Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Siêu lừa' muốn dùng cổ phần tại Công ty MHD Hà Nội khắc phục hậu quả

Trả lời xét hỏi, "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành cho biết sẽ để lại 26% cổ phần tại Công ty cổ phần đầu tư MHD Hà Nội, tương đương khoảng 75 tỷ đồng, để khắc phục hậu quả vụ án.

Ngày 26/3, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành (SN 1984) cùng 13 đồng phạm bị cáo buộc lừa đảo, chiếm đoạt hơn 433 tỷ đồng của 3 ngân hàng.

Tại phần làm thủ tục khai mạc, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là vợ chồng đại gia Đặng Nghĩa Toàn (trú quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vắng mặt, có đơn ủy quyền cho người khác tham gia tranh tụng.

Cong ty MHD Ha Noi,  MHD Ha Noi,  Cong ty MHD anh 1

Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành cùng đồng phạm tại phiên tòa.

Đầu phần xét hỏi, bị cáo Lê Thị Hiên (cựu giao dịch viên VietABank) bất ngờ đứng dậy xin phép HĐXX xin rút đơn kháng cáo. Lý do Hiên cho rằng cáo trạng quy kết tội danh và mức án cấp sơ thẩm tuyên 30 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo là phù hợp.

Diễn biến xét hỏi cho thấy nhóm bị cáo là cựu cán bộ 3 ngân đều trình bày trong thời gian chờ phúc thẩm, họ đã cung cấp thêm nhiều tình tiết mới, đồng thời cho rằng bản thân phạm tội do thực hiện theo chỉ đạo hoặc có thiếu sót, quá trình làm không được hưởng lợi. Do đó, họ mong được tòa giảm thêm hình phạt…

Riêng "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành khai lý do kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt để sớm quay về làm việc trả nợ cho người mà mình đã vay.

Theo Thành, trong thời gian tạm giam, bị cáo suy nghĩ rất kỹ về quá trình phạm tội của bản thân. Để mọi người phải đứng trước phiên tòa, bị cáo thấy rất ăn năn.

"Xuất phát điểm của bị cáo vay tiền không có mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo mong HĐXX xem xét các tình tiết để giảm nhẹ, hoàn cảnh gia đình bị cáo rất khó khăn, đang nuôi con nhỏ, bản thân mang bệnh...", Hà Thành nói.

Về khắc phục hậu quả vụ án, "siêu lừa" Hà Thành cho biết sẽ để lại 26% cổ phần tại Công ty cổ phần đầu tư MHD Hà Nội, tương đương khoảng 75 tỷ đồng. Số tiền đóng góp cổ phần này, bị cáo khai được rút từ các khoản vay của ngân hàng, song không xác định được cụ thể rút từ ngân hàng nào.

Ngoài ra còn 10 tỷ đồng tiền cơ quan điều tra thu lại, Hà Thành mong muốn được khắc phục cho ngân hàng VietABank trước.

Liên quan đến của vợ chồng đại gia Đặng Hữu Toàn, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành nói xuất phát từ nhu cầu vay tiền nhưng không có tài sản thế chấp, Thành đặt vấn đề và Toàn đồng ý với mức lãi 4-5%/tháng.

Để vay được tiền, Thành khai ông Toàn đã đem sổ tiết kiệm gửi vào ngân hàng sau đó giao sổ để Thành thế chấp.

Thanh cho rằng quá trình trả lãi và gốc cho ông Toàn bị cáo chỉ dùng tiền mặt nên một phần giao dịch không được ghi nhận.

Trong khi đó, đại diện 3 ngân hàng NCB và VietABank, PVComBank đều giữ nguyên quan điểm kháng cáo, họ mong muốn HĐXX tiếp tục tuyên vô hiệu các giao dịch với đại gia Đặng Hữu Toàn, để các bên tìm phương án khắc phục.

Độc giả của Znews có thể tìm đọc các cuốn sách tại Tủ sách pháp luật để tìm hiểu thêm về Luật tố cáo, Luật khiếu nại, Luật hình sự, Luật dân sự.

https://tienphong.vn/sieu-lua-nguyen-thi-ha-thanh-muon-dung-co-phan-tai-cong-ty-mhd-ha-noi-khac-phuc-hau-qua-post1623655.tpo

Hoàng An/Tiền Phong

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm