Genre: Siêu anh hùng, Hành Động, Phiêu Lưu
Director: David F. Sandberg
Cast: Zachary Levi, Asher Angel, Jack Dylan Grazer, Adam Brody, Helen Mirren, Lucy Liu, Rachel Zegler, Djimon Hounsou,…
Rating: 6/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Shazam! Cơn thịnh nộ của các vị thần (tựa gốc: Shazam! Fury of the Gods) là bộ phim siêu anh hùng dựa trên nhân vật gốc Shazam của DC Comics. Đây là dự án điện ảnh thứ 12 của Vũ trụ Mở rộng DC (DCEU), đồng thời là phát súng khởi động của hãng trong năm 2023.
Trải qua nhiều lần thay đổi, Shazam: Fury of the Gods dự kiến ra rạp vào ngày 21/12/2022. Sau đó, dự án tiếp tục bị dời lịch chiếu sang ngày 17/3. Nhà sản xuất chưa đưa ra bất kỳ giải thích nào cho quyết định này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng hãng phim làm vậy để tránh đụng độ siêu bom tấn Avatar: The Way of Water của đạo diễn James Cameron.
Thương hiệu siêu anh hùng nhạt phai
Bộ phim lấy bối cảnh sau những sự kiện của phần tiền truyện ra mắt năm 2019. Billy Batson (Zachary Levi - Asher Angel) nay đã đến lứa tuổi thành niên. Cậu cùng các anh chị em đã dần thích nghi với các quyền năng của mình, tích cực sử dụng chúng để “giúp ích” cho xã hội.
Thời điểm này, ba người con gái của vị thần cổ đại Atlas - Hespera, Kalypso và Anthea - bất ngờ trỗi dậy. Họ chiếm lại cây quyền trượng, với mục đích hồi sinh nguồn pháp thuật, trả thù cho cha. Các thành viên trong nhóm Shazam phải hợp lực ngăn chặn âm mưu này, bảo vệ Trái Đất khỏi mối nguy hại diệt vong.
Các siêu anh hùng trẻ phải đối diện với cơn thịnh nộ của 3 nữ thần. |
Bốn năm kể từ khi phần 1 khởi chiếu, thương hiệu Shazam đã ít nhiều nhạt phai trong tâm trí người xem. Những ấn tượng còn sót lại là một bộ phim siêu anh hùng theo hơi hướm hài, với những pha chọc cười nhờ thoại hoặc các tình tiết giải trí.
Trở lại với phần 2, phong cách đạo diễn David F. Sandberg không có nhiều xê dịch. Ông vẫn kể một câu chuyện đơn giản, bù lại, gia vị hài được cài cắm thường xuyên hơn. Thế nhưng, việc thiếu chủ động đổi mới biến Shazam 2 trở thành một bước lùi của chính ông. Tác phẩm an toàn, dễ đoán, không để lại ấn tượng mạnh mẽ xuyên suốt thời lượng 130 phút của phim.
Fury of the Gods mở đầu bằng cách giới thiệu trực tiếp tuyến nhân vật phản diện – Hespera (Helen Mirren) và Kalypso (Lucy Liu). Thông thường, phương pháp này được sử dụng nhằm báo hiệu tính nguy hiểm và cam go sắp diễn ra. Tuy nhiên, xuyên suốt khoảng thời gian sau đó, chuyện phim vẫn phát triển hết sức nhẹ nhàng, đánh mất sức hấp dẫn vì thiếu đi cao trào cần có.
Biên kịch “bỏ quên” nhân vật
Ngoài phong cách đạo diễn bất biến, sự hụt hơi trong khâu biên kịch là điểm trừ tiếp theo dành cho Shazam 2. Không phủ nhận cố gắng của Henry Gayden trong việc phân tách dự án này khỏi cái mác “phim có chiều sâu” như nhiều dự án trước đó của DC. Tuy nhiên, việc biến nó trở thành phim thuần giải trí cũng khiến sức nặng nhân vật và hệ thống tình tiết, sự kiện suy giảm đáng kể.
So với tiền truyện, các anh hùng trong Shazam! Fury of the Gods đã có khoảng thời gian đủ dài để làm quen với quyền năng của mình. Thế nhưng, cách mà họ sử dụng chúng vẫn quá ngô nghê trong phần 2. Với motif “san sẻ sức mạnh”, biên kịch vốn dĩ có thể phóng đẩy câu chuyện đi xa hơn thế, đặc biệt là về các màn kết hợp sức mạnh và trí tuệ của cả nhóm để chống lại kẻ thù.
