Tập 4 chương trình Shark Tank Việt Nam, phát sóng ngày 14/8, màn gọi vốn của doanh nghiệp xã hội Revival Waste - đơn vị chuyên thu gom, tái chế rác thải - nhận được nhiều sự chú ý.
Theo đó, Revival Waste với founder Bình kêu gọi 1 tỷ đồng cho 10% cổ phần.
Hoạt động chính của doanh nghiệp này bao gồm: Thu hồi, phân loại rác thải, tư vấn giải pháp về rác thải cho các đơn vị.
Ngoài việc giới thiệu về công ty, founder Bình đưa ra nhiều con số đáng báo động liên quan đến rác thải Việt Nam. Điển hình như mỗi năm, Việt Nam đang thải ra 20 triệu tấn rác và chỉ 10% số đó được thu hồi, tái chế; 90% còn lại đang đi vào bãi trung lấp hoặc nằm đâu đó ở môi trường tự nhiên.
Doanh nghiệp xã hội Revival Waste với founder Bình kêu gọi 1 tỷ đồng cho 10% cổ phần. Ảnh: Shark Tank Việt Nam. |
Theo lời founder Bình, Việt Nam đang đứng thứ 4 thế giới về số lượng rác thải nhựa ra biển nhưng 80% nhà máy tái chế nhựa trong nước đang phải nhập khẩu rác nhựa để vận hành sản xuất.
"Đây là con số rất kỳ lạ", ông Bình nói.
Revival Waste ra đời với hy vọng kết nối các nguồn rác thải của chính quyền, nhãn hàng, nhà máy tái chế để các bên liên quan có thể cùng nhau giải quyết vấn đề này.
Founder Bình cho biết, Revival Waste sẽ cung ứng mô hình khép kín: Rác được phân loại tại nguồn rồi đi thẳng tới nhà máy tái chế.
Thu nhập doanh nghiệp đến từ việc bán rác thải, chi phí tư vấn cho các đơn vị.
Phần lớn Shark đều cho rằng vấn đề rác thải ở Việt Nam ngày càng đáng báo động còn quy mô doanh nghiệp Revival Waste rất nhỏ, không "nhằm nhò" với thực trạng hiện tại.
Hơn nữa, ở mỗi tỉnh thành đều đã có các công ty về môi trường nhưng câu chuyện tái chế rác vẫn chưa được xử lý triệt để.
Shark Liên cho biết bà rất thích ý tưởng của doanh nghiệp này và đưa ra lời đề nghị góp 1 tỷ với 50% cổ phần. |
Cuối màn gọi vốn, Shark Liên cho biết bà rất thích ý tưởng của doanh nghiệp này và đưa ra lời đề nghị góp 1 tỷ với 50% cổ phần.
Sau khi thỏa thuận với cổ đông, founder Bình đưa ra con số 1 tỷ cho 49% cổ phần và nhận được sự đồng ý của Shark Liên.
"Bà ngoại" cũng nói thêm không mong muốn được chia lợi nhuận. Nếu có, bà sẽ dùng toàn bộ số tiền này để giúp đỡ cộng đồng. Theo Shark Liên, môi trường có được giải quyết hay không trước tiên phải bắt nguồn từ ý thức của từng người dân và Revival Waste phải làm được điều này.
Shark Thủy dành lời khen cho ý tưởng của Revival Waste. Dù không đầu tư nhưng "cá mập" này ngỏ ý làm đối tác với founder Bình.
Shark Hưng không đầu tư vì cho rằng mô hình Revival Waste còn rất nhỏ, phương án để xử lý vấn đề của doanh nghiệp cũng không thuyết phục.
Shark Hưng cho rằng mô hình còn nhỏ nên quyết định không đầu tư. |
Shark Việt đưa ra gợi ý rằng founder Bình nên tận dụng khả năng viết lách của mình để xây dựng nội dung kêu gọi vốn đầu tư từ nhiều nguồn. Ông không đầu tư vì cho rằng Revival Waste đang đi sai con đường.
Sau khi chương trình phát sóng, nhiều người dành lời khen cho ý tưởng của founder Bình. Bởi trước đó, ở chương trình Shark Tank có không ít các doanh nghiệp tái chế rác thải tham gia kêu gọi vốn nhưng thường bị từ chối.
Revival Waste được đánh giá là doanh nghiệp sáng tạo với sự dẫn dắt của founder giàu tình yêu với môi trường.
Số đông mọi người kỳ vọng với sự hợp tác giữa Shark Liên và founder Bình thì Revival Waste sẽ thành công, vấn đề rác thải ở Việt Nam sẽ được giải quyết.
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng với quy mô hiện tại, Revival Waste cần phải cố gắng rất nhiều mới có thể đạt được mục tiêu tới năm 2030, 100% rác thải sinh hoạt tại Việt Nam được xử lý đúng.