“Mình hứa với bố mẹ sẽ nhận bằng tốt nghiệp vào cuối năm nay, sau khi thất hứa vào tháng 8. Nếu lại thi trượt chuẩn tiếng Anh đầu ra lần nữa, không thể nhận bằng vào tháng 11, mình không dám đối diện với bố mẹ”, Như Ngọc chia sẻ với Zing.
Như Ngọc (22 tuổi) hiện là sinh viên năm cuối tại một trường đại học tại TP.HCM. Cô hoàn thành chương trình học của mình vào tháng 4/2021, nhưng đến nay nữ sinh vẫn chưa được cầm bằng tốt nghiệp, một phần vì đại dịch, nhưng phần lớn là vì tiếng Anh.
Để đủ điều kiện xét tốt nghiệp, Ngọc phải có ít nhất IELTS 5.5, chứng chỉ tiếng Anh tương đương hoặc ngoại ngữ khác. Không có mục tiêu lấy chứng chỉ cao, nữ sinh chọn thi nội bộ trong trường để dễ học, dễ qua. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, cô đã thi 3 lần nhưng vẫn chưa có kết quả.
Chật vật 5 lần thi
Cấp 3, Như Ngọc là học sinh ban C, “chinh chiến” và gặt hái được nhiều giải thưởng môn Lịch sử. Tuy nhiên, môn tiếng Anh thì ngược lại, đây là cơn ác mộng đối với Ngọc. Dù thử nhiều cách, ngoại ngữ này dường như “miễn nhiễm” với cô.
“Từng nghĩ không hợp tiếng Anh, mình chuyển qua học tiếng Trung. Tuy nhiên, được 2 tháng, mình không cũng không tiếp thu nổi ngoại ngữ này. Kết quả, mình quay lại với tiếng Anh vì thấy khả thi hơn”, Ngọc kể lại.
Đầu năm 2 đại học, song song với đại cương và chuyên ngành, Ngọc đăng ký học thêm tiếng Anh tại trung tâm gần trường, chuẩn bị sớm cho kỳ thi tiếng Anh là điều kiện học năm 3. Tuy nhiên, kết quả thi không như mong đợi, cô thi trượt và bắt đầu gặp rắc rối.
“Mình chủ quan, học chán chê nhưng mãi tới gần năm 3 mới chịu thi. Cuối cùng không đạt, mình bị khóa học phần nguyên một kỳ. Trầy trật thi lần 2, mình mới có kết quả vừa đủ để được học tiếp”, Ngọc nhớ lại.
Như Ngọc chậm ra trường vì chuẩn đầu ra tiếng Anh. Ảnh minh họa: Lendsec. |
Rút kinh nghiệm, khi chuẩn bị hồ sơ tốt nghiệp, Ngọc ôn thi chuẩn tiếng Anh đầu ra sớm. Xác định xét tốt nghiệp vào tháng 8/2022, nữ sinh đăng ký thi tiếng Anh tại trường trước đó 3 tháng. Tuy nhiên, Ngọc vẫn không đạt.
Tiếp tục ôn và thi trong 2 tháng sau đó, kết quả nhận về vẫn như ban đầu. Cô bắt đầu thấy áp lực khi bạn bè bắt đầu ra trường. Dù có điểm tổng kết loại giỏi, Ngọc vẫn bị “ngâm” bằng vì tiếng Anh.
“Công việc của mình vì vậy mà dang dở. Nửa năm nay, mình làm việc mà không được ký hợp đồng chính thức, không được hưởng quyền lợi của người lao động, chỉ vì chưa có bằng tốt nghiệp nộp về công ty”, nữ sinh chia sẻ.
Tháng 11, trường Ngọc mở đợt xét tốt nghiệp cuối cùng trong năm. Nữ sinh tiếp tục ôn và thi vào ngày 23/10 vừa qua. Cô không dám nói trước về kết quả, chỉ hy vọng may mắn đến với mình.
“Mình xin đủ nguồn tài liệu tham khảo, dự đoán đề, học ngày học đêm với hy vọng đủ điểm xét tốt nghiệp. 4 năm học với 5 lần ôn và thi, mình mất tổng 8 triệu cùng nhiều thời gian cho ngoại ngữ”, Ngọc cho hay.
Chán nản với việc học
Tương tự, chuẩn đầu ra tiếng Anh của trường Mai Anh (22 tuổi) theo học là mức B1 hoặc chứng chỉ tương đương. Sinh viên tùy ý học 14 tín chỉ ngoại ngữ và thi tại trường, hoặc thi chứng chỉ bên ngoài nộp về phòng đào tạo.
