Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Siết dạy thêm, sinh viên rối bời

Quy định về quản lý dạy thêm học thêm trên địa bàn do Đà Nẵng ban hành từ tháng 3/2013. Tuy nhiên phải sau vài lần cơ quan chức năng xử lý sai phạm.

Khi nghe thông tin về quy định quản lý dạy thêm, sinh viên Ngô Văn Đức (Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) đang làm gia sư cho năm học sinh lớp 12 tại cơ sở trên đường Trường Chinh (Đà Nẵng), tỏ ra bất ngờ và lo lắng. Đức cho biết đã đi dạy hơn một năm nay, trước đây khi đăng ký gia sư ở nhiều nơi cũng chưa từng nghe nhắc tới quy định này.

Lách luật

Với quyết định của TP Đà Nẵng, sinh viên không đủ điều kiện đứng lớp tại các lò luyện thi hoặc dạy nhóm học sinh nhiều hơn năm người.

Đức cho hay việc dạy thêm theo nhóm năm học sinh giúp mình có thu nhập gần 2 triệu đồng/tháng để trang trải cuộc sống, mặt khác với lớp đông học sinh sẽ giảm chi phí cho các em. “Tôi thấy việc dạy đồng thời 5-6 học sinh giúp các em có bạn đồng hành, có không khí luyện thi nên kết quả khá hơn” - Đức nói.

Theo Đức, với quy định này, chắc chắn 100% sinh viên không thể đủ điều kiện đứng lớp dạy ở các lò luyện thi hoặc dạy gia sư theo nhóm. “Chỉ riêng việc đòi hỏi phải học nghiệp vụ sư phạm để được cấp chứng chỉ cũng đã tốn thời gian vài tháng. Chưa kể học phí khoản tiền hơn 1 triệu đồng, trong khi đó việc dạy thêm chỉ mang tính thời vụ. Với sinh viên nếu chiếu theo các điều khoản này thì sợ không đạt được” - Đức lo lắng nói.

Tâm trạng của Đức cũng là nỗi lo của nhiều sinh viên khác. Sinh viên M.T. (Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) băn khoăn hiện ngoài thời gian học trên trường, T. còn đi dạy gia sư cho một nhóm hơn mười học sinh để trang trải cuộc sống cũng như hỗ trợ gia đình. Tuy nhiên, T. rất lo vì theo quy định của UBND TP thì “Các cá nhân không có bằng, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm không được mở lớp, không được tham gia giảng dạy tại các lớp dạy thêm, học thêm”.

Quy định này khiến nhiều trung tâm dạy thêm đã lách luật. Ngày 30/12, chúng tôi tìm đến Trung tâm luyện thi ĐV (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) để đăng ký đứng lớp dạy luyện thi ĐH. Khi trình bày về việc chưa có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm thì người đại diện của trung tâm cho hay không cần thiết, cứ có lớp là đứng dạy, mọi chuyện để trung tâm lo. Nếu có đoàn kiểm tra trung tâm sẽ xử lý, không để liên quan đến người đi dạy. Tiếp tục đến Trung tâm gia sư TK (đường Trần Cao Vân, Đà Nẵng) đăng ký làm gia sư thì các nhân viên ở đây cũng chấp nhận sau khi yêu cầu điền thông tin, không cần chứng chỉ dạy thêm.

Không quá khắt khe

Theo Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, ngày 26/3/2013 UBND TP ban hành quy định về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Trong đó, yêu cầu các cá nhân không có bằng cấp, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm không được mở lớp, không được tham gia giảng dạy tại các lớp dạy thêm, học thêm. Người xin mở lớp dạy thêm phải có bằng nghiệp vụ sư phạm tương đương, đối với chương trình THPT phải tốt nghiệp ĐH, THCS phải tốt nghiệp CĐ trở lên. Mỗi lớp dạy kèm không quá năm học sinh.

Ông Nguyễn Trường - chánh thanh tra Sở GD-ĐT Đà Nẵng - cho biết: “Các sinh viên đi dạy kèm 1, 2 học sinh thì đó là chuyện bình thường, cần khuyến khích vì thực tế nhiều sinh viên giỏi, tận tâm, mặt khác các sinh viên có độ tuổi gần với học sinh nên các em dễ tiếp thu hơn. Tuy nhiên, khi đã mở lớp, tổ chức thành lớp học thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và bằng ĐH, CĐ theo quy định của TP. Đối với trung tâm dạy thêm, luyện thêm, người muốn đứng lớp phải đủ điều kiện là tốt nghiệp chuyên ngành giảng dạy và chứng chỉ nghiệp vụ. Nếu người tổ chức dạy thêm bị phát hiện tổ chức giảng dạy nhưng không đủ điều kiện sẽ bị xử phạt”.

Theo ông Trường, thực tế sinh viên thường không đủ tiêu chuẩn về bằng cấp, chứng chỉ để đứng lớp dạy thêm hoặc mở lớp dạy, do vậy họ không được mở lớp học thêm cho nhóm đông hơn năm người. “Vậy nhưng chúng tôi không quá khắt khe với các trường hợp là sinh viên vì còn liên quan đến việc làm, trang trải cuộc sống của các em. Thanh tra cũng không đủ sức để đi đến tất cả các nơi mà kiểm tra, xử lý được” - ông Trường nói.

“Nồi cơm” của sinh viên

Theo ThS Phạm Hồng Phong, trưởng phòng công tác sinh viên (Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng), đối với nhiều sinh viên nghèo, thu nhập từ việc đi dạy thêm đã trở thành “nồi cơm” chính. Việc đứng lớp dạy thêm đối với sinh viên trước tiên là để mưu sinh, sau đó giúp nhiều sinh viên ôn lại kiến thức. Riêng đối với sinh viên ngành sư phạm thì giúp các thầy cô tương lai tự tin hơn khi đứng trên bục giảng sau này.

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm