“Vì thế, sắp tới, Bộ sẽ xét giáo viên giỏi dựa vào quá trình dạy học. giáo viên giỏi sẽ không chỉ đánh giá qua một giờ dạy mà cần xét cả quá trình và có ra tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng”, ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo Cán bộ Quản lý (Bộ GD&ĐT), nói.
Giáo viên phản ánh nhiều vấn đề tới lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Ảnh: Tiền Phong. |
Trước đó, một số giáo viên trong số 63 giáo viên tiêu biểu đang giảng dạy học sinh dân tộc thiểu số được lựa chọn tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2019 đã phản ánh với lãnh đạo Bộ GD&ĐT về những áp lực khi phải tham dự nhiều cuộc thi giáo viên giỏi cũng như viết đề tài sáng kiến.
Theo cô Lương Thị Hòa, giáo viên Trường tiểu học và THCS Cao Sơn (Hòa Bình), cần giảm bớt gánh nặng các cuộc thi học sinh giỏi để giáo viên dành thời gian đứng trên bục giảng.
Cô Hòa dẫn chứng năm 2017, trong vòng một tháng, bản thân cô tham gia 4 cuộc thi giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh môn Âm nhạc và thi Tổng phụ trách Đội giỏi. Áp lực từ 4 cuộc thi khiến cô giảm 10 kg. Nhiều đồng nghiệp cũng chia sẻ họ gặp nhiều áp lực khi phải tham gia các kỳ thi như vậy.
“Đầu tiên là áp lực thành tích, có khi là thành tích thật nhưng cũng có khi là thành tích không có thật”, cô Hòa nói, đồng thời cho biết giáo viên vùng khó khăn chỉ muốn dành thời gian đứng lớp với học sinh.
Cô Nguyễn Thị Thoa, trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Minh Phát, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) cũng cho rằng, ngoài áp lực dạy học, giáo viên hiện nay cũng tham gia nhiều cuộc thi, sáng kiến kinh nghiệm.
Cô Thoa chia sẻ, 8 năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua là 8 năm viết sáng kiến kinh nghiệm, trong khi nhiệm vụ của cô chủ yếu là đứng lớp và làm công tác Đội.
"Trên thực tế, có những đồng nghiệp là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh nhưng do không có kinh nghiệm viết sáng kiến cũng bị đánh trượt danh hiệu thi đua", cô Nguyễn Thị Thoa trăn trở.