Lam Vũ, show diễn kết thúc năm 2016 của nhà thiết kế Lê Thanh Hoà khép lại tối 12/12. Theo nhà thiết kế, bộ sưu tập lần này của anh lấy cảm hứng từ nét đặc trưng của văn hoá Việt – Lam Pháp, kết hợp nét uyển chuyển, mềm mại trong những điệu múa đậm chất Á Đông.
Bao trùm bộ sưu tập là các trang phục mang hoa văn gốm sứ đậm dấu ấn văn hoá Lam Pháp. Các chi tiết thêu đính cầu kỳ hình hoa sen, lông vũ cũng phần nào truyền tải thông điệp về nét đẹp dịu dàng, duyên dáng của người phụ nữ vùng đất cố đô.
Với dàn khách mời không quá đông (chỉ có 4 dãy ghế), anh vẫn tạo ấn tượng về một show diễn chỉn chu cùng phần âm thanh, ánh sáng rất liền mạch, ăn khớp chủ đề. Trong nền nhạc mang âm hưởng cổ truyền, 3 phần của bộ sưu tập lần lượt được trình làng.
Các thiết kế lấy hoạ tiết gốm sứ xanh được đánh giá cao về tư duy mỹ học. Ảnh: Hải An.
|
Nếu như trong phần mở màn, Lê Thanh Hoà gây ấn tượng với những bộ cánh được đính kết cầu kỳ, rực rỡ, thì đến phần thứ hai, anh đưa người xem vào thế giới thanh tao, nhã nhặn của gốm sứ cố đô.
Phần cuối là mẫu đầm dạ hội cầu kỳ, lấp lánh được thêu đính công phu, trên nền chất liệu khó xử lý như tơ sống, lông vũ và vải tweed.
Màu mè và diêm dúa
Tuy nhiên, có lẽ vì quá nỗ lực thực hiện dòng sản phẩm ứng dụng theo tiêu chí Haute Couture đẳng cấp và cầu kỳ, nhiều trang phục đã rơi vào lối mòn là tham chi tiết, dẫn đến tổng thể màu mè và diêm dúa.
Người xem không thể hiểu được dụng ý của nhà thiết kế, khi sử dụng chiếc xắc tay đính kết chi chít hoa nhựa đủ màu làm phụ kiện xuyên suốt. Chưa dừng lại ở đó, bộ sưu tập còn “làm quá” với sự xuất hiện của những đôi giày được đính kết cầu kỳ, mang tông màu không ăn nhập với tổng thể.
Việc kết hợp quá nhiều màu sắc và hoạ tiết trên trang phục, cộng với phụ kiện rườm rà không ăn khớp khiến bộ sưu tập trở nên màu mè và diêm dúa. Ảnh: Hải An.
|
Xanh cobalt và hồng yarrow, xanh lá và đỏ tươi, hay hồng cánh sen và tím Huế... được kết hợp một cách khó hiểu. Chính vì thế, ấn tượng về sự sang trọng và cao cấp trong bộ sưu tập, vô hình trung đã bị giảm đáng kể.
Cố gắng đa dạng hoá chất liệu, Lê Thanh Hoà gây ấn tượng khi đưa người xem vào thế giới mỹ miều của những chiếc đầm tulle bồng bềnh, bay bổng, áo khoác lông vũ lộng lẫy đến kiêu kỳ và gấm vóc lụa là sang trọng đầy quý phái.
Tuy nhiên, có đôi lúc anh lại gây thất vọng vì kỹ thuật dựng phom và xử lý chất liệu. Người xem tinh ý vẫn có thể phát hiện ra vết nhăn nhúm đằng sau lưng váy, phần tùng trắng lộ liễu dưới chiếc đầm high-low, hay bộ đầm từ tơ sống không được rút chỉ đủ khéo.
Các trang phục dạ hội cầu kỳ được thực hiện trên nền vải kém sang vô tình giảm sức hút cho cả bộ sưu tập. Ảnh: Hải An.
|
Điều khiến người xem hụt hẫng nhất chính là việc anh sử dụng quá nhiều chi tiết đính kết khảm trai trên sản phẩm, tạo nên tổng thể dù bắt mắt và ấn tượng, song không truyền tải được giá trị thẩm mỹ sang trọng và tinh tế.
Bế tắc trong ý tưởng chủ đạo
Hướng tới sự độc đáo của họa tiết gốm sứ, nhưng Lê Thanh Hoà khiến người khác có cảm giác anh đang bế tắc trong khâu kết nối các thiết kế theo một chuỗi thống nhất. Chính điều này đã biến show diễn trở thành “nồi lẩu thập cẩm” với quá nhiều kiểu dáng và màu sắc trang phục, mà không đọng lại dấu ấn đặc trưng.
Lấy ý tưởng từ văn hoá Lam Pháp, nhưng những thiết kế mang dấu ấn này chỉ có tính điểm xuyết không đáng kể. Lấy tinh thần tôn vinh nét đẹp cổ điển của người phụ nữ, nhưng bộ sưu tập lại không gợi lại chút ký ức xưa cũ nào, vì dùng toàn kiểu dáng và phụ kiện mang hơi thở của thời trang hiện đại.
Bộ sưu tập lần này của Lê Thanh Hoà không được đánh giá cao ở tính sáng tạo vì lặp lại khá nhiều các thiết kế kinh điển. Ảnh: Hải An.
|
Bên cạnh đó, việc lặp lại nhiều thiết kế nổi tiếng cũng làm bộ sưu tập rơi vào lối mòn trong ý tưởng chủ đạo. Những mẫu đầm vải tweed khiến người xem không khỏi liên tưởng tới các mẫu của Chanel. Trong khi đó, chiếc đầm vàng lộng lẫy do Hoa hậu Đặng Thu Thảo diện kết màn lại na ná bộ váy của Rihanna trên thảm đỏ Met Gala năm 2015.