Loại hình diễn xướng từng bị coi là mê tín dị đoan đang được đưa vào chương trình giảng dạy tại đại học Văn hóa Hà Nội. Nhiều sinh viên tỏ ra hào hứng khi được thoát xác.
|
Một buổi học hát văn và hầu đồng tại Đại học Văn hóa Hà Nội. Đây là một nội dung nằm trong chương trình giảng dạy của trường, giúp cho sinh viên có cái nhìn đa chiều về loại hình đặc biệt này. Giảng viên Nguyễn Thu Thủy vào vai ông Hoàng Bảy với thần thái oai phong của một giá đồng. Đây cũng là một trong những tiết mục văn nghệ của tập thể khoa Du lịch mỗi khi tham gia hội diễn văn nghệ của trường. |
|
Giảng viên Trịnh Lê Anh là một trong những thầy giáo đứng trên bục giảng. Anh giải thích: "Ngày nay, khi chúng ta đang phải ra sức để bảo tồn các loại hình nghệ thuật như hát xoan, nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên bởi đang có nguy cơ mai một rõ nét thì hát quan họ, hát văn vẫn đang có sức sống mãnh liệt trong đời sống thường ngày. Đây cũng là loại hình nghệ thuật dân gian có sức lan tỏa khá mạnh".
|
|
Còn cán bộ nhà hát Chèo Hà Nội kiêm thủ nhang đồng đền Hoàng Tiến Hưng giúp các sinh viên hiểu thêm về sự kết hợp tinh tế giữa hát văn và hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Qua đây có thể phân biệt rõ hơn những đặc trưng, nét đẹp riêng của loại hình diễn xướng hát văn khi khắc họa các nhân vật trong 36 giá đồng, hiểu được các bài trí và thứ tự trong đền phủ tại Việt Nam, nơi mà khi ra trường các bạn có thể phải thực tế trong công việc chuyên môn.
|
|
Các sinh viên đang theo học ngành quản lý du lịch K52 đều tỏ ra hào hứng với buổi học này. Bản chất của hầu đồng là việc người ta mượn thân xác các ông đồng, bà đồng để thần linh của Đạo Mẫu nhập vào nhằm cầu xin tài lộc, sức khỏe. Về nghệ thuật, hầu đồng là nghệ thuật trình diễn tổng hợp, có âm nhạc, có lời ca, có điệu múa. Sân khấu của hầu đồng là sân khấu tâm linh vì nó gắn với không gian thiêng. Về nội dung, hầu đồng gắn với huyền tích về công lao của các nhân vật lịch sử văn hóa, như ông Hoàng Ba, ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Mười, các anh hùng dân tộc. Nhiều bạn trẻ đã biết được lịch sử hình thành và phát triển của thờ Mẫu: Tại sao lại thờ từ Nữ thần đến thờ Mẫu thần, Mẫu tam phủ, tứ phủ... là bài học thực tế cho những nhà quản lý văn hóa tương lai.
|
|
Nguyễn Thị Ngân (lớp nghiên cứu văn hóa K52) từng làm các đề tài nghiên cứu về vấn đề này, đã đi phỏng vấn tìm hiều từ các nhà chuyên môn. Cô bạn trẻ nhân dịp này được trực tiếp nghe giảng (qua lý thuyết và thực hành) và được giải đáp câu hỏi từ chính người trong nghề và thấy khá thú vị.
|
|
Các nhạc cụ đặc trưng trong hát văn cũng được bày ra hành lang giảng đường để cho sinh viên làm quen. Các bài văn hát thường xắp xếp như một câu chuyện về xuất xứ của thánh và tôn vinh công đức, kỳ tích của ngài. Giai điệu của hát văn khi thì mượt mà, hấp dẫn, khi lại dồn dập, khỏe khoắn vui tươi.
|
|
Theo giảng viên Trịnh Lê Anh thì sinh viên ngành du lịch, quản lý văn hóa cần phải biết và hiểu rõ đâu là văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, đây là tính tâm linh khác hẳn với mê tín dị đoan. Thực tế, những năm 60-80 của thế kỷ 20, Đạo Mẫu và nghi lễ hầu đồng chưa được nhìn nhận thỏa đáng. Nhưng từ năm 1990 đến nay, giới nghiên cứu đã có nhiều công trình khoa học về loại hình này.
|
|
Không chỉ có Đại học Văn hóa, các sinh viên tại ĐH KHXH&NV cũng đã được làm quen và nghiên cứu hầu đồng, hát văn. Thanh đồng Hoàng Tiến Hưng đã đến chỉ bảo từng động tác múa, di chuyển hay sắc thái biểu cảm sao cho đúng với thần thái của từng giá đồng. Các giảng viên, sinh viên khoa Du lịch học cũng hào hứng thử được làm động tác thoát xác.
|
|
Đang bắt chước các động tác của thầy là sinh viên Nguyễn Quang Huy (K58 khoa Du lịch học). Lần đầu chàng trai này được uốn dẻo từng động tác để vào vai Cô Đôi Thượng Ngàn, một trong 12 tiên cô (thập nhị tiên nàng) theo hầu mẫu. Huy hóa thân thành nữ thần và có phong cách biểu diễn sinh động, tinh tế.
|
|
Nhờ đó đông đảo khán giả đón nhận một cách tích cực trong loạt tiếc mục "Đi qua miền di sản" do thầy trò khoa Du lịch mang tới hội diễn văn nghệ của trường ĐH KHXH&NV.
|
|
Sau buổi diễn, sinh viên Nguyễn Quang Huy (nhân vật chính trong cô Đôi Thượng Ngàn) tỏ ra bất ngờ, xúc động khi màn diễn xướng của mình được các bạn sinh viên tại nhà văn hóa Mễ Trì đón nhận nhiệt tình.
|
Nếu không có nhiều thay đổi, vào năm 2015 tới, hồ sơ văn hóa “Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt” trong đó có Hầu Đồng sẽ được trình UNESCO để công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Nhân dịp này, nhiều ý kiến cho rằng, hầu đồng đang đi quá đà, bị bóp méo và phục vụ cho một bộ phận người mê tín dị đoan, hành nghề trục lợi. Có hiện tượng một số người tinh thần không ổn định muốn mượn hầu đồng để giải quyết mặt tinh thần. Việc “buôn thần bán thánh” trong hầu đồng đang rất nghiêm trọng. Bên cạnh đó, điểm đặc sắc nhất của hầu đồng là hát chầu văn thì đang ở tình trạng hỗn tạp, nửa Tây nửa Tàu, không thể kiểm soát được. Thứ hỗn tạp đó, đôi khi còn trở nên dị thường bởi họ đưa rất nhiều yếu tố mới lạ vào, trong đó có cả nhạc xập xình. Như vậy, hầu đồng đang phát triển không đúng hướng cả về nghệ thuật cũng như tín ngưỡng dân gian.
Các nhà nghiên cứu cũng có ý kiến, để đưa hầu đồng ra thế giới công nhận cần phải xem xét một cách nghiêm túc và thận trọng sau những biến tướng đang xảy ra thực tế ngoài xã hội.
Ảnh: Hoàng Anh - Video: Mạnh Thắng