 (tại điểm thi Đại học Vinh và Đại học Công nghiệp Hà Nội).
- Những sự cố phát sinh trong đợt thi lần này là gì?
- Do đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng nên kỳ thi diễn ra thuận lợi, đạt được những mục tiêu đề ra. Toàn bộ kỳ thi không phát sinh sự cố đặc biệt, ảnh hưởng đến chất lượng chung.
Đáng nói, đây là kỳ thi không phát sinh hiện tượng tiêu cực như mang phao thi. Các trường hợp thí sinh bị kỷ luật đều là đáng tiếc - mang điện thoại vào phòng thi.
- Có ý kiến cho rằng, thi nhiều đợt sẽ không tạo sự cân bằng trong các đề. Có thể học sinh ăn may khi chọn đáp án với hình thức lựa 4 phương án trong đề trắc nghiệm?
- Việc ra đề thi, chúng tôi đã xây dựng trong nhiều năm với nguồn câu hỏi lớn. Trong đó, điều quan trọng nhất là cân bằng về độ khó của đề. Đại học Quốc gia Hà Nội có nhiều chuyên gia, tiến sĩ, thạc sĩ được đào tạo về đo lường đánh giá giáo dục, áp dụng trong khâu làm đề.
Về câu hỏi ăn may, tôi cho rằng, đó là thông lệ trên toàn thế giới, khi áp dụng thi trắc nghiệm và đã mang lại kết quả khách quan.
- Sau đợt thi lần này, Ban chỉ đạo tuyển sinh đã rút ra được những bài học kinh nghiệm như thế nào, thưa ông?
- Mặc dù đã có quá trình chuẩn bị dài và chu đáo, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục có những điều chỉnh theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn ở tất cả các khâu, từ phần mềm, ma trận đề…
Các nội dung bộ đề gửi đến đang nằm trong chương trình phổ thông (lớp 12), nhưng có thể những năm sau, sẽ có tỷ lệ nhỏ kiến thức về cuộc sống, không nằm trong giáo dục nhà trường.
Chúng tôi đã phát 1.500 phiếu điều tra thăm dò phản hồi của thí sinh qua đợt thi này. Dựa vào đó, Đại học Quốc gia sẽ phân tích và lưu ý cho quá trình tổ chức tiếp theo, lắng nghe ý kiến của dư luận với sự cầu thị cao nhất.
- Với cương vị Trưởng ban Chỉ đạo Tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội, ông có lo kỳ thi không thành công vì lần đầu tổ chức, thí sinh sẽ bỡ ngỡ?
- Là trưởng ban chỉ đạo kỳ thi chưa từng có ở Việt Nam, tôi ý thức rằng, đây là công việc nặng và khó. Tuy nhiên, không chỉ có một mình tôi tham gia cuộc thi này, cao hơn cả là PGS Phùng Xuân Nhã – Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội luôn sát sao, cùng nhiều đồng nghiệp khác.
Chúng tôi đã thực hiện kỳ thi với quyết tâm cao, mang triết lý đổi mới. Vì vậy, với sức mạnh tập thể, tôi rất tự tin trong việc điều hành kỳ thi. Cảm xúc lớn nhất của tôi là khi kết thúc kỳ thi chứ không phải thời gian bắt đầu.
Xin cảm ơn ông.