Hai ngày nay, mạng xã hội rúng động trước thông tin hai mẹ con một sản phụ ở Sài Gòn tử vong do sinh con “thuận tự nhiên”. Sau khi tham gia một lớp tập huấn với giá 15 triệu đồng, người mẹ đã quyết định sinh con ở nhà mà không có sự trợ giúp của bất kỳ người thân hay chuyên viên y tế nào. Trong quá trình chuyển dạ, người mẹ kiệt sức, con bị ngạt không được sơ cấp cứu kịp thời nên cả hai mẹ con đã tử vong.
Đau đớn có lẽ là cảm xúc hiển hiện nhất mà bất kỳ ai khi đọc mẩu tin này cũng cảm thấy. Đau đớn bởi cái kết nghiệt ngã không xuất phát từ sự vô thường của số phận mà bởi, nếu có thật, thì đó là từ sự mù quáng và mông muội của một người mẹ. Thứ đáng ra không nên có ở thời mà robot cũng đã chính thức được công nhận là công dân trên thế giới như thế này.
Dù câu chuyện xuất phát và bùng nổ trên mạng xã hội kia được khẳng định là không có thật, đây vẫn là lời cảnh tỉnh đối với những người đã, đang và sắp làm cha làm mẹ.
Đừng để các em bé phải giã từ cuộc sống ngay trước ngưỡng cửa cuộc đời. Ảnh: Kreeder Photography |
Làm mẹ là một công việc nhiều hoang mang, lo lắng. Lo lắng xuất hiện ngay từ khi biết rằng có một mầm sống đang lớn lên trong cơ thể mình. Rằng mình phải ăn gì, uống gì? Có cần bổ sung vitamin hay không? Phải cho con nghe nhạc Beethoven hay Chopin? Bao nhiêu là đủ? Bắt đầu nghe nhạc từ tháng thứ mấy? Liệu đứa trẻ đó sinh ra có được lành lặn? Rồi sinh thì sinh ở bệnh viện nào, có phốt gì không, bác sĩ nào giỏi? Sinh thường hay sinh mổ? Đẻ xong thì cho con bú mẹ hay sữa công thức? Luyện ngủ như thế nào? Con theo E.A.S.Y 3 hay 4? Đã biết ngủ xuyên đêm hay chưa? Rồi thì vắt sữa, bú bình để mẹ nhàn, ai cũng có thể tham gia vào chăm sóc em bé, mẹ có thời gian tận hưởng cuộc sống của riêng mình.
Lớn hơn một chút thì ăn dặm kiểu gì - ăn dặm bé chỉ huy BLW, ăn dặm kiểu Nhật hay trẻ em Pháp không ném thức ăn? Giáo dục sớm như thế nào để tận dụng giai đoạn vàng 0-6 tuổi? Montessori tự lập, Steiner yêu thương hay Glenn Doman thông minh? Nên dạy tiếng Anh từ khi nào? Học là một chuyện, chơi thì phải ra sao? Có được trải nghiệm thiên nhiên hay không?
Làm mẹ là một công việc khó. Làm mẹ ở Việt Nam lại càng khó!
Bởi sự nhiễu loạn thông tin.
Những kiến thức mới ồ ạt vô tình tách các bà mẹ trẻ ra khỏi thứ đáng ra có thể phần nào là trụ cột cho họ khi đảm nhận vai trò mới đầy lạ lẫm là những người bà, người mẹ. Khi khước từ truyền thống, những người mẹ trẻ phải tự bơi giữa một biển kiến thức, tin vào những lời nói, những dẫn chứng có vẻ thuyết phục và sự ủng hộ của đám đông dành cho những người nổi tiếng, những hội, những nhóm trên mạng xã hội.
Sự tin tưởng đôi khi đến quá dễ dàng, tự nhiên như đàn thiêu thân lao mình vào ánh sáng. Trong khi những kiến thức nghe có vẻ khoa học kia lại không phải lúc nào cũng xuất phát từ hiểu biết đích thực và mục đích trong sáng.
Bởi những người làm chuyên môn đã không nhận được sự tin tưởng cần thiết. Khi vấn đề xuất hiện, thứ người ta tìm tới không phải là các bác sĩ được đào tạo bài bản mà là “các mẹ thông thái” trên Facebook.
Vì bản thân mình và vì con, hãy học cách tiếp nhận thông tin với tư duy phản biện. Biết nghi ngờ, suy xét. Biết truy về tận cùng nguồn gốc của thông tin. Biết đặt niềm tin đúng chỗ. Kiến thức đáng lẽ nên là thứ truyền đi năng lượng tích cực, để người mẹ có thể tự tin thực hiện thiên chức chứ không phải để những người mẹ thấy mình kém cỏi, con mình chậm phát triển và biến thành cuộc thánh chiến của những kẻ cuồng tín.
Trên đời này, không có gì đúng hoàn toàn cũng không có gì sai tuyệt đối. Bất kỳ thứ gì cực đoan, phủ nhận thứ đối lập đều là không tự nhiên. Có đẹp là có xấu. Có yêu thương là có căm ghét. Quan trọng là hài hòa và phù hợp với bản thân.
Đẻ mổ không phải là án tử đối với một đứa trẻ, con không bú sữa mẹ vẫn có thể làm nên một giáo sư cho Việt Nam. Và vì cuộc đời này chỉ có một, đừng để bản thân, con cái và gia đình phải trả những cái giá quá đắt được tính bằng mạng sống!