Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sinh viên lao đao vì giá phòng, thực phẩm tăng sau Tết

Sau hơn 2 tuần nghỉ Tết, các sinh viên quay lại tiếp tục công việc học tập. Giờ giấc thay đổi, chi phí sinh hoạt tăng cao… là những vấn đề phát sinh khiến nhiều bạn trẻ đau đầu.

Sau Tết Nguyên đán, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên cả nước hối hả trở lại nhịp học tập sau kỳ nghỉ dài. Bên cạnh một số bạn trẻ lên thành phố sớm kiếm việc làm thêm, không ít người cũng khá tất bật di chuyển đồ đạc sang phòng mới...

Phí nhà trọ tăng cao, giá cả leo thang

Trở lại Hà Nội sau hơn 2 tuần nghỉ Tết, vấn đề đầu tiên gặp phải của Minh Hằng (quê Phú Thọ) là căn phòng ẩm mốc khi đóng cửa dài ngày. Bởi vậy, ngay ngày đầu tiên xuống phòng, dù mệt mỏi sau quãng đường dài di chuyển, cô và bạn cùng phòng vẫn phải bắt tay ngay vào công việc dọn dẹp, khử mùi phòng ốc.

Sinh viên hối hả lau dọn phòng sau kỳ nghỉ Tết. Ảnh minh họa. 

Quốc Tài (22 tuổi, quê An Giang, sinh viên năm 4) ở trọ cùng 3 người bạn chung lớp tại quận Bình Thạnh, TP HCM. Nam sinh cho biết, anh đổi chỗ ở đến nay được 4 lần, trước Tết giá cho thuê phòng ổn định ở mức 2 triệu đồng, chưa tính điện, nước.

Theo đó, mỗi tháng chi phí sinh hoạt mà gia đình gửi cho Tài và các bạn cùng phòng khoảng 2 triệu đồng. Tính riêng tiền nhà trọ, điện, nước, internet... mỗi bạn phải trả từ 700.000 đồng/tháng. Với số tiền còn lại, Tài phải chi tiêu gói ghém cho việc ăn uống, mua các thiết bị học tập… 9X tâm sự, mì gói là món ăn quen thuộc hàng ngày của anh và những sinh viên khác.

Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ Tết, do giá thuê trọ tăng đột biến, chàng trai tiếp tục phải đối mặt với cảnh tìm phòng trọ mới. “Sinh viên chúng mình rất lo lắng khi quay lại thành phố học tập sau mỗi dịp Tết, thông thường, giá phòng đều tăng từ 500.000 - 1 triệu đồng nên mọi người đều chuẩn bị trước tâm lý" - Tài chia sẻ. Biện pháp của chàng trai và nhóm bạn là tìm kiếm những phòng trọ nằm sâu trong ngõ, diện tích nhỏ để có giá mềm hơn.

Cùng cảnh ngộ, vừa đặt chân tới Hà Nội, Thanh Hoài (sinh viên năm 2 Đại học Công nghiệp) tất bật cùng người bạn cùng phòng di chuyển đồ đạc đến nơi ở mới cách trường học hơn 30 phút đi xe bus.

“Mình và bạn cùng phòng sống gần trường gần một năm. Nhưng sau Tết chủ nhà tăng giá thêm 500.000 đồng. Do chi phí không đáp ứng đủ, nên cả hai quyết định di chuyển tới khu Cổ Nhuế với mức giá thấp hơn” – Hoài cho hay.

Lý giải về sự tăng giá thuê phòng sau dịp Tết, chị Lợi – chủ một nhà trọ tại phường Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội) – cho biết, sau Tết, lượng người chuyển đi và mới đến nhiều, giá cả một số mặt hàng gia tăng nên chị nhích giá cho phù hợp, cân bằng cuộc sống.

Ngoài việc giá nhà trọ tăng cao, giá cả thị trường leo thang cũng là vấn đề khiến các sinh viên sống xa nhà kêu than.

Thư Anh (sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội) cho hay, những ngày đầu năm, dạo quanh một số khu chợ tại Hà Nội, nhiều cửa hàng còn chưa mở cửa. Chủ yếu bày bán trở lại là các loại rau, củ, quả...

Hàng ngày phải đi chợ và tự nấu ăn nên nữ sinh khá quan tâm đến giá cả các mặt hàng. “Sau Tết, mình đi chợ thì thấy mặt hàng chủ yếu tăng giá là rau xanh so với ngày bình thường. Mua một củ su hào đã 20.000 đồng, rau cải 10.000 đồng... Đầu năm cả nhóm muốn tụ tập ăn lẩu lại khá tốn kém" - nữ sinh chia sẻ.

Đối với Minh Xuân, sinh viên Đại học Sài Gòn, giá cả tăng nhưng do mang theo đồ ăn từ nhà nên bữa ăn sau Tết của anh có phần tiết kiệm hơn. 

Lý giải cho nguyên nhân tăng giá gấp 2- 3 lần so với bình thường như vậy, chị Linh - tiểu thương tại chợ Tân Định cho biết do giá nhập ở chợ đầu mối tăng, thời tiết nắng nóng cùng với người dân tiêu dùng nhiều thực phẩm giàu dầu mỡ, đồ ngọt trong dịp tết nên nhu cầu mua rau xanh tăng cao. Người này cũng cho hay, đây là tình trạng chung trong dịp đầu năm. Cứ gần Tết và một vài tuần đầu sau Tết, giá cả các loại thực phẩm, rau xanh sẽ có sự biến động. Sau 1-2 tuần, giá cả sẽ bình ổn trở lại. 

Giờ giấc thay đổi

Sau thời gian nghỉ Tết dài, nhiều sinh viên quay lại học tập đúng giờ giấc đến trường đã không làm chủ được đồng hồ sinh học của mình.

Thúy Hạnh (quê Hải Phòng) cho biết đã nghỉ học hai hôm do thức dậy quá muộn. “Về quê ăn Tết, mình vui chơi và ngủ thả ga, nên giờ đi học lại quả là cực hình. Theo đà này, chắc phải qua một tuần mình mới làm quen lại mọi hoạt động” - nữ sinh lý giải.

Bên cạnh đó, công việc bán thời gian của nhiều bạn sinh viên cũng có sự xáo trộn. Làm quản lý tại một cửa hàng bán gà rán ở quận 3, TP HCM được gần 6 tháng, Quốc Cường (sinh viên ĐH Ngân hàng TP HCM) tích lũy được nhiều kinh nghiệm, cũng như có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Song sau Tết, giờ làm của chàng trai thay đổi khiến việc sắp xếp lịch học bị trùng.

"Đa số việc làm bán thời gian đều tuyển sinh viên. Sau Tết nhiều bạn bỏ việc hay lên thành phố muộn nên chúng mình phải thế chỗ. Kỳ nghỉ dài khiến mọi thứ đảo lộn khá nhiều” – Cường chia sẻ.

Để giải quyết vấn đề phát sinh, Cường tiết lộ, anh phải thuê người đi học hộ để đối phó và chờ đến khi cửa hàng tuyển đủ nhân viên.

Sinh viên tất bật làm thêm, gặp khó khăn khi đi học sau Tết

Nhiều bạn trẻ cho biết, họ tranh thủ lên thành phố trước khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc để đi làm, có thêm thu nhập.


Nhật Ánh

Bạn có thể quan tâm