Sinh năm 1955, NSƯT Vũ Huy là là họa sĩ thiết kế của Hãng phim truyện Việt Nam. Ông là một trong những họa sĩ thiết kế hàng đầu của điện ảnh Việt, từng làm rất nhiều bộ phim lịch sử nổi tiếng như Ngã ba Đồng Lộc, Ký ức Điện Biên, Đêm hội Long Trì… và hai bộ phim nước ngoài quay tại Việt Nam là Người Mỹ trầm lặng và Đông Dương.
Lần này, ông lại có cơ hội tham gia thiết kế bối cảnh cho đoàn phim Hollywood Kong: Skull Island.
Họa sĩ - NSƯT Vũ Huy. |
- Đoàn làm phim Hollywood đã liên hệ với ông như thế nào?
- Tôi từng làm thiết kế mỹ thuật với nhiều phim nước ngoài như Đông Dương, Người Mỹ trầm lặng... nên có thể họ đã nghe tiếng và liên hệ trực tiếp.
Tôi nhận được lời mời từ trước Tết và bắt tay vào làm đã hơn 1 tháng. Công việc thiết kế mỹ thuật và dàn dựng bao giờ cũng phải làm trước.
- Đoàn làm phim có yêu cầu gì với công việc của ông?
- Họ không có yêu cầu gì đặc biệt. Chỉ là bản vẽ, câu chuyện của họ như thế, họ cần làm thế này thì mình làm thôi. Chuyên môn làm phim, nhất là kỹ thuật đã mang tính quốc tế rồi.
Họ mời mình vì về vật liệu, có những cái họ không quen như tre, nứa, dây, lạt, tập tục,...
Câu chuyện của Kong: Skull island cũng đơn giản. Nó không phải là câu chuyện như Người Mỹ trầm lặng hay Đông Dương - những bộ phim chuyển thể có tính nghệ thuật cao. Kong: Skull island là dạng phim bom tấn giải trí, với độ chuyên nghiệp và tiền đầu tư lớn.
- Với những gì ông đã trải nghiệm thì làm bối cảnh cho một bộ phim của Mỹ có gì khác so với phim Việt?
- Nếu nói về bối cảnh thì cũng như Việt Nam. Thậm chí, quy mô bối cảnh của Kong: Skull island còn không bằng một số phim Việt. Người Mỹ trầm lặng cũng có những bối cảnh rất lớn tại Hội An.
Với Kong: Skull island, trong thung lũng rất đẹp ở Ninh Bình, bốn bề là núi đá, xung quanh là nước, họ dựng khoảng 17 - 18 cái lều bằng tre. Về quy mô nó chỉ có thế, sau họ sẽ vẽ 3D, bổ sung các yếu tố khác.
Ngoại trừ một số phim kinh phí lớn của nhà nước như Ngã ba Đồng Lộc, Ký ức Điện Biên, Việt Nam quá tiết kiệm trong việc làm bối cảnh. Các nhà làm phim trong nước hay tận dụng những cái có sẵn còn ê-kíp Hollywood thì không. Họ tự làm hết, nghĩ cái gì làm cái đấy.
- Bối cảnh Việt Nam có vai trò như thế nào trong Kong: Skull island?
- Theo kịch bản, bối cảnh quay ở Việt Nam là một ngôi làng có nền văn minh khá rực rỡ. Nhưng vì bị những con vật khổng lồ phá hoại, người dân phải lui về sống trong những chiếc lều. Tôi được biết có khoảng 200 diễn viên quần chúng sẽ vào vai cư dân nơi đây.
Nghĩa là bối cảnh chỉ có tác dụng với nội dung. Còn về phía nhân sự Việt Nam thì chúng tôi giúp họ dựng bối cảnh theo đúng ý và đúng tiến độ.
- Theo ông, khi Kong: Skull island ra rạp, dấu ấn Việt Nam sẽ thể hiện thế nào?
- Đây là bối cảnh cho một câu chuyện mang tính ước lệ, sáng tác. Những cái lều đó không mang đặc trưng của dân tộc nào. Quần áo, phục trang cũng là sản phẩm của trí tưởng tượng.
