Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sinh viên gốc Việt nghĩ gì khi bị ĐH Harvard đối xử bất công?

Sinh viên gốc Việt vẫn tôn trọng, ngưỡng mộ Harvard dù bị đối xử bất công. Đây là tình trạng chung của nhiều ứng viên gốc Á khi ứng tuyển vào ngôi trường danh tiếng.

Ngày 14/12, ABC News đăng phóng sự về sự phân biệt đối xử của các trường đại học hàng đầu ở Mỹ đối với sinh viên gốc châu Á, trong đó có người Việt.

Trong cuộc chạy đua vào những trường hàng đầu ở Mỹ, Ben Huỳnh - chàng trai gốc Việt lớn lên tại Chicago - nỗ lực để có xuất phát điểm cao hơn phần lớn ứng viên khác. Cậu đạt điểm tuyệt đối 2.400 trong kỳ thi chuẩn hóa SAT, từng giữ vai trò lãnh đạo trong các hoạt động xã hội, có năng khiếu về âm nhạc. Những yếu tố này giúp Huỳnh có hồ sơ ứng tuyển gần như hoàn hảo đối với các tiêu chí tuyển sinh của trường Mỹ.

Tuy nhiên, chàng trai gốc Việt nhận được lời từ chối của phần lớn trường hàng đầu, bao gồm cả ĐH Harvard.

sinh vien goc Viet bi harvard tu choi anh 1
Ben Huỳnh vẫn tôn trọng Harvard dù bị đối xử bất công. Ảnh: Abc News.

Phản ứng bất ngờ khi bị phân biệt đối xử

"Tôi hơi thất vọng trước kết quả này", Ben Huỳnh chia sẻ và nói thêm chưa bao giờ đổ lỗi thất bại của bản thân lên những tiêu chí tuyển sinh bất công tại các trường danh tiếng.

Sau nỗi thất vọng ban đầu, Huỳnh khẳng định vẫn ngưỡng mộ, tôn trọng những cái tên hàng đầu trong giáo dục đại học Mỹ. Cậu cho rằng chính sách tuyển sinh của những trường này còn tồn tại bất cập, thiếu sót song nó mang lại sự cân bằng cần thiết cho quá trình tuyển sinh và nhập học phức tạp.

Cuối cùng, với bảng thành tích xuất sắc, Huỳnh trúng tuyển ĐH Chicago và hài lòng với kết quả này.

"Tôi không nghĩ mình sẽ làm điều gì để thay đổi thực tế, cũng không cho rằng đây là vấn đề phân biệt chủng tộc. Bản thân tôi còn có nhiều chuyện quan trọng cần giải quyết", nam sinh gốc Việt nói.

Ben Huỳnh không phải người duy nhất có cách nhìn nhận như vậy khi Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành điều tra về yếu tố phân biệt chủng tộc trong quá trình tuyển sinh của ĐH Harvard.

sinh vien goc Viet bi harvard tu choi anh 2
ĐH Harvard phân biệt đối xử trong tuyển sinh dựa trên sắc tộc, màu da và xuất thân. Ảnh minh họa: Rent a Guide.

Trong tháng 11, bộ này yêu cầu Harvard cung cấp hồ sơ nhập học nhằm góp phần đánh giá liệu trường có vi phạm điều VI - cấm phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia trong các chương trình do liên bang tài trợ.

Cuộc điều tra xuất phát từ đối thoại toàn quốc về các hành động gây tranh cãi trong môi trường giáo dục đại học. Cụ thể, năm 2014, nhóm sinh viên đấu tranh vì công bằng trong tuyển sinh khởi kiện Harvard phân biệt đối xử với người Mỹ gốc Á thông qua việc hạn chế số lượng sinh viên trúng tuyển.

Vụ việc dấy lên mối lo ngại các trường hàng đầu như Harvard đối xử bất công với sinh viên gốc Á, đặc biệt khi trường thừa nhận ủng hộ các dân tộc thiểu số như một biện pháp nhằm đa dạng hóa nguồn gốc xuất thân của sinh viên trong trường.

Edward Blum, Chủ tịch Hội sinh viên vì công bằng tuyển sinh, đồng thời là người hỗ trợ pháp lý cho vụ kiện năm 2014, đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận nhằm đấu tranh loại bỏ những ưu đãi chủng tộc trong tuyển sinh đại học. Ông đánh giá cao cuộc điều tra của chính phủ. 

"Tôi cho rằng có nhiều cách để tạo nên sự đa dạng trong sinh viên mà không cần hỗ trợ nhóm người này bằng cách hạn chế cơ hội của nhóm người khác", Blum nhấn mạnh.

Sự phân biệt đối xử là cần thiết?

Tuy nhiên, một số người Mỹ gốc Á có cách nhìn nhận khác. Raymond Tang, sinh viên gốc Trung tại Harvard, khẳng định anh hiểu rõ chính sách tuyển sinh cũng như yếu tố lựa chọn trong tuyển sinh của các trường hàng đầu, đặc biệt những trường thuộc Ivy League.

"Nếu trượt Harvard, tôi sẽ không ngạc nhiên vì tôi vốn mong đợi vào quá trình tuyển sinh khắt khe", Tang nói.

Với điểm SAT đạt 2.300 và 6 huy chương về trượt băng nghệ thuật cùng hàng loạt thành tích nổi bật trong học tập và nghệ thuật, Tiffany Lau cũng là ứng viên có hồ sơ hoàn hảo.

sinh vien goc Viet bi harvard tu choi anh 3
Tiffany Lau trúng tuyển Harvard nhờ bộ hồ sơ hoàn hảo. Ảnh: Abc News.