Chia sẻ với Zing, Mai Anh cho biết từ cấp ba, năng lực tiếng Anh của cô ở dạng khá, không quá kém. Ngay từ năm nhất, cô lựa chọn học và thi tại trường, nghĩ sẽ tiện hơn và có thể hệ thống lại kiến thức. Tuy nhiên, sau khi học 9 tín, Mai Anh quyết định dừng dù chỉ còn 5 tín là đủ điều kiện thi chuẩn đầu ra.
Sau khi học 9/14 tín, Mai Anh quyết định dừng học ngoại ngữ tại trường. Ảnh: NVCC. |
“Mình không đủ kiên nhẫn và hứng thú chương trình tiếng Anh tại trường. Thời gian học một buổi quá dài (5 giờ/buổi), diễn ra trong một kỳ học (15 tuần). Phương pháp giảng dạy cũng không phù hợp với mình, quá nhàm chán. Mình không tiếp thu được nhiều”, Mai Anh chia sẻ.
Ngoài ra, việc học thêm một ngành học mới vào năm 2 và đi làm thêm cũng là lý do khiến Mai Anh dừng việc học ngoại ngữ này.
Gần cuối kỳ 2 năm thứ 4, khi chuẩn bị ra trường, Mai Anh lựa chọn ôn tại trung tâm trong 2 tuần, thi lấy chứng chỉ APTIS bên ngoài và nộp về trường để đủ điều kiện xét tốt nghiệp.
Nữ sinh cho rằng việc này được thực hiện nhanh chóng và dễ dàng, thời gian học ngắn hơn. Tuy nhiên, việc học này chỉ mang tính chất học “xổi”, theo mẫu để đi thi, kiến thức cô thu lại không nhiều hơn là bao so với học ở trường, chỉ có điều thời gian được tiết kiệm.
Cuối cùng, tổng chi phí để Mai Anh đạt đủ điều kiện chuẩn đầu ra ngoại ngữ là 7,5 triệu đồng, bao gồm cả việc học ở trường, ôn tập ở trung tâm và thi bên ngoài.
Tuy nhiên, vì nộp chứng chỉ muộn, quá thời hạn hậu kiểm tại trường (mỗi năm 2 đợt), nữ sinh cũng chịu cảnh tốt nghiệp muộn giống Như Ngọc.
Lựa chọn ngoại ngữ khác
Trong khi đó, bởi có nền tảng tiếng Anh khá tốt, Ngọc Bích (21 tuổi, sinh viên năm 3 tại một trường đại học ở TP.HCM) chọn theo đuổi tiếng Trung. Trường cô không bắt buộc học ngoại ngữ tại trường, sinh viên chỉ cần nộp đủ chứng chỉ trước khi lên năm 3 và trước khi tốt nghiệp.
Vào thời điểm cuối năm 2, chưa tự tin với vốn tiếng Trung, Bích quay lại đăng ký thi tiếng Anh để đủ điều kiện học năm 3. Nhận được kết quả, cô “hết hồn” vì vốn tiếng Anh của mình xuống cấp nghiêm trọng, chỉ vừa đủ đạt điều kiện.
“Hai năm bỏ bê, vốn tiếng Anh của mình mất nhiều hơn tưởng tượng. Thú thật là mình hơi sốc”, cô nói.
Bích trở nên mất tự tin về bản thân. Cô dồn sức học tiếng Trung để đạt đủ điều kiện ra trường, thay vì suy nghĩ còn tiếng Anh để “phòng hờ”. Dù thích thú với ngoại ngữ mới này, Bích phải khẳng định tiếng Trung là ngôn ngữ khó học.
Theo nữ sinh, bảng chữ cái thứ tiếng này có nhiều bộ khó nhớ, dễ lẫn lộn, nhớ được mặt chữ chưa chắc đã nhớ được nghĩa. Trong lúc học, cô phải vận dụng hết khả năng suy luận logic để nhớ từ vựng và cách viết chúng.
Trừ thời gian nghỉ ngơi và học trên lớp, Bích dành toàn bộ tâm sức cho việc học ngoại ngữ. Nữ sinh phân bổ thời gian biểu rõ ràng: ban ngày luyện nói, phát âm; ban đêm luyện nghe, viết.
“Mình coi thời gian giãn cách xã hội năm ngoái là cơ hội để nâng cao khả năng. Sau nhiều tháng ‘cày cuốc’, đầu năm 2022, ở bài thi thử, mình đạt HSK 3”, Bích nói.
Sắp tới, nữ sinh dự định sẽ thi lấy chứng chỉ HSK 3 để làm hồ sơ tốt nghiệp. Cô cũng đang có kế hoạch học lại tiếng Anh để đáp ứng công việc sau này.