Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Siêu trộm miền Tây: Đích ngắm nhà quan chức hoặc giàu có

Tám người trong một băng trộm chuyên nghiệp, phần lớn có quan hệ gia đình, bị tuyên phạt tổng cộng gần 190 năm tù. Đây cũng chưa phải là “số lịch” cuối cùng...

Họ đã liên tiếp gây ra hàng trăm vụ trộm khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ. Nạn nhân của băng nhóm này phần lớn là các lãnh đạo địa phương, doanh nhân và những gia đình giàu có...

Không chút dấu vết

Chiều 28/1, trong ngôi biệt thự hai tầng cạnh quốc lộ 1 thuộc huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, bà Lý Thị Bồng (Việt kiều Úc, chủ nhà) bức xúc kể: “Khi đó căn nhà này mới xây một trệt chưa có lầu, phía sau còn bỏ trống. Như thường lệ, tôi vào trang trại của gia đình cách nhà vài km để chăm sóc vật nuôi, cây cối. Hơn 8h tôi ra khỏi nhà, tới gần 10h đã nghe người giúp việc điện thoại báo nhà bị trộm đột nhập. Từ trang trại trở về, tôi chết lịm khi bước chân vào phòng nhìn thấy két sắt bị phá nát, cánh tủ chứa những vật quý giá mở tung”.

Đại tá Dương Tứ Phương, Trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Bạc Liêu, nhớ lại: “Ngay khi nhận tin báo về vụ trộm, chúng tôi đã có mặt để khám nghiệm, thu thập dấu vết tại hiện trường.

Theo kết quả khám nghiệm, chúng tôi đánh giá băng trộm có ít nhất hai người trở lên, là dân chuyên nghiệp vì chúng đột nhập từ phía sau nhà, giữa ban ngày, với các công cụ đơn giản như kìm cộng lực, xà beng mà chỉ trong khoảng một giờ đã hoàn tất việc đột nhập, phá két sắt, rút lui nhưng không hề có dấu vết vân tay ở bất cứ đâu trong nhà, cũng không ai phát hiện cho tới khi có người về nhà”.

Chỉ trong khoảng một giờ rời khỏi nhà, bà Bồng mất một lắc vàng, hai nhẫn kim cương, các loại lắc tay, vòng cổ gắn kim cương, 800 USD, 11.000 đôla Úc, đồng hồ, máy tính, máy ảnh, máy quay phim, điện thoại với tổng trị giá hơn 3 tỷ đồng (kết quả giám định của hội đồng giám định tài sản trong tố tụng hình sự Công an tỉnh Bạc Liêu là gần 2,2 tỷ đồng, do nhiều tài sản không có đủ cơ sở để định giá).

“Khi đột nhập chúng không phá cửa mà chỉ cạy tấm kính, sau đó luồn tay vào nhấc cây chốt cửa, nếu không phải người từng ở trong nhà thì không thể biết cửa nhà tôi dùng thanh chốt ngang chứ không dùng khóa như thông thường.

Cửa sổ nhà ông Tú, nơi băng trộm cắt song sắt để đột nhập.
Cửa sổ nhà ông Tú, nơi băng trộm cắt song sắt để đột nhập.

Thêm vào đó, trong nhà khi ấy có ba phòng, hai phòng đầu không hề bị lục đồ, chỉ có phòng của tôi bị đột nhập. Lúc vào phòng chúng chỉ mở ngăn tủ chứa đồ quý và két sắt, các ngăn tủ còn lại không sờ tới, nếu không phải có “tay trong” thì sao chúng biết được rõ như vậy?” - bà Bồng thắc mắc.

Theo bà Bồng, lý do bà giữ ngoại tệ, vàng, kim cương trong nhà là vì không có nơi nào phù hợp, đáng tin cậy hơn để gửi. “Từ khi bị trộm tôi không bao giờ để tiền, vàng trong nhà. Giờ trộm có vô thoải mái cũng không tìm được gì” - bà Bồng nói.

Khi lực lượng công an còn đang đau đầu truy tìm tung tích băng trộm nhà bà Hồng, sáng 10/2/2013 nhằm mùng 1 Tết Quý Tỵ, cũng vào buổi sáng tin báo về trực ban một vụ trộm tương tự, cách nhà bà Bồng vài km. Đại tá Phương tức tốc cùng thuộc cấp tới hiện trường.

Căn nhà bị đột nhập lần này kiên cố hơn nhà bà Bồng nhiều. Nhà có tường rào cao bao quanh, dây thép gai phủ khắp bờ tường, bên trong có camera theo dõi 24/24 giờ, có hệ thống báo động kết nối với điện thoại di động của chủ nhân nếu có đột nhập.

Ngôi nhà tưởng chừng bất khả xâm phạm mà chỉ trong ít phút chủ nhân rời khỏi nhà, trộm đã đột nhập lấy đi gần một tỷ đồng tiền mặt, 4.000 USD, vàng trang sức các loại tổng cộng hơn 1,6 tỷ đồng. Chủ nhân ngôi nhà là ông Phạm Minh Tú (giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng cơ bản Đông Hải, Bạc Liêu).

Bên trong hiện trường vụ trộm, lực lượng công an dường như không tìm được dấu vết gì đáng kể để lần tìm ra những kẻ đột nhập. Theo đánh giá ban đầu của các sĩ quan cảnh sát tham gia khám nghiệm, bọn trộm sử dụng một cột bêtông gần nhà nạn nhân để làm bệ đỡ, vượt tường rào vào trong.

