Nhóm bị cáo hầu tòa về các tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong nhiều ngày. HĐXX TAND TP Hà Nội do thẩm phán Phan Huy Cương làm chủ tọa.
Trong vụ án này, Nguyễn Thị Hà Thành bị cáo buộc gây ra 27 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 433 tỷ đồng của 3 ngân hàng và các cá nhân.
Khi làm thủ tục, HĐXX dành gần 2 giờ để kiểm tra nhân thân 26 bị cáo và những tổ chức, cá nhân liên quan. Hơn 20 người gồm đại diện các ngân hàng VietABank, PVcomBank và NCB, nhân chứngs cùng người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có mặt theo triệu tập.
Ngoài ra, gần 50 luật sư tham gia tố tụng. Trong những người dự khán, luật sư Trần Tuấn Anh (bào chữa cho Nguyễn Giang Hòa) nộp bệnh án ung thư cho thân chủ và đề nghị tòa cho phép bị cáo này được ngồi nghe VKS công bố cáo trạng. Luật sư cũng kiến nghị cho ông ông Hòa vắng mặt trong một số phần tố tụng đối với bị cáo khác. Về đề xuất trên, chủ tọa Phan Huy Cương cho hay bản cáo trạng dài hơn 170 trang. Để đảm bảo tính nhân văn và đảm bảo sức khỏe cho các bị cáo, HĐXX sẽ xem xét để họ được ngồi. Đối với việc xin cho bị cáo vắng mặt, chủ tọa không chấp nhận.
Nguyễn Thị Hà Thành tại phiên tòa sáng 9/3. Ảnh: Hoàng Lam. |
17 cá nhân trong số 26 bị cáo là cựu cán bộ và nhân viên Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietABank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng (PVcomBank). Họ bị cáo buộc giúp Nguyễn Thị Hà Thành hợp thức hồ sơ, soạn hợp đồng tiền gửi trái quy định rồi lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.
Cáo trạng xác định trong các năm 2016-2018, Hà Thành nhiều lần vay tiền của nhiều cá nhân với lãi suất cao. Thời gian đầu, Thành trả nợ đúng hạn và dẫn được nhiều người đến ngân hàng gửi tiền với số lượng lớn. Do đó, Thành được nhà băng xem là khách VIP.
Sau đó, để có tiền kinh doanh, Thành tìm gặp những người đến ngân hàng gửi tiết kiệm để thỏa thuận gửi đồng sở hữu. Sau đó, người phụ nữ này nhiều lần sử dụng thủ đoạn gian dối để ký hợp đồng thế chấp sổ tiết kiệm để vay tiền ngân hàng.
Tại VietABank, VKS xác định từ tháng 6/2018 đến tháng 11/2018, Hà Thành câu kết với một số cán bộ ngân hàng, giả mạo chữ ký của các đồng sở hữu trên giấy đề nghị vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng hoặc hợp đồng thế chấp số dư tiền gửi... Qua đó, bị cáo chiếm đoạt của VietABank gần 274 tỷ đồng và 63 tỷ đồng của một số cá nhân.
Tại ngân hàng NCB, giữa năm 2018, Thành vay của ông Đặng Nghĩa Toàn (khách hàng gửi tiền) hàng chục tỷ đồng bằng hình thức yêu cầu ông Toàn gửi tiền tiết kiệm rồi đưa sổ cho bị cáo giữ. Sau đó, Thành cấu kết với đồng phạm, lợi dụng sự thiếu trách nhiệm của nhân viên nhà băng, ký giả chữ ký của vợ chồng ông Toàn để cầm cố sổ tiết kiệm vay 47,5 tỷ đồng của NCB.
Còn tại PVcomBank, Nguyễn Thị Hà Thành đề nghị vợ chồng ông Toàn gửi tiết kiệm 52 tỷ đồng. Sau đó, Thành và đồng phạm giả chữ ký, lăn giả dấu vân tay của vợ chồng ông Toàn trong hợp đồng cầm cố sổ tiết kiệm để vay tiền, qua đó chiếm đoạt của ngân hàng này 49,4 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, Thành khai dùng các khoản vay trên sử dụng để trả lãi vay ngoài, tất toán các khoản vay khác tại ngân hàng và mua cổ phần hoặc chi tiêu cá nhân.
Về dân sự, VietABank đề nghị tòa án xác định căn cứ tuyên tịch thu số tiền, khắc phục hậu quả thiệt hại. PVcomBank đề nghị buộc bị cáo Thành và đồng phạm trả tiền cho người đồng sở hữu. Còn Ngân hàng NCB chưa có yêu cầu về bồi thường.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…