Nhờ đó, cô trở thành sinh viên ngành Lịch sử & Văn học, Sân khâu, Vũ đạo & Truyền thông tại ĐH Harvard. Nữ sinh 20 tuổi khẳng định cuộc đua vào trường hàng đầu luôn có tính cạnh tranh cao. 

Cô tin tưởng tất cả ứng viên, bất kể màu da, sắc tộc, cần hiểu rõ cơ hội trúng tuyển không chỉ phụ thuộc bảng thành tích tuyệt vời và hồ sơ ấn tượng. Lau giải thích để nhìn nhận tổng thể một người, giám khảo phải đánh giá các yếu tố làm nên bản sắc của người đó.

"Sắc tộc là bộ phận trung tâm trong cách một người hướng đến thế giới, cách họ trưởng thành và họ là ai", nữ sinh gốc Trung bày tỏ.

Cùng quan điểm, Tang tin tưởng các trường hoàn toàn hợp lý khi tuyển sinh dựa trên nhiều yếu tố. Anh cho rằng nếu trường không đặt ra tiêu chí tuyển sinh để phù hợp những ứng viên có bối cảnh văn hóa khác nhau, họ sẽ chỉ tuyển được hàng loạt sinh viên tương tự nhau, đánh mất sự đa dạng.

Ở một góc nhìn khác, không ít người đồng tình với Edward Blum, chỉ trích cơ chế tuyển sinh hiện tại là "sự thật xấu xí".

Micheal Paik, sinh viên năm cuối tại ĐH Pennsylvania từng đạt 2.300 điểm SAT, giữ bảng thành tích toàn điểm A, đã phải nỗ lực rất nhiều trong quá trình làm hồ sơ để định hình bản thân khác với những sinh viên gốc Á thông thường.

Anh cho biết các gia đình người Mỹ gốc Á vẫn giữ quan điểm nuôi dạy con chú trọng điểm số, khiến cuộc cạnh tranh vào đại học khốc liệt hơn. Vì thế, dù hiểu rõ quá trình chạy đua vào trường hàng đầu không dễ, Paik vẫn cảm thấy các trường bất công với sinh viên gốc Á.

sinh vien goc Viet bi harvard tu choi anh 4
Micheal Paik được dạy rằng anh có thể trượt đại học chỉ vì là người gốc Á. Ảnh: Abc News.

Trong khi đó, mẹ anh, bà Michelle Paik, nhận thức rõ cơ chế tuyển sinh mà bà cho là bất công này. Bà có 5 người con, hai con lớn đang học đại học và 3 người còn lại vẫn phấn đấu để đặt chân vào môi trường giáo dục bậc cao.

Bà đã sốc khi biết hai con trúng tuyển vào trường hàng đầu dù trong quá trình học, họ luôn đứng đầu lớp. Không phải bà Paik thiếu tin tưởng vào con mà trên thực tế, bà cũng như hai con hiểu rõ tiêu chuẩn đối với sinh viên gốc Á luôn cao hơn.

Dù không muốn làm con nản lòng, bà phải thường xuyên cảnh báo con rằng đạt thành tích tốt, họ vẫn có nguy cơ lớn bị đánh trượt chỉ vì là người gốc Á. Bà phản đối cơ chế tuyển sinh hiện tại đồng thời cho rằng trường nên đưa ra chính sách ưu đãi dựa trên nền tảng kinh tế - xã hội của ứng viên.

Bà đặt ra vấn đề khi những ứng viên có chung xuất thân, hưởng nền giáo dục tương tự, tại sao một số người lại được ưu tiên nhờ dòng họ và màu da của họ. Bà mẹ 5 con thường chia sẻ suy nghĩ này với những phụ huynh cùng cảnh ngộ. Họ thấu hiểu nhau trong nỗi bất lực khi con mình bị đánh trượt.

"Hiện tại, chúng tôi chẳng thể làm gì ngoài chấp nhận sự bất công này và nỗ lực nhiều hơn nữa", bà Paik nói.

Năm 2016, dựa trên quan điểm của bà, Gallup tiến hành khảo sát về vấn đề này. 65% người tham gia khảo sát phản đối việc đưa yếu tố sắc tộc vào quá trình tuyển sinh. Cuộc bỏ phiếu cho thấy số đông người Mỹ mong muốn các trường chấm dứt tình trạng bất công đối với sinh viên gốc Á. Phụ huynh và học sinh ủng hộ vụ kiện năm 2014 vì đây là cơ hội để họ bày tỏ nỗi thất vọng đồng thời đấu tranh cho quyền lợi của cộng đồng.

Họ hy vọng thế hệ trẻ sẽ không bị phân biệt đối xử như cách Harvard đã áp dụng với sinh viên Do Thái vào thập niên 20 của thế kỷ trước.

Cuộc đấu tranh vì công bằng tuyển sinh đã kéo dài hàng thập kỷ qua. Trong khi Bộ Tư pháp bắt tay vào giải quyết, nước Mỹ chắc chắn tiếp tục tranh luận về yếu tố sắc tộc trong quá trình lựa chọn sinh viên.

"Nó giống như chơi xổ số. Bạn có thể đạt được nhiều thứ nhưng hoàn toàn chẳng có gì đảm bảo điều đó cả", bà Michelle Paik nhận định.

Giới nhà giàu Mỹ tiêu tốn hàng triệu USD cho con học tập

Theo ước tính của "Town & Country", giới nhà giàu ở Mỹ chi bình quân gần 2 triệu USD để con họ có thể theo học tại những trường hàng đầu.


Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm