Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sinh viên bức xúc vì phải khám sức khỏe mới được xét tốt nghiệp

Một số sinh viên năm cuối của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) bức xúc khi nhà trường yêu cầu phải tham gia khám sức khỏe mới đủ điều kiện xét tốt nghiệp.

Vừa qua, Phòng Công tác Sinh viên của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) ra thông báo khám sức khỏe đối với sinh viên năm thứ tư và thứ năm (đối với khoa Ngữ văn Nga).

Thông báo nêu rõ các mục khám bao gồm khám thể lực (cân nặng, chiều cao), khám lâm sàng nội khoa (tuần hoàn, tiêu hóa, hô hấp, cơ xương khớp…), đo huyết áp, khám mắt, da liễu, tai - mũi - họng, răng - hàm -mặt. Mức phí khám sức khỏe cho sinh viên là 50.000 đồng.

Đáng nói, thông báo của Phòng Công tác Sinh viên có lưu ý: "Sinh viên phải tham gia khám sức khỏe để đủ điều kiện xét tốt nghiệp".

Sinh viên: Điều kiện vô lý

Sau khi đăng tải, nhiều sinh viên năm cuối tại trường bức xúc với nội dung thông báo. Đa số ý kiến cho rằng không có quy định nào bắt buộc khám sức khỏe mới được công nhận tốt nghiệp.

kham suc khoe sinh vien anh 1
Nội dung thông báo của Phòng Công tác Sinh viên, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) đăng tải trên website trường.

Bạn T.N.H. (sinh viên năm thứ tư, khoa Xã hội học) cho rằng khám sức khỏe là việc tốt nếu có đầy đủ bước xét nghiệm máu, lâm sàng nội khoa, tai - mũi - họng. Nam sinh từng khám sức khỏe ở trường lúc nhập học, chỉ có khám cân nặng, đo mắt, huyết áp, còn thiếu quá nhiều bước.

Đồng tình với ý kiến trên, H.P.Y. (khoa Báo chí) đặt câu hỏi: "Theo nội dung thông báo, bây giờ, mình không đi khám thì không được xét tốt nghiệp sao?".

Theo nữ sinh này, nhiều sinh viên đã hoàn thành chương trình học, đã về quê hoặc đi làm, việc khám tập trung rất bất tiện.

"Mình đã hoàn thành việc học từ Tết, bây giờ đang ở quê. Lẽ nào, mình phải vào lại Sài Gòn chỉ để khám sức khỏe như thế này", T.T., sinh viên khoa Báo chí, cho hay.

X.B. (sinh viên năm thứ tư, khoa Đô thị học) cho rằng việc khám sức khỏe này không cần thiết. Nhiều bạn bây giờ đã đi làm thì khám có ý nghĩa gì nữa.

Trường chỉ làm theo quy định

Chiều 6/4, làm việc với Zing.vn, bà Nguyễn Thị Kim Loan, trưởng phòng Công tác Sinh viên, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), xác nhận có thông báo như trên.

Theo bà Loan, phòng này chỉ làm theo quy định của Bộ GD&ĐT và yêu cầu của ĐH Quốc gia TP.HCM gửi đến các trường thành viên.

Các cơ sở đào tạo có trách nhiệm phải khám định kỳ và quản lý hồ sơ sức khỏe của sinh viên. Sinh viên tự đi khám sẽ không biết bao giờ xong và khó nhập dữ liệu. Trường có gần 3.000 sinh viên sắp tốt nghiệp, nếu không khám tập trung thì khó thu thập dữ liệu được.

Về mức phí, bà Loan cho biết phòng đã khảo sát trên thị trường và thấy đây là mức rẻ nhất, có lợi cho sinh viên. Mức phí này do Phòng khám Đa khoa Đại Phước - đơn vị khám sức khỏe, quy định.

Lý giải đây là điều kiện xét tốt nghiệp, bà Loan nói Phòng Công tác Sinh viên chỉ làm đúng theo quy định của Bộ GD&ĐT. Sinh viên phải có nghĩa vụ tuân theo những quy định, thông báo mà nhà trường đề ra. Ai không thực hiện đúng sẽ có hội đồng xem xét.

"Đây là quy định thì sinh viên phải làm, đừng đặt ra tại sao. Cũng giống như không được vượt đèn đỏ, đừng hỏi nếu tôi vượt thì sao, nếu vượt sẽ bị xử lý. Tương tự, nếu không đi khám sức khỏe sẽ có hội đồng xử lý. Sinh viên phải có nghĩa vụ hoàn thành mọi thông báo, quy định trong trường thì mới đủ điều kiện ra trường", bà Loan nói.

Với những trường hợp không thể tham gia khám sức khỏe tập trung, Phòng Công tác Sinh viên đề nghị những cá nhân này có đơn trình bày lý do cụ thể để được xem xét, giải quyết.

Bà Loan cho hay việc khám sức khỏe vốn được thực hiện định kỳ mỗi năm học, tuy nhiên phòng này chỉ thực hiện vào đầu và cuối khóa học vì muốn thuận tiện cho sinh viên.

"Đầu khóa, cuối khóa, sinh viên vào, ra sức khỏe như thế nào, chúng tôi phải nắm được tình hình, theo dõi, báo cáo cấp trên. Còn năm thứ hai và ba, các em đã có thẻ bảo hiểm y tế, đau ốm, bệnh tật thông qua việc đi khám, điều trị, chúng tôi có thể nắm nên không cần thiết phải khám tập trung tại trường, vừa đỡ tốn chi phí cho các em, vừa không mất thời gian", bà Loan cho biết thêm.

ĐH Quốc gia TP.HCM không đưa ra điều kiện

Chiều 8/4, trao đổi với Zing.vn, ông Lưu Trung Thủy - phó trưởng ban Công tác Sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết việc khám sức khỏe đầu và cuối khóa học nằm trong chủ trương chăm sóc sức khỏe cho sinh viên nói chung.

kham suc khoe sinh vien anh 2
Công văn của Ban Công tác Sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM gửi đến các trường thành viên. Ảnh: Minh Nhật.

Theo ông Thủy, việc khám sức khỏe định kỳ nhằm mục đích theo dõi tình hình sức khỏe của người học. Sinh viên có vấn đề về sức khỏe sẽ được kịp thời hỗ trợ để việc học tập được đảm bảo. Các trường thành viên có nhiệm vụ hỗ trợ ĐH Quốc gia TP.HCM theo dõi việc này.

"Trong văn bản, Ban Công tác Sinh viên của ĐH Quốc gia TP.HCM gửi đến các trường không có nêu bất cứ điều kiện ràng buộc nào về việc khám sức khỏe cuối khóa đối với sinh viên sắp ra trường. Khám sức khỏe và tốt nghiệp là hai việc hoàn toàn khác nhau", ông Thủy nói.

Phó trưởng ban Công tác Sinh viên của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng cho biết thêm riêng việc trường đưa ra điều kiện ràng buộc thì phải xem lại các quy chế, quy định của trường này. Cơ sở đào tạo đã ban hành và công bố đến sinh viên thì vẫn có cơ sở hợp lý của nó. Nếu sinh viên không thực hiện, trường có thể xem đây là lỗi chưa chấp hành quy định.

Ông Thủy cho biết trong sáng 9/4, Ban Công tác Sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ làm việc lại với ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn về vấn đề này.

* Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT ngày 5/4/2016 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy có quy định tại khoản 5, điều 4: "Sinh viên có nhiệm vụ thực hiện đầy đủ quy định về việc khám sức khỏe đầu khóa và khám sức khỏe định kỳ trong thời gian học tập theo quy định của cơ sở giáo dục đại học". 

* Công văn số 3836/BGDĐT-CTHSSV ngày 08/8/2016 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn tổ chức “Tuần sinh hoạt công dân - HSSV” đầu năm, đầu khóa, cuối khóa, trong đó có công tác khám sức khỏe đầu năm, khám sức khỏe cho sinh viên ra trường.

* Điều 15, Thông tư số 14/TT-BYT quy định trách nhiệm của cơ sở sử dụng lao động, trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề:

1. Chịu trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe cho đối tượng thuộc thẩm quyền mình quản lý theo quy định của pháp luật.

2. Quản lý sổ khám sức khỏe định kỳ của đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý.

Hàng nghìn sinh viên bị đuổi ở Sài Gòn: Hãy trách người học lười biếng

Theo TS Lê Viết Khuyến, hàng nghìn sinh viên bị đuổi do thiếu cố gắng và cố vấn học tập không phát huy được hết vai trò của mình.



Minh Nhật

Bạn có thể quan tâm