Sinh viên khổ vì ở ghép
Cuộc sống ngày một khó khăn, vì vậy nhiều sinh viên (SV) đã chọn ở ghép để san sẻ bớt tiền phòng. Tuy nhiên, ở đông người nhiều khi lợi bất cập hại.
>> Cô gái 9X xin 'ở ghép' để trộm cắp
>> Ở trọ ghép: Không 'ngồi sòng', 'chạy giặc' thì … biến
Chúng tôi ghé vào một phòng trọ SV ở khu phố 6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức (TP.HCM) vào một ngày cuối tháng 4. Căn phòng khoảng 8m2, tối om và ẩm thấp, phía trên có một cái gác lửng, Ngô Sỹ Bình - SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, một thành viên của phòng trọ cho biết: “Phòng này có 7 người ở. Giá thuê phòng 1,2 triệu đồng/tháng, tính ra thì mỗi tháng một người chỉ đóng hơn 200.000 đồng (đã bao gồm tiền điện, nước). Mới nghe qua thì thấy có lợi, nhưng được cái này lại mất cái kia”.
Nên tìm những bạn từng quen biết nhau để ở chung |
Thái Hưng - SV Trường CĐ Xây dựng số 2 - ở cùng phòng trọ trên than thở: “Mỗi tháng trả tiền phòng nhẹ thật, nhưng ở đông người như thế quá chật chội, ồn ào nên chẳng tập trung học hành được gì cả. Phòng trọ chỉ để ngủ thôi chứ muốn học hành thì phải lên giảng đường hoặc đi chỗ khác”. Chúng tôi hỏi sao lại ở đông đến thế? Hưng trả lời: “Mình cũng muốn chỗ ở ít người cho thoải mái, thuận tiện cho việc học hành nhưng cuộc sống khó khăn nên đành phải chấp nhận”.
Tương tự, phòng trọ nơi bạn Trần Thị Trang - SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM ở chung cùng 4 bạn nữ khác chỉ khoảng 12m2 nhưng buổi tối phải dành chỗ để 3 chiếc xe đạp nên rất chật chội. Trang tâm sự: “Giá phòng trọ này 2,2 triệu đồng/tháng. Nếu cộng cả tiền điện, nước nữa thì hằng tháng mỗi bạn phải trả hơn 500.000 đồng. Do phòng trọ ở đông người nên rất chật chội, khó khăn và ảnh hưởng đến việc học. Đến mùa thi ngày nào mình cũng ở lại trường để học bài đến 9h tối, chứ về phòng trọ không tài nào học được”.
Không chỉ ảnh hưởng đến chuyện học hành, ở đông như thế còn dễ xảy ra xích mích, mâu thuẫn và phát sinh những chuyện không hay. Huỳnh Thiện Toàn - SV Trường ĐH Sài Gòn kể: “Phòng trọ của mình có đến 6 người ở nên rất chật chội, thường xảy ra mâu thuẫn do bất đồng quan điểm và khác nhau về sở thích. Nhiều hôm học ở trường cả ngày, tối còn đi dạy kèm, vì vậy khi về đến phòng chỉ muốn ngủ một giấc cho khỏe, nhưng ngặt nỗi các bạn cứ bày máy tính ra chơi, nghe nhạc và bật đèn sáng trưng đến khuya nên không sao ngủ được. Còn những ngày cuối tuần, trong phòng có một bạn thường xuyên dẫn bạn gái về ngồi chơi cả buổi nên mình và những người khác phải tìm chỗ 'di tản'. Nhiều bạn trong phòng rất bực bội, góp ý hoài nhưng đâu cũng vào đấy”.
Do ở đông người, chật chội, khó khăn trong việc học nên nhiều bạn thường tập trung bài bạc. Nguyễn Văn Tiến - SV Trường CĐ Nghề TP.HCM kể: “Cạnh phòng trọ mình đang ở trên đường Huỳnh Khương An (Q.Gò Vấp) có 7 bạn SV ở chung một phòng. Lúc mới vào ở do chưa quen nhau nên thấy ai cũng chăm chỉ học hành. Sau một thời gian mình thấy các bạn ấy thường xuyên rủ nhau đi chơi, tụ tập đánh bài, có bạn nghiện đánh bài mà quên cả giờ đến lớp”.
Chia sẻ một chút kinh nghiệm về ở ghép, Nguyễn Văn Nguyên - SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM khuyên: “Đừng quá tiết kiệm tiền mà ở chung với nhiều người, nhất là những người mình chưa hề quen biết. Nếu ở ghép, tốt nhất nên tìm những nhóm bạn học cùng lớp, cùng trường, cùng quê, bạn đồng trang lứa siêng năng, chăm chỉ trong học tập để hỗ trợ cho nhau cùng tiến bộ”.
Theo Thanh niên