TS.BS Đỗ Anh Toàn, Trưởng Đơn vị can thiệp Tiết niệu - Sinh dục, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM), nguyên nhân là khi thực hiện sinh thiết tiêu chuẩn, người bệnh nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt sẽ được nội soi lấy ngẫu nhiên 12 mẫu mô bất kỳ tại vùng ngoại biên của tuyến tiền liệt để chẩn đoán ung thư.
Thực tế, 80% ung thư tuyến tiền liệt xuất hiện ở vùng ngoại biên nên với việc lấy 12 mẫu mô cho xác xuất tìm thấy tế bào ác tính ở người bệnh cao. Tuy nhiên, TS Toàn cho biết với ung thư giai đoạn sớm, vẫn có tỷ lệ nhỏ bỏ sót tổn thương nghi ngờ ung thư ở các vị trí khó tiếp cận.
“Nếu nghi ngờ kết quả âm tính, bác sĩ có thể lấy đúng mẫu mô nghi ngờ để thực hiện sinh thiết, để tránh bỏ sót các nhân ung thư”, TS Toàn giải thích thêm.
Các bác sĩ thực hiện sinh thiết ung thư tuyến tiền liệt qua siêu âm kết hợp hình ảnh MRI. Ảnh: Trần Nhung. |
Để hạn chế tình trạng âm tính giả khiến bác sĩ có thể bỏ sót và không phát hiện người mắc ung thư tuyến tiền liệt, Bệnh viện Bình Dân áp dụng kỹ thuật sinh thiết tuyến tiền liệt qua hướng dẫn siêu âm kết hợp hình ảnh MRI.
Đây là kỹ thuật hiện đại và hiệu quả để phát hiện ung thư giai đoạn sớm. Đặc biệt, kỹ thuật này có thể giúp bác sĩ tìm ra người bệnh ung thư tuyến tiền liệt, dù kết quả sinh thiết tiêu chuẩn trước đó không phát hiện tế bào ác tính. Người bệnh không phải lấy nhiều mẫu mô tuyến tiền liệt hơn so với sinh thiết hệ thống theo tiêu chuẩn trước đây.
TS Toàn cho biết thêm trong 35 bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật này, có 14 trường hợp được sinh thiết lại lần hai khi bác sĩ có nghi ngờ có tế bào ác tính trong mẫu thử. Kết quả cho thấy 5 người xác định ung thư tuyến tiền liệt dù kết quả lần đầu chưa phát hiện ra.
Theo TS Toàn, ung thư tuyến tiền liệt là bệnh lý ác tính thường gặp nhất của hệ tiết niệu - sinh dục ở nam giới sau tuổi 50. Nếu điều trị sớm, 85% người mắc ung thư tuyến tiền liệt có thể sống đến 10 năm.