Theo Beijing Daily, một người họ Wang (Trung Quốc) kể vô tình tìm thấy một trang bán đồ cũ đang thanh lý những "hộp chuyển phát bí ẩn" có giá từ 10-30 nhân dân tệ (khoảng 33.000-100.000 đồng). Người bán quảng cáo rằng khi mua, khách sẽ không biết được mình nhận được gì, món hàng bất ngờ có thể là mũ, áo, kẹp tóc hay bất cứ thứ gì xinh xắn, thú vị.
"Nó giống như một trò chơi thử thách sự may mắn nhưng đáng đồng tiền bát gạo", trang mua bán này quảng cáo.
Liên hệ với người bán, phóng viên được biết những "đơn hàng thất lạc" hay "hộp đồ bí ẩn" được gom từ các điểm thu gom chuyển phát nhanh hoặc trạm chuyển phát tự vận hành. Những hộp hàng này vì nhiều lý do như quá thời gian giao, khách không nhận hàng... nên được đem lên mạng thanh lý.
Song câu hỏi lớn được dân mạng đặt ra là tại sao những món đồ này không được trả về cửa hàng hay giao lại cho khách theo đúng quy định kinh doanh mà bị rao bán online. Thực tế việc mua bán này là trái phép và nếu thông tin trên đơn hàng rơi vào tay kẻ xấu có thể gây nguy hiểm cho khách đặt mua ban đầu.
Những đơn hàng không giao cho khách, bị bán lại trên mạng với đầy đủ thông tin cá nhân. |
Hàng chưa giao đã bị coi là "thất lạc"
Theo thông tin Wang cung cấp, phóng viên của Beijing Daily đã tham gia vào sàn giao dịch bán hàng cũ nói trên. Chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm, có thể thấy rất nhiều người bán và vô số các món hàng khác nhau.
Khi được hỏi liệu những hộp chuyển phát này có hợp pháp để rao bán hay không, người bán nói đây đều là đồ thất lạc, đã bị tồn ở kho của họ ít nhất 3 tháng trước khi bị đưa lên thanh lý.
"Chúng tôi chờ lâu lắm nhưng không ai đến hỏi những món hàng này, chắc người ta không cần nữa. Bạn cứ mua về rồi bóc ra xem đi", người bán phân trần.
Điều vô lý là trên túi vẫn còn đầy đủ tên đơn vị bán, địa chỉ và số điện thoại người mua.
Phóng viên đã thử mua một số "đơn hàng vô chủ" để xác minh liệu có đúng như lời người bán nói không. Trên kiện hàng nhận về ghi đơn vị bán ở Bắc Hải, Quảng Tây và người nhận ở cùng khu vực.
Bên trong kiện hàng nhận được là 10 đơn hàng thất lạc, song có nhiều điểm đáng ngờ. Tất cả các đơn này lại ghi do đơn vị Yunda Express vận chuyển. Trên bao bì, tên món hàng, tên người nhận cùng số điện thoại liên hệ, địa chỉ đều được ghi cụ thể. Cả 10 khách hàng đều ở thị trấn Yizhuang, Bắc Kinh.
Hàng loạt kiện hàng của các đơn vị vận chuyển được thanh lý trên mạng với giá rẻ. |
Những thông tin rõ ràng nhưng đơn hàng lại không được giao đến nơi khiến nhiều người khó hiểu. Khi liên hệ với những vị khách này theo số liên lạc trên đơn chuyển phát, tất cả 10 người đều nhận ra đó là món đồ mình đã đặt nhưng không ai từng nhận được hàng hay có thông báo hủy đơn.
"Đúng rồi, tôi có đặt mua món đồ đó hồi tháng 3. Tại đợt nghỉ dịch tôi có nhiều thời gian và mọi thứ cũng khá rẻ. Nhưng tôi không thấy món đồ được giao khi trở về Bắc Kinh", một khách hàng họ Han nói. Vì dịch bệnh nên khi đơn hàng được giao tới cô không ở Bắc Kinh, cũng không biết có người nhận thay hay đã bị mất.
Một khách hàng họ Zhao cho biết cô cũng rơi vào trường hợp tương tự. Nhưng vì món hàng đó không đắt, lại ngại phiền hà nên cô không báo cáo lên đơn vị vận chuyển. Cô cũng khá bối rối khi biết hàng mình đặt mua lại bị bán lại trên mạng và đã về tay người khác.
Khi dùng ứng dụng quét mã trên giấy ghi đơn hàng, phóng viên bất ngờ khi thấy phần lớn các đơn này đều được xác nhận đã có người nhận thay. Song trên thực tế những khách được hỏi đều nói họ không biết ai đã nhận thay mình.
Khi báo cáo cho công ty vận chuyển Yunda Express, đại diện đơn vị này lập tức tiến hành điều tra và phát hiện 10 đơn hàng trên đều do một nam shipper đi giao.
Trong tình hình dịch bệnh, nhiều khách đặt nhưng không ở nhà để nhận hàng được. Do quy định nếu không giao hàng xong, shipper sẽ bị phạt một số tiền (đôi khi lớn hơn cả giá món hàng) anh ta đã tự ký đã nhận thay, lấy tiền mình trả cho công ty rồi đem hàng lên mạng bán lại. So sánh giá bán trên trang thanh lý, giá ban đầu của những món hàng này cũng tương đương.
Tuy nhiên nguồn gốc của rất nhiều hộp vận chuyển khác đang được thanh lý trên mạng vẫn chưa được xác minh cụ thể.
Hành vi trái pháp luật
Về việc bán lại những đơn hàng thất lạc của người khác trên mạng, luật sư Qi Zheng của Công ty Luật Bắc Kinh khẳng định đây là hành vi trái luật.
Theo quy định, hành vi mạo danh, che giấu, phá hủy, bán lại hoặc kiểm tra trái phép thư tín, hàng hóa của người khác dù không cấu thành tội hình sự cũng sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.
Nếu đơn vị kinh doanh dịch vụ vận chuyển thực hiện các hành vi trên có thể bị đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh, bị phạt không dưới 200.000 nhân dân tệ (hơn 600 triệu đồng).
Chưa kể đến vấn đề trên các hộp chuyển phát này còn ghi địa chỉ, thông tin của khách hàng. Việc rao bán chúng đồng nghĩa với xâm phạm thông tin cá nhân của công dân. Người đặt mua ban đầu có thể gặp nguy hiểm nếu thông tin của họ rơi vào tay kẻ xấu.