Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành. |
Chiều 20/3, sau 12 ngày tham gia tranh tụng, Nguyễn Thị Hà Thành (39 tuổi, ở Hà Nội) và 25 bị cáo khác liên quan vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 433 tỷ đồng của 3 ngân hàng và 4 cá nhân, nói lời sau cùng. HĐXX sẽ nghị án kéo dài, đưa ra phán quyết vào sáng 24/3.
"Phán quyết thế nào đi nữa, tôi cũng chấp nhận"
Là người duy nhất kêu oan khi bị cáo buộc 2 tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, bị cáo Đặng Thị Quỳnh Hương (cựu Trưởng phòng khách hàng cá nhân Phòng giao dịch Đông Đô của VietAbank) bật khóc khi nói lời sau cùng.
"Bị cáo đứng đây hôm nay chờ đợi 2 năm rưỡi để kêu oan. Nhiều lần bị cáo mong có thể ngủ một giấc và hôm sau không tỉnh dậy nữa", bà Hương trình bày và tiếp tục cho rằng tại tòa, Nguyễn Thị Hà Thành đã có lời khai về việc Hương không tham gia, không hưởng lợi.
Bà Hương cho rằng VKS đã sử dụng lời khai của những người có quyền lợi đối lập với bị cáo để làm căn cứ buộc tội bị cáo mà không xem xét hình ảnh camera, không giám định… Cựu cán bộ VietAbank còn cho rằng VKS sử dụng công văn, văn bản mâu thuẫn nhau trong ngân hàng để buộc tội bị cáo.
"Cùng một hành vi ký vào tờ trình, nhưng nhiều người không bị truy tố. Bị cáo cũng không tham gia quá trình giải ngân, mong HĐXX xem xét", bà Đặng Thị Quỳnh Hương nói.
Bị cáo Quỳnh Hương nói lời sau cùng. Ảnh: N.H. |
Trong khi đó, Nguyễn Thị Hà Thành thừa nhận cáo buộc của VKS. Gửi lời xin lỗi đến những người liên quan vụ án này, Thành nói rằng bị cáo vô cùng áy náy, hối hận. "Dù chịu phán quyết thế nào đi nữa, tôi cũng chấp nhận. Xin tòa xét đến vai trò của các đồng phạm, bởi thực sự họ phạm tội chỉ vì quá tin tưởng tôi", Hà Thành giãi bày.
Còn ông Quản Trọng Đức (cựu Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Trưởng phòng giao dịch Đông Đô của VietABank) trần tình bị cáo không thể phát hiện ra được việc nhân viên cố ý làm sai. "Bị cáo rất ăn năn hối hận, không kiểm soát hết được hành vi của nhân viên. Do đó, bị cáo đã vướng sai phạm. Qua đây, bị cáo mong HĐXX xem xét, đánh giá một cách công minh", ông Đức bày tỏ.
Bị cáo Trần Thị Hoa (cựu Phó giám đốc chi nhánh Hà Nội kiêm Giám đốc điều hành khu vực Tây Hà Nội của NCB) nói rằng trong quá trình làm việc ở ngân hàng, bị cáo vì vô ý, vô tình mà vướng sai phạm. Bà Hoa mong HĐXX phán quyết đúng người, đúng tội, đúng bản chất vụ việc.
Trình bày lời nói sau cùng, 2 cựu nhân viên khác của Ngân hàng NCB là Đặng Thị Thu Hòa và Phạm Thị Ngọc Lan đều nói rằng họ nhận thức được sai phạm và rất hối hận. "Bị cáo chỉ đưa hồ sơ cho đồng nghiệp đi ký, mong HĐXX xem xét", bà Hòa phân trần. Còn bà Lan cho rằng đã chủ quan khi giao văn bản cho đồng nghiệp đi xin chữ ký khách hàng.
Bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương (Trưởng bộ phận khách hàng Phòng giao dịch Đông Đô) nói nhiều năm qua, không ngày nào bị cáo được yên. Bà Hương cho rằng bản thân không hưởng lợi, mong tòa sơ thẩm xem xét cho hưởng khoan hồng.
Còn bà Lê Thị Hiên (cựu nhân viên VietABank) nói rằng bị cáo chỉ thử việc ở ngân hàng 5 tháng nhưng có nguy cơ "phải đánh đổi bằng 5 năm" sau khi đại diện VKS đề nghị mức án. Cũng như nhiều bị cáo khác, bà Hiên mong tòa sơ thẩm xem xét giảm nhẹ khi lượng hình.
Siêu lừa được nhiều cán bộ ngân hàng giúp sức
Phần luận tội được VKS nêu sáng 16/3 xác định Nguyễn Thị Hà Thành là chủ mưu, dùng nhiều thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của 3 ngân hàng. Bị cáo làm việc này sau khi làm ăn thua lỗ, nên vay tiền với lãi suất cao, lấy của người sau trả cho người trước. Giúp sức cho Hà Thành là các cựu cán bộ chi nhánh ngân hàng NCB, VietAbank và PvcomBank. Sau khi lập sổ tiết kiệm đồng sở hữu với khách hàng khác, Thành và đồng phạm giả mạo chữ ký các đồng sở hữu để cầm cố, vay tiền ngân hàng.
Theo luận tội của VKS, tại VietABank, Hà Thành trực tiếp bàn với Nguyễn Thị Thu Hương; được sự giúp sức của Quản Trọng Đức và một số cựu cán bộ nhà băng, giả mạo chữ ký của các đồng sở hữu trên giấy đề nghị vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng hoặc hợp đồng thế chấp số dư tiền gửi... Qua đó, bị can chiếm đoạt của VAB gần 274 tỷ đồng và 63 tỷ đồng của các cá nhân.
HĐXX dành 4 ngày để nghị án. Ảnh: N.H. |
Với Ngân hàng NCB, Thành vay của ông Đặng Nghĩa Toàn (khách hàng gửi tiền) hàng chục tỷ đồng bằng hình thức yêu cầu ông Toàn gửi tiền tiết kiệm rồi đưa sổ cho bị can giữ. Sau đó, Thành thông qua Thu Hương, làm việc với Nguyễn Hồng Trung (chuyên viên ngân hàng NCB) và Bùi Văn Tuấn (chuyên viên PVcomBank) để làm thủ tục vay tiền. Sau đó, Thành cấu kết với đồng phạm, lợi dụng sự thiếu trách nhiệm của nhân viên nhà băng, ký giả chữ ký của vợ chồng ông Toàn để cầm cố sổ tiết kiệm vay 47,5 tỷ đồng của NCB.
Còn tại PVcomBank, Nguyễn Thị Hà Thành vay tiền bằng hình thức yêu cầu vợ chồng ông Toàn gửi tiết kiệm 52 tỷ đồng. Sau đó, Thành và đồng phạm Nguyễn Thanh Tùng giả chữ ký, lăn giả dấu vân tay của vợ chồng ông Toàn trong hợp đồng cầm cố tiền gửi. Cuối cùng, họ lợi dụng sự thiếu trách nhiệm của một số cựu nhân viên ngân hàng, chiếm đoạt của nhà băng này 49,4 tỷ đồng.
Phần luận tội được VKS nêu sáng 16/3 xác định Nguyễn Thị Hà Thành là chủ mưu, dùng nhiều thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của 3 ngân hàng. Bị cáo làm việc này sau khi làm ăn thua lỗ, nên vay tiền với lãi suất cao, lấy của người sau trả cho người trước. Giúp sức cho Hà Thành là các cựu cán bộ chi nhánh ngân hàng NCB, VietABank và PvcomBank. Sau khi lập sổ tiết kiệm đồng sở hữu với khách hàng khác, Thành và đồng phạm giả mạo chữ ký các đồng sở hữu để cầm cố, vay tiền ngân hàng.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…