Người đến người đi, người lạ, rồi quen, rồi lại thành xa lạ. Thế giới ảo này cũng lắm cuộc hợp tan.
Muốn lợi sẽ có cái lợi
Ban đầu, tôi tạo FB rồi bỏ đó, kết bạn với một vài người nhưng cũng chả liên lạc với ai, chẳng biết viết gì lên đó... rồi sau tôi bắt đầu nói linh tinh lý sự này nọ, phần lớn chỉ là trích dẫn mấy câu hay hay đọc được, lâu lâu cũng post tấm hình, được mười mấy like, cũng vui.
Tôi không hay chụp ảnh, cũng không đi đâu sang chảnh, hay ăn đồ ngon, đồ đẹp nên chẳng có nhiều thứ đưa lên FB như người ta. Có khi vài ngày mới vô FB một lần, không biết nói gì lại thoát ra để làm việc khác. Hồi đó FB là thứ không còn chuyện gì làm mới đụng tới.
Dần dần tôi dùng FB làm kênh chia sẻ suy nghĩ của bản thân và quan sát người khác. Qua thời gian lặn lội, làm admin vài group lớn, rồi chuyển qua làm page, tôi được tiếp xúc với nhiều người thú vị, thậm chí gặp thần tượng của mình - người có lẽ chẳng bao giờ trong đời mình được gặp nếu không có FB...
Với tôi, đó là những cái lợi lớn mà FB mang lại: được gặp gỡ bạn bè khắp nơi, được rèn luyện, chia sẻ suy nghĩ của mình, được học hỏi và được quan sát nhiều người khác nhau. Tôi dùng 20% thời gian lên FB học hỏi, 30% thời gian cập nhật tin tức và 50% thời gian còn lại quan sát những người dùng FB khác xung quanh mình.
Với những người khác, tùy vào mục đích sử dụng FB, họ còn có thể có những lợi ích khác - như bán hàng online, quảng bá thương hiệu...
Bên cạnh những lợi ích đó cũng có một số điều tai hại và khó chịu.
Nhiều người nói FB mất thời gian, tôi lại thấy ngược lại: do mình dư thời gian mới vào FB. Với tôi, rảnh rỗi cũng không phải là cái tội.
Nếu có việc để làm thì làm. Còn nếu rảnh, thì không lên FB ta cũng làm chuyện linh tinh khác thôi, có khi còn hại hơn. Nên nếu bạn thấy FB mất thời gian quá thì cứ tìm việc gì khác hay hơn, hứng thú hơn để làm trong thời gian đó, trước khi nghĩ đến chuyện "cai" FB, bảo đảm thành công.
Like và share, ráng không làm "mồi" cho các loại nhảm
Cái hại tôi muốn nói là tính lan tỏa của FB quá nhanh và rộng. Với nhiều nội dung tốt xấu lẫn lộn, thật giả khó phân đi kèm tốc độ cao như vậy, người dùng FB phải đối mặt với nguy cơ “ngộ độc thông tin” rất cao.
Hồi đó tôi rất hay chửi những thứ chướng tai gai mắt, như Ai đi qua để lại tim, 1.000 like cho em bé châu Phi khốn khổ, Không share là không có trái tim cho tới những clip chửi nhau, đánh nhau, clip hành hạ động vật… Nhiều lúc rất lấy làm khó hiểu vì sao có những thứ rất nhảm, bậy bạ, tào lao vẫn có nhiều người like, share đến vậy. Riết rồi nhiều quá chửi không xuể, kể không hết.
Mấy kiểu câu like, câu share cũng nhiều hình thức, nhiều cấp độ lắm, từ nhảm lộ tới nhảm ngầm: nhảm lộ là những kiểu vừa kể trên, ai cũng biết nó nhảm mà rất nhiều người vẫn share. Còn nhảm ngầm là loại cần trình độ cao hơn.
Gần đây, tôi thấy bạn bè share bài viết trên FB của một anh nọ, cũng hot, phát biểu vài ý về chuyện “đàn ông nên thế này, đàn bà phải thế kia”, nhưng với cách lập luận và ngôn từ có tính gây sốc rất cao, mà tôi hay gọi nôm na là “chọc chúng chửi”. Vốn tôi rất thích những người suy tư, chia sẻ này nọ nhưng tôi cực kỳ dị ứng với hai dạng người: một là ăn cắp, hai là gây sốc chỉ để câu share, câu chửi.
Anh này lại nằm trong cả hai trường hợp trên. Xem qua bài anh viết và một số bài khác một lúc tôi mới nhận ra điều đó. Cách đây hơn một năm tôi từng ghé qua FB anh, vì lúc đó anh ăn cắp bài của người ít nổi tiếng để post và nhận là bài của anh. Sau một trận chiến bàn phím gay go, anh thua cuộc, xóa bài, xin lỗi.
Mãi đến nay tôi mới lại thấy anh. Anh vẫn còn hot, trình độ post status cũng điêu luyện hơn xưa, hình như ảnh đã biết cách tự viết status, không cần đi copy y nguyên rồi nhận mình viết nữa.
Phong cách của anh vẫn nhất quán như xưa: bám sát thời sự, thấy tin gì hot, người nào hot là đem ra bình phán theo lối tư duy "rất lạ" kiểu khen người xấu, chửi người tốt... đi ngược dư luận, kiểu vậy.
Mấy bài như vậy cũng được vài trăm share, cả nghìn like... và vài trăm comment phản biện hay ủng hộ. Tôi không tranh luận với những trường hợp ngụy biện, nên chỉ xem đây là một trong nhiều thể loại nhảm ngầm, rồi thôi.
Nhưng ngược lại rất nhiều người sa đà vào tranh luận, công kích… làm cho lượt like và share của anh tăng rõ rệt.
Vậy mới thấy, trên FB không cần biết anh đúng hay sai, giỏi hay dở, thiện hay ác... chỉ cần anh tiếp cận đúng đối tượng có cùng sở thích với những gì anh thể hiện, anh sẽ được ủng hộ và những điều anh muốn lan truyền sẽ được lan truyền.
Với những người vô tâm, không suy nghĩ nhiều... thì đơn giản mình sẽ trở thành công cụ cho sự lan truyền đó.
Còn những người chịu suy nghĩ chút ít, sẽ cảm thấy hoang mang, không biết sai hay đúng, hoặc cảm thấy tuyệt vọng vì FB đầy những thứ nhảm nhí, tào lao.
Facebook là mạng xã hội, nó vừa có yếu tố “người” vừa có yếu tố “mạng”. Internet là nơi thông tin vô cùng phong phú, đa chiều và cũng có thể rất độc hại, hay ít nhất là phí phạm thời gian.
Bởi vậy tham gia Facebook hay sử dụng Internet mỗi người đều cần tự xây dựng cho mình “bộ lọc” tùy theo mục đích, hoàn cảnh, sở thích của riêng mình.
Trước khi tiếp nhận hay chia sẻ thông tin nào đó, cần suy nghĩ về nó nhiều hơn, tra cứu những nguồn tin khác, đọc từ nhiều nguồn khác nhau và đừng tin đừng share quá nhanh. FB hay Internet có rất nhiều cái hay để xem, để học, nếu ta chừa hết những cái dở ra.
Nếu ta thấy FB nhảm và chán, thấy cuộc đời buồn và đầy người xấu, thì phải chăng đó là những thứ ta thường xuyên tiếp xúc, tìm kiếm, chia sẻ?
Để FB vui vẻ và bổ ích, tốt đẹp hơn, ta nên add friend những bạn vui vẻ, xinh đẹp, follow những người dễ mến, thông thái để học hỏi những điều hay hàng ngày.
Quan trọng hơn, mỗi người chúng ta nên hành động như câu nói của Mahatma Gandhi: "Be the change that you wish to see in this world" (Hãy trở thành sự thay đổi bạn mong muốn nhìn thấy ở thế giới này).
Hãy là một phần của thế giới bạn muốn được sống trong đó.
Hãy tìm kiếm điều bạn muốn thấy.
Hãy chia sẻ những điều tốt đẹp.
Đừng sống nhảm, thế giới của bạn sẽ không nhảm. Đó là mấy điều tôi tự răn mình mỗi lần lên Facebook.