Đó không phải con người Việt Nam, mặc quần áo Việt Nam, họ cũng không quay nguyên bản một chỗ mà còn dựng 3D nên tôi chắc chắn bạn sẽ không nhận ra được.
Bạn chỉ biết đó là một thung lũng với núi đá, sông nước, rừng cây, không có tính đặc thù. Ví dụ quay chùa Một Cột hay vịnh Hạ Long bạn còn có thể nhận ra. Chứ ở đây, nếu không nói quay ở Ninh Bình thì cũng khó ai có thể biết.
Bối cảnh này hoàn toàn khai thác cảnh quan thiên nhiên chứ không có yếu tố Việt Nam.
Cảnh đẹp của Ninh Bình xuất hiện trong Pan - bộ phim Hollywood ra mắt năm 2015. |
- Sau những lần hợp tác với nước ngoài, anh học hỏi được gì?
- Bình thường, cứ nói đến nước ngoài là mọi người lại nghĩ tới việc học hỏi. Nhưng trên thực tế, điện ảnh Việt Nam trước đây có những phẩm chất như nước ngoài. Ví dụ như chỉ cách đây 15 - 20 năm với những thế hệ đạo diễn vàng học ở Nga ở Pháp về như Hải Ninh thì không khác đâu. Nó chỉ khác ở tiền đầu tư và phân công lao động.
Họ phân công công việc, chuyên môn hóa đến từng chi tiết. Ví dụ như ở đây, có anh chàng trẻ, đẹp trai, cao to, trông như diễn viên điện ảnh, nhưng việc của cậu ấy chỉ là khi bọn tôi đến làm thì bê 2 cái máy nổ ra, khởi động và cắm máy khoan vào. Ai làm gãy mũi khoan thì chỉ cậu ấy mới có quyền thay. Vì cậu ấy có bằng sử dụng cái máy đó. Bất cứ một người đàn ông 30 tuổi nào ở Việt Nam đều có thể tự tháo lắp được mũi khoan nhưng ở đây thì chỉ có cậu ấy mới được lắp. Mọi người có gãy thì cứ để đó cho cậu ấy thay.
Đoàn làm phim Kong: Skull island đông kinh khủng. Cái gì họ cũng mang sang. Không gian bối cảnh còn nhỏ hơn chỗ để đồ phục vụ làm phim.
Chính vì thế, có những cái muốn học cũng không học được. Tiền đầu tư của họ tới hàng trăm triệu USD. Mình chỉ có thể ngạc nhiên.
Với cá nhân tôi là không học được gì, chỉ phục vụ họ thôi.
- Ông có đánh giá như nào trước việc các đoàn làm phim nước ngoài vào Việt Nam?
- Tôi nghĩ, Việt Nam nên mở cửa cho các đoàn làm phim nước ngoài. Vì mình là một thị trường rất tốt về bối cảnh. Không phải vấn đề lao động rẻ mà là thiên nhiên của mình đẹp, biển có, thành phố cổ có, có những cái mà thế giới chưa bao giờ nhìn thấy.
Nhưng khó khăn của mình vẫn là sự cho phép. Có nhiều khâu gây khó khăn cho các đoàn phim nước ngoài.
Như với Kong: Skull island, họ có những thiết bị bị hải quan giữ hàng tuần, gây khó dễ. Như thế ảnh hưởng đến kế hoạch của họ. Những điều đó có thể làm họ không muốn vào Việt Nam nữa.
Sự có mặt của các đoàn phim nước ngoài rất có lợi cho Việt Nam. Như Kong: Skull island, họ tiêu 16 triệu USD khi đến đây thì rõ ràng rất tốt cho người lao động. Và nếu các bạn trẻ có cơ hội làm phim cùng thì cũng là cơ hội mở mang rất tốt.
Số lượng đoàn phim nước ngoài vào Việt Nam nhiều hơn, thường xuyên hơn thì cơ hội học tập sẽ cao hơn. Trình độ chuyên nghiệp hóa được nâng cao. Hiện nay quá ít nên chưa bõ để học.