Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (mã chứng khoán BID) vừa có báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ là ông Đoàn Ánh Sáng, Phó tổng giám đốc.
Theo đó, ông Sáng đã hoàn tất bán ra hơn 250.000 cổ phiếu BID trên tổng số 269.573 cổ phiếu nắm giữ với mục đích chi tiêu cá nhân. Sau giao dịch, ông Sáng chỉ còn sở hữu khoảng 19.573 cổ phiếu BID.
Được biết, giao dịch thực hiện theo phương thức khớp lệnh trên sàn và diễn ra từ ngày 7/3 đến 7/4. Trong giai đoạn này, thị giá cổ phiếu BID dao động quanh ngưỡng 40.000 đồng/cổ phiếu, tương đương số tiền vị lãnh đạo này thu về vào khoảng 10 tỷ đồng.
Ông Đoàn Ánh Sáng, Phó tổng giám đốc BIDV, là một trong số những lãnh đạo ngân hàng có liên quan tới vụ án Phạm Công Danh. Ảnh: BIDV. |
Trên thị trường, BID là một trong những cổ phiếu ngân hàng có đà tăng trưởng mạnh nhất từ cuối năm 2017 đến nay. Nếu tính từ đầu năm 2018 đến nay, BID đã tăng hơn 55% thị giá từ mức 27.000 đồng/cổ phiếu lên 42.000 đồng hiện nay (13/4). Còn tính từ giữa năm 2017, thị giá cổ phiếu đã tăng hơn gấp đôi.
Ông Đoàn Ánh Sáng cũng chính là một trong số các lãnh đạo BIDV có liên quan tới khoản vay trị giá 700 tỷ đồng với bên Phạm Công Danh theo gói 4 nhà (cho vay thông qua ngân hàng liên kết).
Theo đó, tại thời điểm BIDV cho nhóm liên quan Phạm Công Danh vay tiền, ông Sáng đang là Phó tổng giám đốc phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp tại hội sở chính BIDV và là Chủ tịch phân ban rủi ro, Thành viên ban tín dụng.
Từng xác nhận tại phiên tòa diễn ra đầu năm 2018, ông Sáng cho biết cá nhân ông có tham gia gói cho vay 700 tỷ liên quan ông Phạm Công Danh, trong đó, vai trò của BIDV là cho vay để hỗ trợ giảm tồn kho. Trong quá trình cho vay, ông cũng từng làm cùng nhiều người, còn trường hợp tại VNCB (tiền thân của CBBank hiện nay) thì khi ông làm việc với Phạm Công Danh và khi thì làm việc với Phan Thành Mai.
Tuy nhiên, ông Sáng xác nhận chưa bao giờ gặp riêng Phạm Công Danh để bàn bạc. Chỉ khi thực hiện gói 4 nhà và phân ban rủi ro xử lý hồ sơ ông mới có làm việc, trên cơ sở hội sở duyệt chủ trương.
Mới đây, BIDV cũng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2017 và ghi nhận giảm 135 tỷ đồng lợi nhuận, xuống còn 8.665 tỷ so với báo cáo tự lập trước đó.
Nguyên nhân kéo lợi nhuận ngân hàng giảm là các khoản mục thu nhập lãi thuần, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh sau kiểm toán bị điều chỉnh giảm từ 8 đến 66 tỷ.
Trong khi đó, chi phí hoạt động lại bị điều chỉnh tăng thêm 136 tỷ đồng (tương đương tăng 0,88%), lên 15.504 tỷ đồng, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của BIDV giảm 203 tỷ đồng (tương đương giảm 0,86%), xuống còn 23.512 tỷ đồng.
Nguồn: VNDirect. |