Siêu máy tính trở thành trung tâm trong cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung. Ảnh: Reuters. |
Chính quyền Tổng thống Joe Biden hôm 12/6 đã hạn chế xuất khẩu sang Công ty Công nghệ Siêu máy tính Thượng Hải. Đây là doanh nghiệp được hỗ trợ bởi Trung tâm Siêu máy tính Thượng Hải (SSC) và nhà sản xuất siêu máy tính Trung Quốc Dawning Information Industry, theo SCMP.
Phía Washington cáo buộc công ty “mua và cố gắng mua lại” các mặt hàng có nguồn gốc từ Mỹ để hỗ trợ hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc.
“Thực thể này đã hỗ trợ hoạt động của các siêu máy tính đặt tại Trung Quốc, đặc biệt bằng cách cung cấp khả năng siêu máy tính dựa trên điện toán đám mây để hỗ trợ nghiên cứu siêu thanh”, Cục Công nghiệp và An ninh (BIS), cơ quan thuộc Bộ Thương mại Mỹ, cho biết trong một tuyên bố.
Các hoạt động của công ty Trung Quốc “trái với an ninh quốc gia và lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ”, cơ quan này khẳng định.
Tham vọng của Trung Quốc
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 13/6 cho rằng động thái của Mỹ là “thái quá”, vũ khí hóa các vấn đề kinh tế và thương mại. Ông nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ “thực hiện các biện pháp cần thiết” để bảo vệ lợi ích của đất nước.
Siêu máy tính có khả năng thực hiện một số lượng lớn phép tính trong vài giây. Điều này rất hữu ích trong việc phát triển các hệ thống quân sự như phòng thủ tên lửa và vũ khí hạt nhân.
“Các trung tâm siêu máy tính đã đi đầu trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung. Phần lớn siêu máy tính của Trung Quốc sử dụng chip và phần mềm của Mỹ”, Zhang Xiaorong, giám đốc viện nghiên cứu Trung Quốc Shendu Technology, cho biết.
SSC là một cơ sở cấp tỉnh, xếp thứ hai trong hệ thống phân cấp siêu máy tính của Trung Quốc, sau các trung tâm cấp quốc gia.
Các nhà khoa học Trung Quốc vận hành hệ thống siêu máy tính Thiên Hà. Ảnh: VCG. |
Công ty Siêu máy tính Thượng Hải có trụ sở tại đặc khu thử nghiệm thương mại tự do Lâm Cảng. Khu vực này được chính quyền địa phương giao nhiệm vụ tạo ra một “hệ thống cung cấp đa điện toán” có thể tạo ra hơn 10 tỷ nhân dân tệ (1,4 tỷ USD) giá trị công nghiệp vào năm 2025.
Hệ thống này được kỳ vọng là nhà cung cấp hàng đầu các giải pháp điện toán siêu hội tụ, kết hợp tất cả dịch vụ được cung cấp bởi các trung tâm dữ liệu truyền thống, chẳng hạn như lưu trữ, tính toán và mạng.
Trang web chính thức của SSC cho biết hệ thống sẽ tập trung đặc biệt các dịch vụ điện toán hiệu suất cao, chẳng hạn như tính toán khoa học và mô phỏng kỹ thuật.
Một nhà phân tích Trung Quốc cho biết SSC là cốt lõi của chiến lược sức mạnh tính toán của Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng trong quốc phòng, đổi mới khoa học công nghệ và phát triển kinh tế.
Trọng tâm phát triển công nghệ
Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ dự kiến ảnh hưởng đến việc cung cấp sức mạnh điện toán tại Thượng Hải và các khu vực lân cận ở một mức độ nhất định. Việc hợp tác của những thực thể bị trừng phạt với các công ty Mỹ cũng bị hạn chế.
Dù vậy, khác với ngành công nghiệp bán dẫn, ngành điện toán Trung Quốc rất khó gặp phải những thiệt hại đáng kể. Trung Quốc đã thiết lập khả năng đổi mới độc lập và cạnh tranh thị trường trong lĩnh vực siêu máy tính.
Được thành lập vào năm 2000 với sự tài trợ của chính quyền Thượng Hải, SSC nhằm mục đích hỗ trợ chuyển đổi thành phố thành nền kinh tế kỹ thuật số. SSC sẽ thiết lập một “nền tảng dịch vụ điện toán công cộng”, cung cấp cả siêu máy tính và điện toán thông minh.
Trung tâm có thỏa thuận kinh doanh với các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ, bao gồm Microsoft, Nvidia, AMD và Intel.
Quang cảnh Bảo tàng Thiên văn Thượng Hải ở Đặc khu Lâm Cảng. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với các thực thể siêu máy tính Trung Quốc. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt mới nhất được đưa ra trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo đang tạo cơn sốt trên toàn cầu, được châm ngòi bởi ChatGPT của OpenAI, thúc đẩy nhu cầu tăng vọt về sức mạnh điện toán.
Trung Quốc đã tăng gấp đôi nỗ lực để tăng cường các cơ sở dữ liệu và máy tính.
Trung Quốc đang triển khai dự án “Dữ liệu phía Đông và Điện toán phía Tây” nhằm xây dựng trung tâm dữ liệu và trung tâm điện toán ở các khu vực quan trọng ở phía tây và phía đông đất nước.
“Dự án được thiết kế nhằm tối ưu hóa việc phân bổ các nguồn lực điện toán hiện có”, Chen Jia, một nhà nghiên cứu tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết.
Sự bùng nổ của Trung Quốc
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả cuốn sách “Sự bùng nổ của Trung Quốc” do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản tháng 4/2021. Cuốn sách phác thảo bối cảnh diễn ra sự bùng nổ tư bản (vốn) của Trung Quốc và cơ cấu tổ chức xã hội - chính trị những năm 1980 dẫn tới sự bùng nổ này; đồng thời, khám phá những tác động, phạm vi mang tính toàn cầu của sự bùng nổ kinh tế thị trường ở Trung Quốc, từ đó xây dựng một lăng kính giúp chúng ta có thể đánh giá triển vọng phát triển của Trung Quốc một cách toàn diện và đầy đủ hơn.