Sĩ tử so sánh nam sinh cứu người và Lê Văn Luyện
Trong phần nghị luận, bên cạnh hình ảnh hy sinh cứu người của Nguyễn Văn Nam, sĩ tử gợi lên một số nhân vật đối lập như Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa.
Ngày 2-4/6, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã diễn ra trên cả nước với 6 môn Toán, Hóa, Sinh, Văn, Địa và Ngoại ngữ. Trong đó đề thi môn Văn với câu nghị luận (chiếm 3 điểm) yêu cầu học sinh bày tỏ suy nghĩ về hành động dũng cảm của em Nguyễn Văn Nam đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Bởi với một câu hỏi mở, công tác chấm thi sẽ diễn ra như thế nào? Về vấn đề này, một giáo viên chấm thi môn Ngữ văn của tỉnh Nam Định đã có những nhận định thực tế.
Đáp án, hướng dẫn chấm thi rõ ràng
Ngay sau khi môn thi cuối cùng kết thúc, Bộ GD – ĐT đã công bố đáp án và hướng dẫn chấm thi. Vì vậy, giáo viên này khẳng định: “Tôi và hầu hết các thầy cô chấm thi đều không có khó khăn gì trong việc chấm tốt nghiệp bởi đề thi và đáp án đều tường minh, rõ ràng, phù hợp. Tuy nhiên, do mấy ngày đầu sau khi khai mạc hội đồng thời tiết khắc nghiệt nên tốc độ chấm chưa nhanh”.
Theo cô, Ngữ văn là một môn đặc thù nên việc chấm thi đối với từng câu hỏi cũng cần lưu ý. Cụ thể, câu 2 điểm phần đọc hiểu trong truyện ngắn Thuốc (Lỗ Tấn), học sinh cần trình bày được ý nghĩa của chi tiết. Mặc dù vậy, đáp án của Bộ GD – ĐT không mang tính áp đặt, học sinh có thể diễn đạt các cách khác nhau.
Đối với câu nghị luận xã hội, giáo viên chấm thi cần trân trọng những suy nghĩ của học sinh, chấp nhận các cách triển khai khác nhau trong bài. Tuy nhiên, học sinh cần làm đúng kiểu bài nghị luận và không có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực.
Với câu hỏi 5 điểm, giám thị cần quan tâm đến hai phương diện ý và lời văn, không đếm ý cho điểm, bài viết cần triển khai mạch lạc, đúng yêu cầu thể loại.
Câu nghị luận chưa có suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc
Trong đề thi năm nay, câu nghị luận về tấm gương dũng cảm của Nguyễn Văn Nam nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Về việc chấm thi câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ GD – ĐT cho biết: “Do câu hỏi mở nên đáp án cũng mở, không bắt chi tiết từng ý, từng câu. Nếu học sinh đưa ra những lập luận hợp lý cho ý kiến của mình vẫn được chấm điểm, không có đáp án cụ thể”.
Đồng quan điểm, giáo viên này cũng chia sẻ: “Câu nghị luận về tấm gương dũng cảm của Nguyễn Văn Nam tuy có nhiều ý kiên trái chiều trên các phương tiện thông tin. Nhưng vì đây là một bài thi, nên hầu hết các thí sinh đều biết cách trả lời tương đối khôn ngoan (theo hướng của đáp án Bộ) để lấy điểm mà không có những suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực trong bài viết. Nghĩa là, tất cả học sinh đều bày tỏ thái độ trân trọng, ngợi ca, khâm phục".
Tuy nhiên, theo cô giáo này để bài viết đạt điểm cao, thuyết phục với giám khảo, học sinh không chỉ đơn thuần bày tỏ thái độ ngợi ca mà cần phải có sự lập luận chặt chẽ, cách viết chân thành, xúc động (không có những cảm xúc đi mượn hay ca ngợi chung chung một cách đơn giản dễ dãi).
Trong quá trình chấm thi, giáo viên này còn cho biết: "Để khẳng định vẻ đẹp nhân cách và hành động của Nguyễn Văn Nam, nhiều bài viết còn đặt tấm gương này bên cạnh hình ảnh Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa hay một bộ phận giới trẻ trong xã hội hiện nay.
Hoặc một số bài viết có đưa ra ý “giá như… để Nam không thể cứu được các bạn trẻ mà còn cứu được mình”, nhưng không phải để chỉ ra cái đáng tiếc mà với mục đích nhấn mạnh sự quên mình của Nam.
Bởi nếu có chữ “giá như”, có phút giây để suy nghĩ trong tình huống cấp bách đó thì chưa chắc đã cứu được các em. Đó là nhân cách sống cao đẹp và hành động hiếm có không phải ai cũng làm được”.
Đề vừa sức, điểm 9 tương đối nhiều
Về điểm thi, cô cho biết bản thân đã cho điểm tuyệt đối với ba bài nghị luận xã hội xuất sắc bởi cách lập luận chặt chẽ, lối hành văn chân thành, xúc động, có những hiểu biết sâu sắc về đời sống, nhận thức đúng đắn và bày tỏ quan điểm cá nhân thuyết phục.
Đề thi năm nay được đánh giá vừa sức, có tính nhân văn, độ mở, nội dung nằm trong phần trọng tâm chương trình, vì vậy giáo viên này tiết lộ điểm 9 đã xuất hiện khá nhiều nhưng vẫn chưa có bài làm nào đạt được điểm 10.
Vừa qua, Bộ GD – ĐT đã yêu cầu các Sở GD – ĐT phải có báo cáo sơ bộ kết quả chấm thi, xét tốt nghiệp gửi về Ban chỉ đạo thi trung ương chậm nhất là đến 18/6. Sau thời điểm này, các Sở GD - ĐT công bố kết quả thi tốt nghiệp và thông báo để các trường THPT niêm yết danh sách, cấp giấy chứng nhận tạm thời cho các thí sinh.
Tại cuộc họp Thông báo về tình hình thi tốt nghiệp THPT năm 2013, ông Phạm Ngọc Trúc – Phó chánh thanh tra Bộ GD – ĐT cũng cho biết năm nay chắc chắn Bộ sẽ công khai chấm thẩm định vì việc làm này đã được thông báo từ trước. Kết quả chấm thẩm định cũng sẽ được thông báo xuống các địa phương, nếu có thắc mắc Bộ sẽ trực tiếp đối thoại.
Xem đáp án và hướng dẫn chấm thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD - ĐT tại đây
An Hoàng
Theo Infonet