Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sẽ giao quyền công nhận tốt nghiệp THPT cho địa phương

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét phương án giao các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12.

Sáng 7/6, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ làm việc với lãnh đạo TP HCM, bàn về công tác phát triển giáo dục của TP.

Buổi làm việc có Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong và lãnh đạo các sở, ban ngành, đại diện trường đại học. 

TP HCM muốn xây dựng khung đào tạo, SGK riêng

Tại buổi làm việc, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM cho biết, thời gian qua, TP HCM gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển giáo dục. Việc tăng dân số cơ học kéo theo tăng học sinh trung bình mỗi năm khoảng 65.000 em, đặc biệt năm 2015 tăng 85.000 học sinh.

Bình quân mỗi năm, TP HCM cần xây mới gần 3.000 phòng học để đáp ứng chỗ học đạt chuẩn. Đây là áp lực lớn trong việc nâng cao chất lượng dạy và học.

Theo ông Sơn, TP phấn đấu đến cuối năm 2020, 100% các trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia về tiêu chí cơ sở vật chất; có 300 phòng học/10.000 người dân trong độ tuổi từ 3 đến 18 (kể cả người dân không có hộ khẩu thường trú hoặc KT3); 30% các trường mầm non, tiểu học, 15% các trường THCS, THPT đạt chuẩn quốc gia; ở từng quận huyện mỗi bậc học mầm non, tiểu học có ít nhất 3 trường, bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông có 2 cơ sở đạt trường tiên tiến theo xu thế hội nhập.

Hàng năm, TP đưa hàng nghìn phòng học vào sử dụng, đầu tư trang thiết bị, đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, tốc độ dân số tăng nhanh nên trường lớp xây mới nhiều nhưng vẫn quá tải chỗ học, chưa đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của công nhân tại các khu công nghiệp.

Chương trình giáo dục còn hàn lâm, quá tải, chưa phân phối hợp lý, khiến học sinh áp lực, học nhiều. Tình trạng học thêm, dạy thêm vẫn còn. Số lượng trường học có nhà thi đấu đa năng, hồ bơi, sân banh… phục vụ hoạt động thể thao của học sinh chưa cao.

Một số trường học có diện tích sân chơi nhỏ ảnh hưởng sinh hoạt, vui chơi của trẻ. Trang thiết bị hiện đại đã được đầu tư nhưng tỷ lệ thiết bị trên học sinh không cao, vì thế thời lượng dành cho mỗi học sinh không cao.

Dia phuong cong nhan tot nghiep THPT anh 1

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng những đề xuất của ngành giáo dục TP HCM có cơ sở, ông rất ủng hộ. Ảnh: Phước Tuần.

Ông Lê Hồng Sơn đề xuất Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho phép ngành giáo dục và đào tạo thành phố cơ chế đặc thù trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhằm triển khai giải pháp mang tính đột phá.

TP HCM đề xuất tự xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa phù hợp thực tiễn phát triển dựa trên khung chương trình chung của Bộ GD&ĐT.

Chương trình cấp học xây dựng theo hướng mở: Một số môn học bắt buộc (Văn - Tiếng Việt, Toán, ngoại ngữ) và các môn tự chọn phải hoàn thành trong cả cấp học với số lượng 8 môn trong một năm. Đặc biệt từ năm sau, Bộ GD&ĐT có thể giao cho TP HCM quyền công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh.

Bộ trưởng đồng ý quan điểm chấm dứt học, dạy thêm

Nhắc đến Thông tư 30 mà dư luận quan tâm thời gian gần đây, ông Nhạ cho biết dựa vào điều kiện từng trường từng lớp, giáo viên sẽ chủ động đánh giá nhận xét, linh hoạt.

Sau khi Bí thư Đinh La Thăng chỉ đạo giám đốc Sở GD&ĐT về việc chấm dứt hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết ông rất đồng tình.

"Việc dạy, học thêm ở nhà trường có thu tiền là động cơ của tiêu cực trong giáo dục. Bộ sẽ sớm triển khai quy định chấm dứt ngay việc này trên cả nước”, ông Nhạ nói.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng các đề xuất của TP đều có cơ sở. Tùy điều kiện, đặc thù của các địa phương để có những quy định riêng, như vậy mới thúc đẩy được sự phát triển giáo dục. Sắp tới, Bộ GD&ĐT xem xét giao cho các địa phương chủ động công nhận tốt nghiệp THPT.

Bộ trưởng yêu cầu TP cần có đề án tổng thể phát triển giáo dục đến năm 2020, tầm nhìn 2025. Trong đó, có những nội dung chung cả nước vẫn thực hiện, những nội dung triển khai chưa đồng bộ sẽ được tạo điều kiện thí điểm.

Với đề án này, nhóm quy hoạch rất quan trọng trong việc phát triển chung của toàn TP. Bộ GD&ĐT ủng hộ chủ trương di dời các trường ĐH ra khu vực ngoại thành để có điều kiện xây dựng tốt hơn cho sinh viên.  

Về định hướng phát triển thời kỳ hội nhập, Bộ trưởng GD&ĐT yêu cầu lãnh đạo TP cần quan tâm hơn các chương trình giảng dạy Tiếng Anh, thu hút giáo viên nước ngoài đến giảng dạy, xây dựng khung chương trình đào tạo chuẩn quốc tế để học sinh có cơ hội tiếp cận mặt bằng chung nền giáo dục trong khu vực.

Liên quan các vấn đề lùm xùm, kiện tụng của hai trường ĐH Hoa Sen và ĐH Hùng Vương, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hứa sẽ phối hợp lãnh đạo TP HCM và các ban ngành để sớm có hướng giải quyết, tránh làm ảnh hưởng tâm lý và quyền lợi của sinh viên. Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích các trường đại học, cao đẳng công lập sớm tự chủ chương trình, tài chính để phát triển.

Cũng tại buổi làm việc này, Bí thư Đinh La Thăng yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Hồng Sơn chấn chỉnh, nghiêm cấm tình trạng dạy, học thêm ở trường ngay trong năm học 2016-2017. Các trường phải phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi nhưng không được dạy trong trường.

“Chuyện dạy, học thêm tôi rất hoan nghênh, nhưng chúng ta phải mở các trung tâm, doanh nghiệp đào tạo, khi đó ai có nhu cầu đến đăng ký dạy, học sinh đến đăng ký học”, ông Thăng nói.

Bí thư Đinh La Thăng chỉ đạo tuyệt đối không dạy, học thêm

Làm việc với lãnh đạo Bộ GD&ĐT sáng 7/6, Bí thư Thành ủy TP HCM chỉ đạo Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Hồng Sơn chấn chỉnh, nghiêm cấm tình trạng dạy thêm, học thêm trong năm học tới.


Phước Tuần

Bạn có thể quan tâm