Sau đó kẻ trộm sử dụng đường thông gió chui từ trên xuống, rồi dùng kìm cộng lực cắt song sắt cửa sổ để đột nhập vào nhà, lấy xà beng cạy két sắt, lấy hết tiền, vàng rồi tẩu thoát, không lục lọi gì thêm.

Hình ảnh camera lưu lại cho thấy lúc 9h32 có hai thanh niên đeo khẩu trang kín mặt, găng tay vải, chân đi vớ đột nhập vào nhà, tới 9h38 camera bị vô hiệu hóa. Khi bọn trộm đột nhập vô hiệu hóa camera, hệ thống cảnh báo tự động có thông báo qua điện thoại cho ông Tú, nhưng do vừa rời khỏi nhà ông Tú nghĩ rằng do cắt điện đột xuất nên không quay về kiểm tra.

Chiếc két sắt chứa tài sản trị giá hàng tỷ đồng đã bị băng trộm phá ra.
Chiếc két sắt chứa tài sản trị giá hàng tỷ đồng đã bị băng trộm phá ra.

“Hình ảnh ghi lại hết sức mờ nhạt, khả năng nhận dạng khó khăn cùng các phương thức, thủ đoạn tinh vi, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện tránh để lại dấu vết dù là nhỏ nhất. Tổng thời gian đột nhập, phá két, rút đi trong vòng chưa đầy một giờ chứng tỏ băng nhóm này dày dạn kinh nghiệm vô cùng” - đại tá Phương đánh giá.

Lãnh đạo công an, tòa án cũng thành nạn nhân

Trên đường Huỳnh Phan Hộ, phường 6, TP Sóc Trăng, có một ngôi nhà khá lớn xây hai tầng, cạnh đó là một căn cao hơn, phía dưới để ở, phía trên làm nhà yến nổi bật so với hầu hết những ngôi nhà xung quanh.

Đó là nhà riêng của thượng tá Nguyễn Việt Thanh (nguyên Phó trưởng công an TP Sóc Trăng, nguyên Trưởng phòng PC45 Công an tỉnh Sóc Trăng và hiện là phó công an một huyện trong tỉnh) từng là hiện trường một vụ trộm cách đây ít năm.

Theo hồ sơ của Công an tỉnh Sóc Trăng, khi gia đình thượng tá Thanh đi vắng, một nhóm đạo chích đã đột nhập nhà bằng cách bẻ song sắt cửa sổ bên hông nhà, tự do lục tìm đồ đạc có giá trị. Qua thống kê, gia đình thượng tá Thanh xác định mất nhiều dây chuyền, nhẫn, lắc đeo tay bằng vàng 24K, 18K các loại và ba lượng vàng miếng SJC, đồng hồ, 10 triệu đồng và 2.000 USD.

Cũng trong ngày bọn trộm đột nhập nhà thượng tá Thanh, nhà của ông Võ Văn Hợi (chánh án TAND huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) một ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ, có phần xuống cấp, cách nhà thượng tá Thanh khoảng 100 m, cũng bị đột nhập. Tuy nhiên sau khi lục lọi khắp nhà vị lãnh đạo tòa án này, băng trộm không tìm được vật gì có giá trị cao đành lấy những thứ đồ lặt vặt.

“Tính từ năm 2008 - 2013, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng xảy ra hơn 80 vụ trộm đột nhập nhà cán bộ, công chức, viên chức, dân thường trộm tài sản với phương thức, thủ đoạn tương đối giống nhau. Chúng tôi đã phải lập chuyên án để đấu tranh nhưng chưa tìm ra tung tích băng đạo chích này. Dấu vết để lại hiện trường rất mờ nhạt, cách ra tay nhanh gọn, hầu hết đột nhập giữa thanh thiên bạch nhật.

Từ năm 2008 - 2013, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng xảy ra hơn 80 vụ trộm đột nhập nhà cán bộ, công chức, viên chức, dân thường để trộm tài sản.

Trong lúc lực lượng công an cả tỉnh nói chung và phòng PC45 nói riêng căng thẳng vì “nợ án”, vậy mà chỉ trong một ngày lực lượng công an phải đi khám nghiệm hiện trường hai vụ trộm ở gần nhau, của hai lãnh đạo ngành công an, tòa án khiến chúng tôi hết sức đau đầu” - một cán bộ điều tra thuộc phòng PC45 Công an tỉnh Sóc Trăng chia sẻ. 

Khi bị trộm đột nhập vào nhà, thượng tá Thanh đang là Phó trưởng Công an TP Sóc Trăng, sau đó được bổ nhiệm làm Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng, Trưởng phòng PC45, đơn vị phụ trách lĩnh vực phòng chống tội phạm về trật tự xã hội.

Vậy mà vụ án đột nhập nhà riêng của thượng tá Thanh còn chưa tìm ra hung thủ thì hàng loạt vụ trộm khác với phương thức, thủ đoạn tương tự lại liên tiếp diễn ra trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh lân cận như thách thức luật pháp. 

(Kỳ tới: Lần theo dấu vết)

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/20150515/ky-1-dich-ngam-nha-quan-chuc-hoac-giau-co/747267.html

Theo Gia Minh/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm