Sáng ngày 6/1, TAND TP.HCM đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Trong hơn 20 bị cáo, Huỳnh Thị Huyền Như (36 tuổi, ở quận Bình Thạnh), nổi bật với chiếc áo hồng.
Trong phần thẩm tra lý lịch, bị cáo Như khai rằng có chồng nhưng chưa làm giấy đăng kí kết hôn. Bị cáo bị bắt giữ vào ngày 30/9/2011 khi đang mang bầu 4 tháng tuổi và đã sinh con trong tù. Cháu bé tên là Trương Xuân Mai (sinh tháng 1/2012), chưa được làm giấy khai sinh.
10h20, sau phần thẩm tra lý lịch, luật sư bào chữa cho Ngân hàng Nam Việt (NaviBank) - một bị hại của Huyền Như đã đề nghị HĐXX tạm hoãn phiên tòa do họ chưa được tiếp cận đầy đủ với hồ sơ của vụ án.
Luật sư Lưu Văn Tám - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng Á Châu (ACB) - một nạn nhân của Huyền Như đã đề nghị triệu tập những người lãnh đạo chủ chốt của ACB trong thời gian xảy ra vụ việc.
Những người này gồm ông Trần Xuân Giá (nguyên Chủ tịch HĐQT), Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT), Lý Xuân Hải (nguyên Tổng Giám đốc) cùng hai vị phó giám đốc của ngân hàng này. Họ đang bị bắt giam chờ ngày hầu tòa trong “đại án” tham nhũng khác xảy ra tại ACB.
Luật sư cho rằng, những người nói trên đều có liên quan trực tiếp đến vụ án, cần phải được triệu tập đến tòa để tham dự thẩm vấn, xét hỏi, đối chất với Huyền Như và các đồng phạm. Từ đó xem xét trách nhiệm bồi thường của Huyền Như với ngân hàng sau này.
11h 20, sau khi hội ý, phiên tòa tiếp tục diễn ra. HĐXX cho rằng ngày 24/4/2012, đại diện NaviBank đã có buổi làm việc với cơ quan điều tra nên việc luật sư bào chữa cho ngân hàng này nói NaviBank chỉ biết mình là bị hại trước khi diễn ra phiên tòa 20 ngày là không đúng.
HĐXX nhấn mạnh, việc sao chép hồ sơ không đầy đủ là trách nhiệm của luật sư, vì thế, việc yêu cầu hoãn của luật sư là không hợp lệ, không thuộc điều khoản nào trong luật định.
HĐXX cũng cho biết sẽ triệu tập thêm một số cá nhân liên quan đến vụ án (trong đó có bầu Kiên) khi cần thiết.
Theo cáo trạng của Viện KSND, đầu năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như, cán bộ tín dụng Ngân hàng VietinBank Chi nhánh TP.HCM có vay hơn 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức, cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản.
Do giá nhà đất liên tục sụt giảm nên Như bị thua lỗ và phải gánh khoản nợ khổng lồ với lãi suất cao. Đến năm 2010, người phụ nữ này mất khả năng trả nợ.
Thời điểm trên, Như đang giữ chức quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của VietinBank. Nữ cán bộ này đã nghĩ cách lợi dụng chức vụ và danh nghĩa của VietinBank để lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Bị cáo Huyền Như tại phiên xử. Ảnh: Khắc Thành. |
Như đã tiếp xúc với nhiều đơn vị, cá nhân đặt vấn đề gửi tiền vào ngân hàng với lãi suất thỏa thuận từ 18 - 36% mỗi năm.
Tổng cộng, nữ trưởng phòng đã lừa đảo 9 công ty, 4 ngân hàng, 3 cá nhân chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng. Số tiền này Huyền Như dùng để trả nợ gốc, lãi của khoản vay nói trên và tiêu xài cá nhân.
Trong số những người bị Huyền Như lừa đảo có Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên, 50 tuổi) cùng các lãnh đạo chủ chốt trong Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB).
Tháng 3/2010, ACB tồn đọng một lượng tiền lớn chưa biết đầu tư vào đâu, bầu Kiên và các lãnh đạo ACB họp bàn thống nhất phương án ủy thác cho nhân viên “ôm” tiền đi gửi tại các ngân hàng khác để vừa nhận được lãi suất tiền gửi, vừa được hưởng “hoa hồng” từ các chương trình khuyến mại theo quy định từng ngân hàng.
Từ ngày 27/6/2011 đến 5/9/2011, theo chỉ thị từ cấp trên, 19 nhân viên ACB đã dùng 718.908.000.000 đồng đi gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank chi nhánh TPHCM. Thời hạn tiền gửi từ 3-6 tháng.
Lúc này Huỳnh Thị Huyền Như đang nắm quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank Chi nhánh TPHCM đã “nẫng” toàn bộ số tiền của ACB. Vụ chiếm đoạt số tiền “khủng” của Huyền Như đã gây thiệt hại nặng cho ACB. Khi Huyền Như sa lưới, hàng loạt sai phạm của bầu Kiên cũng bị phanh phui.
Theo cáo trạng truy tố, Huyền Như và 22 bị cáo bị truy tố về các tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cho vay lãi nặng, Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Khung hình phạt cao nhất cho các tội danh này là tù chung thân.
Dự kiến, phiên tòa kéo dài đến ngày 25/1. Đây là 1 trong 10 "đại án" tham nhũng được Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng chỉ đạo xét xử cuối năm 2013 và đầu năm 2014.
13h30 chiều nay, phiên tòa tiếp tục diễn ra với phần công bố cáo trạng của 3 vị đại diện VKS nắm quyền công tố tại tòa.