Các tuyến nhân vật được triển khai thiếu hiệu quả trong Shazam! Fury of the Gods. |
Tuy nhiên, những gì khán giả chứng kiến chỉ dừng lại ở việc họ “vật lộn” trong mớ hỗn độn chính mình gây ra. Các chi tiết quen thuộc này được sử dụng với tần suất dày đặc. Thành thử, khán giả nhiều pha “quên mất” Shazam cùng 5 thành viên khác vốn là một nhóm siêu anh hùng, với quyền năng khổng lồ từ các vị thần thượng cổ.
Nhân vật chính - Billy Batson/Shazam - bị mất phương hướng trong chính series phim của mình. Ngay từ đầu phim, biên kịch đã nảy sinh ý tưởng “ném” cậu vào rắc rối khi đứng trước ngưỡng thách thức đổi đời: tuổi 18. Rõ ràng, chàng trai trẻ chưa sẵn sàng để sống độc lập, rời xa vòng tay gia đình cùng các anh chị em. Tuy nhiên, chi tiết giàu tiềm năng này lại bị biên kịch ngó lơ trong hồi hai. Vậy nên, những nỗ lực móc nối ở phần cuối tỏ ra hời hợt, không gợi được sự đồng cảm.
Chưa kể, tuyến phản diện của Shazam 2! cũng được xây dựng khá nửa vời. Từ động cơ, cho tới sự nhất quán trong suy nghĩ và hành động đều không được xử lý thỏa đáng. Việc một số archetype và trope quen thuộc được sử dụng lặp lại có thể trở thành con dao hai lưỡi với David F. Sandberg. Nó giúp ông lược bớt thời lượng xây dựng tính cách nhân vật, nhưng đồng thời lại khiến màn trình diễn của bộ ba phản diện trở nên kém thuyết phục.
Họ “trôi” khỏi dòng chảy mạch lạc của câu chuyện, để rồi “chết đuối” ngay từ giai đoạn cuối hồi 2 của bộ phim. Cú twist “nhẹ” tới từ vị trí của phản diện cũng vì vậy mà mất giá. Bởi, khán giả hoàn toàn đoán được chuyện gì sẽ xảy ra khi nhìn vào mâu thuẫn trong mối quan hệ ba chị em.
Giải trí – yếu tố cứu phim một bàn thua trông thấy
Gác lại những xước xát về kịch bản, Shazam! Fury of the Gods vẫn là một dự án siêu anh hùng không tệ, một món sorbet “refresh” khẩu vị khán giả khi thể loại siêu anh hùng “lạm phát” trong những năm qua. Không ngoa khi nhận xét đây là bộ phim giải trí bậc nhất vũ trụ điện ảnh mở rộng DC, thậm chí là trong dòng phim này nói chung.
Yếu tố giải trí là điểm thú vị lớn nhất mà hậu truyện Shazam mang lại. |
Điều này rõ ràng nằm trong tính toán của David F. Sandberg. Đạo diễn biết cách lựa chọn những tình tiết rất “đắt” để thu hút người xem, chứ không đơn thuần chỉ là hài nhảm. Nhiều phen, thượng đế ra rạp phải bật cười trước sự hài hước mà các nhân vật mang lại. Chúng không chỉ tới từ thoại, mà còn là sự ngô nghê hay rắc rối do những pha ẩu đoảng của các cô cậu mới lớn.
Đây là điểm “ăn tiền” nhất của thương hiệu Shazam, khiến siêu anh hùng này không thể “mờ”, dù còn “nhạt”.
Ngoài ra, Shazam! Fury of the Gods sử dụng những gam màu chủ đạo tươi sáng, khác biệt so với nhiều phim DCEU trước đó, chẳng hạn Black Adam. David F. Sandberg không “tiện tay” cài cắm những thông điệp sâu về xã hội hay chính trị - những thói quen đã “thành nếp” của nhà DC. Chính vì thế, phim dễ tiếp cận nhiều đối tượng khán giả hơn, không nặng nề, không mắc phải cái bẫy của việc sử dụng thông điệp khiên cưỡng, “cliché”.
Cuối cùng, hoạt họa trong phần 2 đã có sự tiến bộ, nhưng chưa thực sự đáng kể. Lẽ ra, phim có thể để lại ấn tượng tốt hơn nếu trận chiến cuối cùng được đẩy lên cao trào, bùng nổ và “khoe” kỹ xảo. Bù lại, soundtrack trong phim khá đã tai, giúp trải nghiệm giải trí của khán giả trở nên sống động hơn.
Tủ sách Điện ảnh - Truyền hình giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp điện ảnh, công nghệ truyền hình của Việt Nam cũng như thế giới. Ngoài ra, tủ sách còn giới thiệu các tác phẩm đáng đọc về các bộ phim, diễn viên, MC... nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới.