Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sếp có nên ép nhân viên bật camera khi họp trực tuyến

Đại dịch Covid-19 thổi bùng cuộc tranh luận nên bật hay tắt camera khi họp trực tuyến trong giới văn phòng.

Một phụ nữ làm việc tại New York nói với CNN rằng cô lần đầu bị nhân sự nhắc nhở trong sự nghiệp vì không bật camera khi họp trực tuyến. Không lâu sau đó, cô tiếp tục bị cảnh báo vì điều tương tự.

"Tôi họp với 15 đồng nghiệp và được yêu cầu bật camera. Họ giải thích rằng đó là chính sách và sẽ là một phần văn hóa của công ty từ bây giờ", người phụ nữ giấu tên cho biết.

Tuy nhiên, cô không muốn xuất hiện trước ống kính và sau đó có giấy xác nhận từ bác sĩ về chứng lo âu khi ở trước camera.

Cuối cùng, công ty yêu cầu cô bật camera nhưng có thể ngồi ngoài khung hình, chỉ để lộ vai. Nhưng điều này càng khiến nữ nhân viên thêm khó xử. Cô quyết định tìm công việc mới.

Đây không phải trường hợp đầu tiên phải vật lộn với những cuộc họp từ xa trong thời kỳ dịch bệnh. Nhiều người lao động đã mô tả việc bật camera trong các cuộc họp khiến họ khó tập trung, cảm thấy khó chịu như thể đang phát sóng cuộc sống riêng tư của mình.

bat camera khi hop truc tuyen anh 1

Các cuộc họp trực tuyến trở nên phổ biến trong bối cảnh dân văn phòng làm việc từ xa vì dịch bệnh. Ảnh: Reuters.

Mệt mỏi vì Zoom

Lydia Mack, người viết quảng cáo cho các thương hiệu và công ty khởi nghiệp ở Los Angeles, cho biết cô luôn tắt webcam trong các cuộc gọi với khách hàng và đồng nghiệp để tập trung tốt hơn.

Nhưng cô cũng nhận thấy mặt trái của hành động này. "Nếu đó là một cuộc họp nhóm và tôi là người duy nhất tắt camera trong khoảng thời gian dài, điều đó cũng có thể gây mất tập trung đối với những người khác và khiến họ tự hỏi liệu tôi có nghe thấy cuộc trò chuyện không".

Đại dịch bùng phát, các dịch vụ như Zoom, Webex, Microsoft Teams và Skype không chỉ giới hạn ở các cuộc họp ảo, học trực tuyến mà còn dành cho những bữa tiệc hóa trang, buổi lễ nhà thờ, bữa ăn trưa, câu lạc bộ sách, hẹn hò...

Nhưng chuỗi ngày cô lập, giãn cách kéo dài, ngày càng nhiều người cảm thấy kiệt sức vì các cuộc họp từ xa, một hiện tượng được khái quát thành khái niệm Zoom fatigue (mệt mỏi vì Zoom).

bat camera khi hop truc tuyen anh 2

Việc giao tiếp thường xuyên trên các nền tảng trực tuyến trong thời gian giãn cách xã hội khiến nhiều người mệt mỏi. Ảnh: Forbes.

Allison Gabriel, giáo sư tại Đại học Arizona, đồng tác giả về một nghiên cứu về các cuộc họp online qua Zoom, cho biết phụ nữ và nhân viên mới là hai đối tượng chịu áp lực lớn nhất nếu nhân viên bị buộc phải bật camera lúc họp.

"Phụ nữ có khả năng cảm thấy áp lực phải chứng tỏ năng lực bằng cách tỏ ra cảnh giác trước ống kính. Ngoài ra, phụ nữ thường khó tập trung vì chịu phần lớn trách nhiệm chăm sóc con cái khi ở nhà. Họ cũng dễ stress vì bị đánh giá ngoại hình.

Còn các nhân viên mới cảm thấy áp lực lớn hơn trong việc chứng minh năng lực. Họ cảm thấy mình cần phải thể hiện rằng bản thân xứng đáng có mặt ở đó", Gabriel nói.

Nghiên cứu của Gabriel kết luận tắt camera khi họp giúp nhân viên đạt năng suất công việc cao vì họ có thể tập trung vào nội dung. Điều này trái với suy nghĩ rằng người không mở camera có thể đang làm những thứ không liên quan tới công việc.

Giải pháp

Các doanh nghiệp ở Mỹ như Citigroup, Dell và Đại học New York đã thực hiện chính sách "không Zoom vào các ngày thứ 6", khuyến khích mọi người trao đổi công việc qua email hoặc điện thoại.

Một số trường đại học cũng không bắt buộc giảng viên và sinh viên phải bật webcam trong giờ học.

bat camera khi hop truc tuyen anh 3

Một số nhân viên cảm thấy stress khi bị buộc phải bật webcam lúc họp trực tuyến. Ảnh: Shutterstock.

Julia Raz, giáo sư truyền thông của hai trường cao đẳng tại California, cho biết: "Sinh viên học trực tuyến ở nhiều môi trường khác nhau, bắt buộc bật camera sẽ chỉ phóng đại sự không công bằng, khác biệt về xã hội và kinh tế.

Tôi không cho rằng tắt webcam sẽ gây mất tập trung, nhưng cũng thật cô đơn khi nói trước màn hình đầy những khung hình màu đen".

Jeremy Bailenson, giáo sư truyền thông tại Đại học Stanford và là người đầu tiên thực hiện nghiên cứu về Zoom fatigue, khuyên các nhà quản lý nên chia họp từ xa thành hai loại: những cuộc họp cần nhìn thấy mặt nhau và những cuộc họp chỉ cần nghe giọng nói.

"Yêu cầu bật webcam cũng tương tự như việc hỏi nhân viên có muốn giúp sức cho một dự án lớn vào cuối tuần hay không. Nhiều người sẽ không muốn làm điều đó, nhưng tất cả đều cảm thấy áp lực phải nói có. Giải pháp tốt nhất là chỉ bắt buộc bật camera khi thực sự cần thiết mà thôi", giáo sư Bailenson giải thích.

Công ty Nhật Bản giúp nhân viên hẹn hò trong đại dịch

Khi đại dịch hạn chế cơ hội gặp gỡ giữa mọi người, các ông chủ Nhật Bản giúp nhân viên đăng ký ứng dụng hẹn hò với hy vọng tình yêu công sở sẽ thúc đẩy năng suất lao động.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm