Văn phòng kiêm… phòng trọ
N. T. Y. (năm thứ tư, khoa Văn, ĐH Sư phạm Hà Nội) muốn kiếm một công việc làm thêm là đi giúp việc theo giờ.
Sau khi theo dõi trên mạng xã hội, Y. gọi điện cho chị L. - admin một trang để thỏa thuận về việc nhận giúp việc cho một gia đình ở Cầu Giấy. Chị L. yêu cầu Y. đến đường Phạm Ngọc Thạch để nộp hồ sơ (gồm bản photo CMND và thẻ sinh viên) và đóng 200.000 đồng phí môi giới, trước khi nhận việc.
Hình ảnh mang tính minh họa. |
Y. kể: “Địa điểm chị ấy hẹn mình nằm trên tầng 5 của một ngôi nhà. Đó không phải là văn phòng mà chắc là nơi chị ấy thuê trọ để ở vì mình thấy cả giường, tủ, quần áo… Sau khi nộp tiền, chị ấy dặn dò một vài trách nhiệm của mình như là phải thật thà, chăm chỉ…
Tuy nhiên, chị ấy không nói gì đến trách nhiệm của bên thuê, nếu xảy ra sự cố thì hai bên sẽ giải quyết ra sao… Rồi chị ấy bảo mình cứ về chờ, khi liên lạc được với chủ nhà, chị ấy sẽ chủ động điện thoại để mình tới nhận việc”.
Một tuần, rồi hai tuần, Y. ngóng chờ nhưng không hề nhận được bất kỳ cú điện thoại nào từ phía chị L.. Sốt ruột, Y. một vài lần điện thoại thúc giục nhưng chỉ nhận được câu trả lời: “Chị vẫn chưa liên hệ được với chủ nhà. Em cứ bình tĩnh chờ đợi. Khi có việc, chị sẽ gọi em ngay”.
Trang mạng này vẫn liên tục đăng tải công việc mới, thấy một công việc khá ưng ý, Y. lại gọi cho chị L. và bày tỏ mong muốn được làm ngay, với công việc này, thay vì tiếp tục chờ đợi. Chị L. đồng ý và hứa sẽ giới thiệu việc đó cho Y.
Lần này, đã có chút nghi ngờ, Y. nhờ một người bạn gọi điện cho chị L., xin nhận công việc mà chị này vừa hứa giao cho Y.. Thật đúng như dự cảm của Y., chị L. thông báo công việc này vẫn còn trống và vẫn áp dụng chiêu cũ: Hẹn bạn của Y. tới nhà để nộp hồ sơ và… tiền. “Đến lúc ấy thì mình có thể khẳng định chắc chắn rằng, chị ta là kẻ lừa đảo”, Y. nói.
Không muốn mất số tiền đã đóng, Y. nhiều lần tìm cách gặp chị L. Y. nhớ lại: “Lần thứ nhất, mình đến vào Chủ Nhật nhưng chị ấy nói không có ở nhà. Lần thứ hai, mình đến vào thứ Bảy (thông thường thường chị ấy vẫn làm việc vào thứ Bảy) nhưng chị ấy vẫn bảo không có nhà.
Lúc đó, mình thấy cửa không khóa ngoài, chỉ chốt phía trong, bên ngoài vẫn còn giày dép nên mình đoán là chị ấy thực ra có nhà, chỉ không muốn gặp mình”. Biết khó có thể đòi lại số tiền đã đóng, Y. ngậm ngùi quay về, viết bình luận vào một số bài đăng của trang này, khuyên các sinh viên nâng cao cảnh giác. Thế nhưng, các bình luận này của Y. đều bị xóa ngay lập tức.
Tính toán kỹ nhưng vẫn sập bẫy
N. T. H. P. (năm thứ nhất, khoa kinh tế, ĐH Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp) cũng chịu chung tình cảnh mất trắng khoản phí môi giới. P. cho biết, bạn là người kỹ tính, cẩn thận nên sau khi tìm hiểu khá nhiều trang mạng môi giới giúp việc theo giờ, P. mới gọi điện cho một trang có đăng khá nhiều phản hồi tích cực của sinh viên.
P. được chủ trang này hẹn ra chỗ đài phun nước trước cổng Royal City (đường Nguyễn Trãi, Hà Nội) để nộp hồ sơ và đóng phí. Hôm đó, ngoài P. thì còn có thêm vài bạn sinh viên khác. “Lúc đầu, thấy địa điểm giao dịch là nơi công cộng, mình đã hơi nghi ngờ. Thế nhưng, nghĩ đến những phản hồi tốt của các bạn sinh viên trên mạng, mình lại thấy yên tâm. Lẽ ra, gặp được chủ nhà thì mới nộp tiền, đằng này, mình nôn nóng quá nên đã nhanh chóng nộp hồ sơ và 200.000 đồng”, P. kể.
Kể từ đó, đã được hơn một tháng nhưng P. vẫn chưa được admin kia giới thiệu việc, thậm chí, ngay cả một cuộc điện thoại để giải thích với P. về lý do công việc chậm trễ cũng không có.
P. bức xúc: “Mình chọn giúp việc theo giờ để làm thêm vì nghĩ rằng, đó là công việc cần sức lao động đúng nghĩa chứ không mơ hồ, phi lý kiểu “dễ làm, tốn ít thời gian, lương lại cao”, do vậy, ít có khả năng bị lừa. Ai ngờ, đã cẩn thận vậy mà vẫn bị “sập bẫy” kẻ gian. Tiền mất, mình cũng mất luôn lòng tin với các “fanpage” dạng này”.